Phát huy sức mạnh tổng hợp, kiến tạo thành trì thịnh vượng trên quê hương Quảng Trị
TS. VÕ VĂN HƯNG, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị

Phát huy sức mạnh tổng hợp, kiến tạo thành trì thịnh vượng trên quê hương Quảng Trị

TS. VÕ VĂN HƯNG, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị

(QTO) - …Sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, mặc dù quê nhà chìm trong hoang tàn đổ nát nhưng người Quảng Trị từ khắp nơi dắt dìu nhau quay về quê hương với khát vọng dựng xây và phát triển, đồng lòng, đồng sức cùng hiện thực hóa giấc mơ về một diện mạo mới cho mảnh đất chịu nhiều mất mát vì chiến tranh và thiên tai. 50 năm đã qua, thành quả đáng tự hào mà Quảng Trị có được hôm nay, chính là nhờ sự đoàn kết, biết huy động các nguồn lực và phát huy sức mạnh tổng hợp để tạo thế và lực cho sự phát triển.

Trong bối cảnh mới, việc phát huy sức mạnh tổng hợp để khai thác tiềm năng, thế mạnh, tạo xung lực mới có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho sự phát triển của tỉnh Quảng Trị; đặc biệt là trong việc hiện thực hóa mục tiêu quan trọng nhất mà Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII đã đề ra: “Phấn đấu đến năm 2025, Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao và năm 2030 thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước”. Để thực hiện được mục tiêu này, cần phải “Phát huy ý chí, khát vọng vươn lên và sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực xã hội, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững”.

Quảng Trị - mảnh đất của sự kết nối

Với địa - chính trị đặc biệt, Quảng Trị có nhiều lợi thế về kết nối: Từ kết nối về tự nhiên, giao thông, quân sự đến kết nối kinh tế, văn hóa, xã hội,... và sâu sắc hơn là sự kết nối con người. Quy mô này không chỉ diễn ra trong phạm vi của tỉnh Quảng Trị mà còn là đất nước, khu vực và tầm thế giới.

Về mặt địa lý, địa hình Quảng Trị kết nối cả đồng bằng, miền núi, vùng ven biển, hải đảo. Thế nên tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng cả về các sản vật, các loài sinh vật quý hiếm,... Kết nối giữa nguồn tài nguyên truyền thống (khoáng sản, kim loại quý,...) và nguồn tài nguyên mới (năng lượng tái tạo từ nắng, gió, mặt trời,...).

Ở ngay giao điểm miền Trung, Quảng Trị có lợi thế về kết nối đường biển, đường bộ, đường thủy và đường sắt; là cửa ngõ giao thông gần nhất và thuận lợi nhất ra Biển Đông. Hàng trăm năm trước, Quảng Trị là điểm kết nối việc buôn bán thông qua con đường công cụ - đường hương liệu - đường muối và con đường tơ lụa trên biển, mở rộng ra cả Đàng Trong, vươn ra tới Đàng Ngoài. Qua đó đã đưa Cửa Việt và Cửa Tùng trở thành thương cảng lớn, giao thương sầm uất.

Bên cạnh khả năng kết nối trên Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC), với hai Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, La Lay và cảng biển nước sâu Mỹ Thủy, Quảng Trị sẽ là điểm kết nối quan trọng với Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Sự kết nối của Quảng Trị vừa do thiên nhiên ban tặng, vừa do lịch sử để lại, vừa là tầm nhìn của những nhà hoạch định, vừa là ý chí, tình cảm của những người con quê hương hoặc từng có thời gian sống, làm việc trên mảnh đất này. Từng bị hủy diệt đến 200% sau ngày đất nước giải phóng, thiên tai không ngừng đổ xuống nhưng người Quảng Trị luôn lạc quan, vươn lên với khát vọng muốn “giao hòa bốn cõi”, muốn “làm bạn” và “làm ăn”, muốn phát triển thịnh vượng.

Quảng Trị - mảnh đất của hội tụ

Quảng Trị ba lần được lịch sử chọn gánh vác sứ mệnh làm trung tâm lãnh đạo cho các xu thế chính trị mới: Đất khởi nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng và thủ phủ Đàng Trong suốt 70 năm (1558-1626); Tân Sở - Kinh đô kháng chiến của vị vua yêu nước Hàm Nghi chống Pháp (năm 1885), mở ra một thời kỳ “dấy nghĩa Cần Vương”; nơi đặt trụ sở của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (năm 1973).

