Khẩn trương, nghiêm túc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đúng quy định
QTO - Chiều nay 26/9, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp với lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương về tình hình, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến chủ trì cuộc họp.​

Khẩn trương, nghiêm túc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đúng quy định

Chiều nay 26/9, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp với lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương về tình hình, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến chủ trì cuộc họp.​

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng yêu cầu các sở, ngành, địa phương tích cực nghiên cứu, đề ra các giải pháp cụ thể để quyết tâm hoàn thành giải ngân 100% vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh - Ảnh: H.T

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, kế hoạch đầu tư công do tỉnh quản lý năm 2022 được giao đến nay là 3.874,422 tỉ đồng, bằng 114% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. UBND tỉnh đã phân bổ chi tiết 3.826,126 tỉ đồng, đạt 98,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ và HĐND tỉnh giao. Ngay sau khi có quyết định giao vốn, tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt với rất nhiều giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn được giao.

Trong đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản, quyết định, chỉ thị để chỉ đạo, đôn đốc thực hiện, đồng thời tổ chức hội nghị để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện đã gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Theo đó, tính đến ngày 15/9/2022, tổng giá trị giải ngân là 1.299,299 tỉ đồng, đạt 37,6% kế hoạch (nếu tính cả chương trình mục tiêu quốc gia thì tỉ lệ giải ngân đạt 33,5%), thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Trong đó có 13 chủ đầu tư có tỉ lệ giải ngân dưới mức trung bình của tỉnh; 52 dự án của 13 sở, ngành và 9 địa phương được giao kế hoạch vốn năm 2022 có tỉ lệ giải ngân dưới 60% kế hoạch, đặc biệt có nhiều dự án chưa giải ngân.

Mặt khác, kế hoạch vốn năm 2021 được cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2022 mới chỉ giải ngân đạt 18,1%; kế hoạch vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia chưa giải ngân.

Thực hiện quy định của UBND tỉnh về rà soát điều chỉnh đợt 15/9/2022 đối với các công trình, dự án giải ngân dưới 60%, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có các tờ trình báo cáo UBND tỉnh về việc chưa thực hiện điều chỉnh đối với 38 dự án của 9 sở, ngành và 7 địa phương; điều chỉnh giảm kế hoạch 114 tỉ đồng của 7 dự án để bổ sung cho 6 dự án nguồn vốn ngân sách trung ương có tỉ lệ giải ngân tốt nhằm điều hòa nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân chung của toàn tỉnh; trình kỳ họp thứ 12 - HĐND khóa VIII điều chỉnh giảm kế hoạch 11,98 tỉ đồng của 6 dự án, nhiệm vụ để bổ sung cho 11 dự án nguồn vốn ngân sách địa phương.

Bên cạnh đó, một số dự án kế hoạch năm 2021 vốn ngân sách địa phương được HĐND tỉnh cho phép kéo dài sang năm 2022 nhưng do khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, nguồn đất đắp, giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao, thời tiết mưa nhiều nên dự kiến không giải ngân hết số vốn được kéo dài theo đúng quy định.

Mặt khác, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh giảm kế hoạch kéo dài 18,528 tỉ đồng của 9 dự án để bổ sung cho 10 dự án, trong đó có 6 dự án cần đẩy nhanh tiến độ sớm hoàn thành và 4 dự án hoàn thành trong năm 2022.

Giải trình, tham gia ý kiến tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương có tiến độ giải ngân chưa đạt yêu cầu đã báo cáo rõ tên và tổng số vốn chưa giải ngân của các công trình, dự án mà các sở, ngành, địa phương làm chủ đầu tư; trong đó nguyên nhân chủ yếu là do công tác bồi thường, GPMB vẫn còn nhiều bất cập, biến đổi khí hậu, giá một số vật liệu xây dựng tăng cao, thủ tục thực hiện các dự án ODA phức tạp…

Đồng thời, đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan nhằm phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đúng tiến độ.

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng nhấn mạnh, giải ngân vốn đầu tư công đạt kế hoạch là mệnh lệnh của Thủ tướng Chính phủ nhằm phục hồi và phát triển KT-XH, đảm bảo sinh kế cho người dân. Bên cạnh những sở, ngành, địa phương thực hiện tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn nhiều sở, ngành, địa phương có tiến độ giải ngân còn chậm, trong đó có 13 đơn vị dưới 50%, cá biệt có 5 đơn vị có tiến độ giải ngân vốn đầu tư công dưới 5% gồm: Sở Công thương, Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Y tế; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương và các chủ đầu tư theo chức năng, nhiệm vụ được giao, khẩn trương, nghiêm túc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đúng quy định; nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm của các chủ đầu tư, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn để tiến hành giải ngân theo đúng yêu cầu đề ra, đúng pháp luật và hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân.

Đồng thời giao các phó chủ tịch UBND tỉnh căn cứ từng lĩnh vực mà mình phụ trách trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, đơn vị giải quyết vướng mắc về hồ sơ, thủ tục nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các chủ đầu tư quyết tâm, đề ra các giải pháp cụ thể để hoàn thành giải ngân 100% vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh, thực hiện đúng cam kết của Chủ tịch UBND tỉnh với Thủ tướng Chính phủ về công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh Quảng Trị.

Hà Trang