Lo cùng hạt lúa
(QT) - Một nắng hai sương, đổ rất nhiều mồ hôi và công sức để làm ra hạt lúa, thế nhưng hiện nay người nông dân các xã Vĩnh Lâm, Vĩnh Thủy, Vĩnh Sơn... của huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đang lo lắng khi lúa không thành gạo, bán không ai mua hoặc có bán được thì bán với giá rẻ để làm thức ăn chăn nuôi. Lúa không bán được phải đóng thành bao chất đầy trong nhà, lý do là vì trong vụ sản xuất vừa qua do nông dân phải gặt đua với lũ, lúa gặt về không phơi được bị mọc mầm, mốc đen, hư hỏng và chất lượng kém. “Ai mua lúa tôi?” Chúng tôi tìm đến xã Vĩnh Lâm, nơi được xem là vựa lúa của huyện Vĩnh Linh. Người nông dân ở đây từ bao đời nay vẫn lấy nghề trồng lúa làm nghề chính. Vĩnh Linh có 3.800 ha lúa đông-xuân, 2.900 ha lúa hè-thu, năng suất lúa bình quân đạt 52 tạ/ha/ vụ, riêng xã Vĩnh Lâm chiếm 672 ha, năng suất bình quân đạt 55 tạ/ha/vụ. Năm 2011 là năm được mùa lúa đối với người nông dân Vĩnh Lâm so với năm 2010. Thế nhưng, khi đến thời điểm gặt hái, do ảnh hưởng của các cơn bão số 4, 5, 6, lúa gặt về nhà không phơi được nên một lượng lúa khá lớn bị hư hỏng nặng.
 |
Lúa của nông dân làm ra bị hư hỏng, không bán được phải chất trong nhà làm thức ăn chăn nuôi. |
Ông Lê Văn Cặn, ở thôn Lâm Cao, xã Vĩnh Lâm cho biết: “Vụ lúa vừa qua nhà tôi làm được 1,1 mẫu ruộng, sau nhiều ngày đêm vất vả chăm sóc cho đến khi gần thu hoạch thì bị ảnh hưởng của cơn bão số 6 nên phần lớn lúa bị hư hỏng hết, tính tổng cộng vụ vừa qua tôi thu hoạch được 2 tấn lúa nhưng chỉ sử dụng được khoảng 5 tạ, số còn lại một phần làm cám cho lợn, một phần làm thức ăn cho vịt chứ không bán được đồng nào. Mà bán cũng không ai mua vì ở đây nhà ai cũng có lúa bị hư hỏng chứ không riêng gì nhà tôi. Tôi có đi mấy đại lý chuyên thu mua lúa để hỏi bán nhưng họ đều lắc đầu vì chất lượng lúa quá thấp”. Theo tính toán của ông Cặn, để đầu tư một sào lúa cho đến khi thu hoạch thì công cày, bừa, tráng bằng máy là 180.000 đồng, giống 5 kg là 100.000 đồng, phân bón khoảng 300.000 đồng, tiền công khoảng 350.000 đồng, công vận chuyển, tuốt khoảng 100.000 đồng... Như vậy là để đầu tư một sào lúa từ khi làm đất đến khi lúa khô đóng vào bao cũng đã mất khoảng hơn 1 triệu đồng chưa kể thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật. Mỗi sào lúa bình quân gia đình ông Cặn thu được 1,8 tạ, với giá bán 450 đồng/1 kg như hiện nay thì ông thu về được 810.000 đồng, tức là vụ lúa vừa qua mỗi sào ông Cặn lỗ khoảng 200.000 đồng. Cùng trường hợp như gia đình ông Cặn, gia đình chị Phạm Thị Hồng (thôn Đằng Xá, xã Vĩnh Lâm) cũng đang chịu cảnh lúa làm ra nhiều nhưng ăn không được, bán không ai mua mà bỏ đi thì phí. Vụ đông-xuân năm 2011 vừa qua gia đình chị Hồng làm được 1,5 mẫu lúa, đến kỳ thu hoạch do bị ảnh hưởng của mưa bão nên tổng cộng chỉ thu hoạch được 2,8 