Chú trọng đầu tư phát triển kinh tế biển
QTO - Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các nghị quyết, chương trình hành động của tỉnh Quảng Trị, trong những năm qua kinh tế biển được quan tâm, đầu tư phát triển, đạt được nhiều thành quả ấn tượng trên nhiều phương diện, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh của tỉnh và nâng cao đời sống Nhân dân.

Chú trọng đầu tư phát triển kinh tế biển

Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các nghị quyết, chương trình hành động của tỉnh Quảng Trị, trong những năm qua kinh tế biển được quan tâm, đầu tư phát triển, đạt được nhiều thành quả ấn tượng trên nhiều phương diện, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh của tỉnh và nâng cao đời sống Nhân dân.

Ngành thủy sản Quảng Trị lập nên nhiều “kỳ tích” trong khai thác, đánh bắt hải sản -Ảnh: MĐ​

Để xây dựng Quảng Trị trở thành tỉnh mạnh về biển, Quảng Trị đã tập trung thực hiện Chương trình hành động số 144-CTHĐ/TU, ngày 24/4/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Cụ thể, mục tiêu tổng quát đến năm 2030 phấn đấu đưa Quảng Trị trở thành địa phương mạnh về biển của vùng Bắc Trung Bộ; đạt cơ bản các tiêu chí quốc gia về phát triển bền vững kinh tế biển; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa biển và hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển, biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng trên địa bàn tỉnh. Ứng dụng những thành tựu khoa học, công nghệ mới, tiên tiến, hiện đại trong phát triển bền vững kinh tế biển của tỉnh. Tầm nhìn đến 2045, phấn đấu xây dựng Quảng Trị trở thành tỉnh có nền kinh tế biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế của tỉnh. Để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế biển, tỉnh tập trung nguồn lực để phát triển kinh tế biển, trong đó chú trọng triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi đánh bắt xa bờ như Quyết định 48/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích khai thác hải sản ở vùng biển xa và Nghị định 67/NĐ-CP, Nghị định 17/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Từ sự quan tâm đó, ngư dân trên địa bàn tỉnh ngày càng yên tâm vươn khơi, bám biển. Mặc dù chịu ảnh hưởng lớn từ thiên tai, mưa bão, sự cố môi trường biển, COVID-19 và bị nhiều tàu nước ngoài gây hấn, phá hoại nhưng ngư dân Quảng Trị vẫn duy trì hoạt động khai thác hải sản, phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình, quê hương cũng như góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Bùi Đình Thủy, Thôn 4, xã Gio Hải, huyện Gio Linh cho hay, anh sinh ra ở vùng biển, vì thế luôn mong muốn tiếp nối và phát triển nghề truyền thống cha ông. Năm 2012, anh Thuỷ dùng số tiền tích cóp và vay thêm ngân hàng để đầu tư đóng thuyền lớn, công suất hơn 600 CV, mua sắm ngư lưới cụ, trang thiết bị hiện đại với số tiền hơn 4 tỉ đồng. Với khát vọng chinh phục biển khơi, anh tập trung khai thác hải sản ở ngư trường lớn Hoàng Sa, Trường Sa… Bình quân hằng năm, tổng doanh thu ước đạt khoảng 3 tỉ đồng, sau khi trừ chi phí, lãi gần 1 tỉ đồng, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống cho 6 thuyền viên, với thu nhập bình quân từ 80-100 triệu đồng/người/ năm. Anh Thủy còn là người đi đầu trong việc giúp đỡ người dân về phát triển kinh tế biển và cứu hộ, cứu nạn; đồng thời là người khởi xướng thành lập Tổ tự quản tàu thuyền Thôn 4 vào năm 2016, trở thành điểm sáng trong công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển và bảo vệ biển đảo của Tổ quốc.

Huyện Gio Linh là địa phương có số lượng tàu thuyền lớn nhất trong toàn tỉnh, với 939 tàu, có tổng công suất 80.474 CV, trong đó có 169 tàu đánh bắt xa bờ. Tổng sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản năm 2020 ước đạt 15.250 tấn, chiếm hơn 1/2 sản lượng trên toàn tỉnh. Đặc biệt, ngư dân huyện Gio Linh còn lập nhiều kỷ lục về đánh bắt hải sản. Nổi bật như ngư dân Lê Văn Tuấn, thôn Xuân Lộc, xã Gio Việt, đánh bắt được 180 tấn cá bè xước ở ngư trường Cồn Cỏ vào tháng 3/2017, bán được hơn 5,5 tỉ đồng. Hay anh Lê Văn Viện, thôn Xuân Tiến, xã Gio Việt, đánh bắt 120 tấn cá bè vàng, bán được khoảng 5 tỉ đồng vào tháng 2/2019. Nhiều ngư dân đã mạnh dạn đầu tư nâng cấp, cải hoán, đóng mới tàu thuyền có công suất lớn, ngư lưới cụ hiện đại để vươn khơi bám biển, khai thác hải sản đạt hiệu quả cao, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Những chuyến tàu đầy ắp hải sản -Ảnh: MĐ​

Thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về chính sách phát triển thủy sản, tỉnh Quảng Trị có 25/32 tàu đóng mới, trong đó có 17 tàu vỏ thép, 7 tàu vỏ gỗ và 1 tàu vỏ compsite. Về nâng cấp tàu thuyền, đến nay đã có 93/118 chủ tàu được vay vốn (có 3 tàu hoàn trả vốn vay). Hầu hết các chủ tàu đã triển khai thực hiện kịp thời và đánh bắt có hiệu quả, góp phần tham gia khai thác ở vùng biển xa nhiều hơn. Lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa và bền vững.