Tuy dải đất hẹp nhưng sự hội tụ về tài nguyên của Quảng Trị lớn. Vùng biển phía Đông rộng lớn hội tụ điều kiện để mở rộng phát triển về phía biển: Có huyện đảo Cồn Cỏ, có ngư trường nhiều tôm cá và kết nối với hệ thống hàng hải quốc tế vô cùng thuận lợi. Phía Tây hội tụ đủ những điều kiện để khai thác năng lượng tái tạo, du lịch sinh thái, phát triển giao thương với Lào, Thái Lan, Myanmar,… theo trục EWEC. Phần đồng bằng ở giữa là dải đất liền hội tụ thuận lợi những dự án du lịch sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao,…

Là một địa bàn xung yếu, điểm hội tụ sức mạnh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam, nên nơi đây hội tụ hết những khốc liệt, đau thương của chiến tranh. Chính hậu quả để lại quá lâu dài, quá đau thương, nên không có nơi nào hội tụ thân phận con người, hội tụ khát vọng hòa bình, khát vọng tự do như nơi đây.

Thời nào cũng có những người con Quảng Trị là nhà khoa học, những nghệ sĩ, trí thức, những danh tăng, danh nho, những nhà chính trị, quân sự tài giỏi ghi tên tuổi vào sử sách như: Bùi Dục Tài - người đỗ đại khoa sớm nhất Đàng Trong; Nguyễn Hữu Thận - nhà toán học, nhà thiên văn học; Tổng Bí thư Lê Duẩn - người chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, người học trò lỗi lạc, gần gũi, tin cậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà tư tưởng lớn của dân tộc “ngọn đèn hai trăm nến”; Lê Bá Đảng - danh họa hai thế giới Đông - Tây… Các tôn giáo lớn đều hội tụ trên đất này. Phật tử khắp nơi đều biết đến Tổ đình Sắc Tứ Tịnh Quang cũng như tín đồ Công giáo thế giới biết về Trung tâm hành hương La Vang…

Phát triển điện gió ở Hướng Hóa - Ảnh: PV

Những chính sách, cơ chế mang tính đặc biệt được hội tụ tại đây. Chính phủ tin tưởng chọn Quảng Trị làm nơi thí điểm mô hình Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo, mô hình “một cửa, một lần dừng”…

Sự hội tụ ở Quảng Trị hiện diện trên bình diện rộng từ thiên nhiên đến con người, từ vật chất đến tinh thần… là những nền tảng quan trọng để phát triển.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra cơ hội cho những địa phương từng gặp bất lợi về địa giới hành chính nhỏ, nhưng có thuận lợi về nguồn lao động trẻ, có trình độ cao và khả năng sáng tạo không giới hạn. Tuy nhiên, muốn phát huy tốt nhất lợi thế của mình, tạo xung lực mới để đi lên, Quảng Trị phải chọn một lối đi khác biệt.

Thứ nhất quy hoạch có tầm nhìn vượt trước. Muốn đưa Quảng Trị phát triển bền vững và hiện đại cần phải có quy hoạch cụ thể, chiến lược đi đôi với tầm nhìn dài hạn và phù hợp với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các khu công nghiệp; cảng và logistics; hệ thống năng lượng và đào tạo nguồn nhân lực,… sẽ được các chuyên gia quốc tế có uy tín như Liên đoàn Sản xuất Singapore (SMF) để hiện thực hóa “Giấc mơ Quảng Trị”.

Thứ hai, hình thành trung tâm năng lượng mới của khu vực. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 19 dự án điện gió với tổng công suất phát điện thương mại là 671,1MW, có 3 dự án điện mặt trời nối lưới với tổng công suất phát điện thương mại khoảng 127MW và 11 dự án thủy điện với tổng công suất phát điện thương mại 167,5MW. Nếu được công nhận COD, sẽ có thêm 42,3MW thuộc 2 dự án điện gió Hướng Linh 7 và Hướng Hiệp 1 phát điện thương mại, tổng công suất các dự án năng lượng của tỉnh đạt 1.007,9MW. Ngoài ra, có 19 dự án điện gió và thủy điện đã được phê duyệt vào Quy hoạch phát triển điện lực, dự kiến hoàn thành vận hành thương mại trong giai đoạn 2021-2025 với tổng công suất tăng thêm là 547MW.

