Tổ chức sản xuất tốt hướng đến xây dựng nông thôn mới bền vững
(QT) - Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất là một nội dung rất quan trọng, bởi đây là mô hình hỗ trợ đắc lực cho người dân phát triển sản xuất hiệu quả và bền vững nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Thực tế cho thấy, những địa phương phát huy được vai trò của các hình thức tổ chức sản xuất sẽ giúp dễ thực hiện được những tiêu chí khác.

Tổ chức sản xuất tốt hướng đến xây dựng nông thôn mới bền vững

(QT) - Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất là một nội dung rất quan trọng, bởi đây là mô hình hỗ trợ đắc lực cho người dân phát triển sản xuất hiệu quả và bền vững nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Thực tế cho thấy, những địa phương phát huy được vai trò của các hình thức tổ chức sản xuất sẽ giúp dễ thực hiện được những tiêu chí khác.

Mô hình ươm cây giống đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân tại huyện Cam Lộ

Để thực hiện tốt tiêu chí 13 về hình thức tổ chức sản xuất, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Trên cơ sở thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch và bền vững. Chủ động kết nối với các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác triển khai các mô hình liên kết, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Thực hiện sản xuất theo quy mô lớn, theo chuỗi giá trị, đặc biệt có sự phối hợp liên kết “4 nhà” trong hỗ trợ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, với các sản phẩm chủ lực như gạo hữu cơ, cà phê Arabica Khe Sanh, hồ tiêu và cây ăn quả đặc sản. Nhiều mô hình phát triển sản xuất theo hướng liên kết đang được triển khai thực hiện như mô hình trồng dứa, chanh leo, trồng hoa, rau trong nhà lưới, nhà màng; nuôi tôm thẻ chân trắng, nuôi lợn theo hướng VietGap. Cùng với đó, tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các hình thức tổ chức sản xuất trong nông thôn, hỗ trợ thành lập HTX kiểu mới nhằm liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, đến nay đã có 60/275 HTX đủ điều kiện để xây dựng HTX kiểu mới. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tiếp tục được chỉ đạo triển khai thực hiện.

Theo báo cáo từ Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh, năm 2017 và 7 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh đang triển khai 33 mô hình phát triển sản xuất và ngành nghề nông thôn (trong đó năm 2017 có 13 mô hình, năm 2018 triển khai 20 dự án) với tổng kinh phí hơn 26,4 tỷ đồng, thu hút 12 HTX, 3 tổ hợp tác và 759 hộ dân tham gia. Nhiều mô hình, dự án được hỗ trợ từ nguồn vốn NTM đến nay đã phát huy hiệu quả. Tiêu biểu như mô hình trồng rau củ quả ở xã Vĩnh Trung, trồng tiêu theo phương pháp tưới tiết kiệm tại xã Vĩnh Kim (Vĩnh Linh); mô hình vườn ươm giống và sản xuất vùng nguyên liệu cây dược liệu các loại lá vằng, cà gai leo...tại xã Cam Tuyền (Cam Lộ); mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới; nuôi dê núi và trồng sả chưng cất tinh dầu ở một số xã ở huyện Đakrông. Khác với giai đoạn trước với hình thức phân bổ kinh phí đều cho các địa phương tự thực hiện, dẫn đến tình trạng manh mún, thiếu liên kết nên hiệu quả chưa cao, từ năm 2017 đến nay, ngành Nông nghiệp và PTNT tham mưu cho tỉnh thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất theo hình thức các địa phương đăng ký mô hình, dự án, sau đó xem xét lựa chọn các dự án có hiệu quả mới quyết định thực hiện (mỗi địa phương chỉ thực hiện 1-2 mô hình).

Các mô hình được lựa chọn phải là các mô hình/ dự án mới gắn với cây, con chủ lực của tỉnh hoặc các mô hình có áp dụng công nghệ cao. Đặc biệt là phải có liên kết tiêu thụ nông sản của doanh nghiệp, HTX với người dân, tổ hợp tác để đảm bảo tính bền vững, sản phẩm người dân làm ra phải có nơi tiêu thụ; nhà nước chỉ hỗ trợ một phần về giống, vật tư ban đầu, kỹ thuật..., phần còn lại do người dân đối ứng để thực hiện dự án, mô hình. Qua thực tế kiểm tra, đánh giá các mô hình cho thấy đã có sự chuyển biến tích cực về hiệu quả. Nhiều mô hình đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa với chất lượng, năng suất cao hơn so với thời gian trước. Tiêu biểu như công nghệ nhà lưới, thủy canh, tưới tiết kiệm, sản xuất theo hướng hữu cơ..., nhà nước chỉ hỗ trợ một phần kinh phí, phần còn lại người dân phải đầu tư nguồn lực để mô hình, dự án có hiệu quả. Việc liên kết tiêu thụ bắt buộc người dân phải sản xuất sản phẩm có chất lượng, đồng bộ và tuân thủ các quy định về liên kết với thị trường.

Trên cơ sở những kết quả đạt được của năm 2017, trong năm 2018, ngành Nông nghiệp và PTNT phối hợp triển khai thực hiện 20 dự án (năm 2018 không gọi là mô hình mà quy định các đối tượng hưởng lợi phải xây dựng dự án), trong đó tập trung trồng cây chanh leo tại huyện Hướng Hóa; trồng hoa chất lượng cao trong nhà màng tại vùng ven đô phường Đông Giang, thành phố Đông Hà; ứng dụng công nghệ ObiOng biển cải tạo vườn cà phê già cỗi, liên kết theo chuỗi giá trị tại huyện Hướng Hóa; trồng sắn dây theo hướng hữu cơ tại huyện Cam Lộ; nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn theo công nghệ Biofoc tại huyện Vĩnh Linh; nuôi gà công nghệ cao, trồng cam ở Triệu Phong, xây dựng thương hiệu quảng bá sản phẩm biển, trồng bưởi da xanh ở Gio Linh, chế biến tinh dầu sả ở huyện Đakrông ... Từ những kết quả đạt được, dự kiến đến cuối năm 2018 sẽ tổng kết, đánh giá 2 năm thực hiện để nhân rộng các mô hình có hiệu quả. Trong giai đoạn 2019-2020 sẽ hỗ trợ sản xuất theo hình thức hỗ trợ có thu hồi để quay vòng vốn hỗ trợ cho các địa phương khác, đồng thời việc hỗ trợ sẽ gắn với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Đây chính là định hướng và chủ trương của tỉnh trong xây dựng NTM bền vững và NTM kiểu mẫu.

Thanh Lê