tấn lúa, trong đó lúa hư hỏng, mầm mộng chiếm 8 tạ, số lúa còn lại dù đã cố gắng lắm nhưng gia đình chị cũng chỉ để dùng cho chăn nuôi. Chị Hồng cho biết: “Do bị ẩm, ngâm nước nhiều ngày không phơi được nên hầu như toàn bộ số lúa đều không dùng để ăn được, bán cũng không ai mua. Một vài người đến hỏi mua lúa của tôi nhưng giá quá thấp, chỉ 300 đồng - 350 đồng/kg nên tôi không bán mà để lại dùng cho chăn nuôi, đằng nào cũng phải mất tiền mua cám và thức ăn cho gia súc, gia cầm”. Anh Nguyễn Quang Vinh (thôn Lâm Cao, Vĩnh Lâm) là chủ một đại lý chuyên thu mua gạo của nông dân trong vùng, cho biết: “Tôi thu mua lúa cho bà con nông dân tại vùng này đã lâu nhưng chưa có năm nào chất lượng lúa lại thấp như năm qua. Nhiều lần thấy thương bà con tôi cũng hỏi mua lúa với giá 350 đồng/kg nhưng họ thấy rẻ nên không bán. Thú thật, với chất lượng lúa như vụ vừa qua thì chỉ có mua về làm thức ăn cho lợn chứ không thể xay xát thành gạo để bán”. Quan tâm hỗ trợ cho nông dân Dẫn tôi vào thăm kho lúa dành làm thức ăn chăn nuôi, chị Hồ Thị Hà (thôn Lâm Cao, Vĩnh Lâm), cho biết: “Vụ lúa vừa qua làm ra không bán được nên không có tiền để mua giống cho vụ tiếp theo. Nhà nước hỗ trợ giống thì nhà tôi cũng có nhận nhưng làm sao mà đủ được, rồi tiền công thuê người làm, tiền phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật biết lấy đâu ra. Tiền đã không có giờ nhìn đống lúa chất đầy trong nhà mà tôi muốn chảy nước mắt”. Cũng như chị Hà, rất nhiều bà con nông dân tại đây đang rất cần sự hỗ trợ về giống, phân bón, thuốc trừ sâu…để có thể tiếp tục sản xuất. Trao đổi với chúng tôi về tình trạng trên, ông Lê Văn Hóa, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lâm cho biết: “Trên địa bàn xã Vĩnh Lâm hầu như gia đình nào cũng có lúa bị hư hỏng, mầm mộng và mốc đen, nhà nào ít thì 5-7 tạ lúa, nhà nhiều thì cũng trên 1 tấn. Người dân làm lúa một nắng hai sương nhưng giờ lúa chất đống ở trong nhà không bán được, trong khi nợ nần công cày cấy từ vụ trước vẫn chưa trả được”. Xã Vĩnh Lâm có 672 ha trồng lúa, vụ lúa vừa qua, do bị mưa lũ kéo dài nên đã bị mất trắng 32,7 ha, lúa bị hư hỏng 2.000 tấn. Trước tình trạng “mất mùa trong nhà”, bà con nông dân xã Vĩnh Lâm đã được Trung ương hỗ trợ 31,8 tấn lúa, 80 kg hạt giống rau, 100 kg ngô, xã Vĩnh Lâm cũng trích từ ngân sách địa phương 70 triệu đồng mua 5,2 tấn lúa giống để hỗ trợ bà con nông dân. Nhìn chung, sự hỗ trợ về giống cho bà con nông dân là thiết thực và rất được người dân mong chờ. Tuy nhiên, không thể năm nào, vụ lúa nào cũng hỗ trợ người dân vì lý do lụt bão, hạn hán, mất mùa... Thiết nghĩ, đã đến lúc cần nghiên cứu xây dựng một nhà máy sấy lúa có quy mô trên địa bàn huyện Vĩnh Linh để khi đến mùa gặt gặp mưa lũ thì có thể sấy và bảo quản lúa, giúp người nông dân an tâm với ruộng đồng. Bài, ảnh: NAM HẢI