Người dân chú trọng đầu tư về giống, tuân thủ quy trình kỹ thuật, thời vụ, mở rộng nhiều hình thức nuôi; phát triển diện tích thâm canh, bán thâm canh, giảm diện tích quảng canh, áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật có hiệu quả. Công tác quản lý khai thác thủy sản đạt được những kết quả quan trọng, sản lượng khai thác thủy sản hằng năm luôn đạt và vượt kế hoạch đặt ra. Nếu như năm 2016, tổng sản lượng thuỷ sản đạt 23.794 tấn thì năm 2020, ước tính tổng sản lượng thủy sản đạt 37.000 tấn, trong đó khai thác ước đạt 27.000 tấn; nuôi trồng thủy sản ước đạt 10.000 tấn. Hoạt động đánh bắt thủy sản phát triển mạnh tạo thuận lợi cho việc thu mua, chế biến, tiêu thụ hải sản. Hằng năm đưa vào chế biến hàng chục nghìn tấn hải sản các loại; nhiều sản phẩm chế biến thuỷ sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận về chất lượng.

Hiện nay, tỉnh đã hình thành 2 trung tâm nghề cá lớn là Cửa Việt và Cửa Tùng, cơ sở kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển. Tại 2 cảng cá Cửa Tùng và Cửa Việt có 7 cơ sở sản xuất nước đá, 5 cơ sở cung ứng xăng dầu, hàng chục cơ sở chế biến cá khô; 2 cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền. Một số cơ sở, nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh, Surumi và bột cá được đầu tư hiện đại tại Cửa Tùng đi vào hoạt động góp phần thu mua, tiêu thụ sản lượng hải sản khai thác trong tỉnh. Cơ sở chế biến nước mắm, ruốc, mắm các loại, hàng thủy sản khô phát triển nhanh, chất lượng và mẫu mã sản phẩm được chú trọng đầu tư đã góp phần tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập của người dân.

Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện các cơ sở hạ tầng nghề cá của tỉnh, nhất là hệ thống cảng cá và dịch vụ hậu cần nghề cá, các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá vùng Cửa Việt, Cửa Tùng và đảo Cồn Cỏ. Quảng Trị có đường bờ biển dài 75 km, với nhiều bãi tắm đẹp như: Cửa Tùng, Vĩnh Thái (Vĩnh Linh), Cửa Việt (Gio Linh), Mỹ Thủy (Hải Lăng), Triệu Lăng (Triệu Phong)… là những thuận lợi để phát triển thương mại - dịch vụ, du lịch biển. Trên cơ sở đó, tỉnh có nhiều chính sách ưu đãi các nhà đầu tư đến với Quảng Trị thực hiện các dự án về phát triển thương mại - dịch vụ, du lịch biển; tập trung huy động, sử dụng lồng ghép nhiều nguồn lực để tăng cường xây dựng, củng cố cơ sở hạ tầng ven biển, kết hợp với việc quảng bá các hoạt động dịch vụ du lịch, tắm biển, nghỉ dưỡng tại các bãi tắm cộng đồng và các cụm, điểm du lịch dịch vụ biển, đảo..., trong đó chú trọng đầu tư vào tam giác du lịch biển đảo Cửa Việt - Cồn Cỏ - Cửa Tùng… Đặc biệt, là việc triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm giúp người dân vùng biển, ven biển ổn định cuộc sống, thực hiện chuyển đổi sinh kế, phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao. Người dân vùng biển phấn khởi khi những mô hình trồng trọt, chăn nuôi bước đầu mang lại nguồn thu nhập ổn định, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

Những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế biển đã mang đến sự đổi thay trong cuộc sống của người dân vùng biển, góp phần làm thay đổi diện mạo của những vùng quê biển ngày một giàu đẹp hơn.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Nguyễn Hoài Nam cho biết: Hiện nay toàn tỉnh có 2.277 tàu, với tổng công suất 125.165 CV; trang thiết bị, ngư lưới cụ đầu tư ngày càng hiện đại và đồng bộ; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác và bảo quản sản phẩm. Hiện có 369 tàu cá có chiều dài trên 15 m; 203 tàu cá trên 90 CV thường xuyên tham gia khai thác hải sản tại các vùng biển xa. Số chuyến biển trên các vùng biển xa năm 2017 có 386 chuyến thì năm 2020 ước tăng trên 600 chuyến.​

Minh Đức