Trong giai đoạn 2026-2030, dự kiến sẽ đưa vào vận hành các dự án nhiệt điện với tổng công suất 3.160MW (bao gồm: Nhiệt điện Quảng Trị 1 - 1.320MW, Nhà máy điện khí - 340MW và Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, giai đoạn 1 - 1.500MW). Nếu các dự án đầu tư hoàn thành đúng kế hoạch, dự kiến tổng công suất phát điện đến năm 2030 của tỉnh là 4.714,9MW. Đây là cơ sở và tiền đề quan trọng tạo điều kiện để tỉnh bứt phá vươn lên, gia nhập vào nhóm các tỉnh khá của cả nước.

Gió Lào, nắng nóng gay gắt khắc nghiệt bao đời, nay đã trở thành nguồn năng lượng tái tạo để Quảng Trị làm giàu bởi chính tư tưởng chủ động “biến khó khăn thành lợi thế khác biệt để đột phá vươn lên”.

Thứ ba, đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Lãnh đạo Quảng Trị xác định, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông sẽ đi trước một bước, là hướng đi quan trọng để kết nối các vùng, miền. Trong kết nối hiện tại còn thiếu kết nối quan trọng bằng đường không. Hiện tại, sân bay Quảng Trị có tổng mức đầu tư hơn 5.820 tỉ đồng theo hình thức đối tác công tư PPP đã hoàn thành xong việc thi tuyển kiến trúc, đang lập FS, dự kiến khởi công đầu tư vào Quý II/2022. Với việc đột phá trong phát triển giao thông đường không, Quảng Trị hoàn toàn có thể trở thành trung tâm cung cấp các dịch vụ hàng không, vì về mặt địa lý nằm ngay giao điểm miền Trung của Việt Nam, là điểm quan trọng trên EWEC. Chưa kể, còn có những vùng đất rộng lớn đầy tiềm năng chưa được khai thác để phát triển đô thị sân bay mà không phải địa phương nào cũng có được.

Việc triển khai xây dựng trục đường giao thông kết nối ven biển sẽ mở toang cánh cửa thành phố Đông Hà, kết nối Đông Hà với Cửa Việt và đưa Đông Hà tiến gần về biển để kết nối, khai thác tiềm năng kinh tế biển và hình thành nên trục giao thông kết nối với EWEC. Để thúc đẩy phát triển giao thông đường biển, cảng biển, lãnh đạo tỉnh đề xuất Bộ Giao thông vận tải điều chỉnh quy mô tiếp nhận tàu trọng tải đến 5.000 tấn tại cảng Cửa Việt và quyết tâm hiện thực hóa cảng nước sâu Mỹ Thủy cho tàu có trọng tải 100.000 tấn có thể ra vào. Đồng thời đẩy mạnh việc xúc tiến, kêu gọi đầu tư cảng nước sâu Mỹ Thủy.

Dự án đầu tư xây dựng Quốc lộ 15D từ cảng Mỹ Thủy đến Cửa khẩu quốc tế La Lay dài 92 km được Chính phủ đưa vào quy hoạch và được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2020-2025. Việc hình thành tuyến đường này sẽ tạo thêm trục hành lang song song với EWEC cũng như kết nối đường cao tốc Bắc - Nam và hai nhánh Đông - Tây đường Hồ Chí Minh.

Một khi các dự án sớm được triển khai sẽ tạo cho Quảng Trị một hệ thống giao thông đồng bộ gồm đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường biển giúp cho việc kết nối nhanh về biển và đánh thức các tiềm năng to lớn từ biển.

Thứ tư, đưa các sản phẩm du lịch, nông nghiệp ra thế giới. Quảng Trị có nhiều tour du lịch độc đáo và khác biệt như: “Một ngày ăn cơm 3 nước”, “Du lịch hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội”, “Du lịch DMZ”,... Quảng Trị được thiên nhiên ban tặng những danh lam, thắng cảnh nổi tiếng, cùng 75 km bờ biển với dải cát dài, những bãi tắm sạch, xanh, trong lành thu hút hàng nghìn lượt khách mỗi mùa du lịch hè. Đảo Cồn Cỏ nằm không quá xa với bờ kết nối với Cửa Tùng, Cửa Việt, tạo thành tam giác du lịch hấp dẫn. Sáng tạo thêm các sản phẩm mang tính đặc trưng riêng có của Quảng Trị, năm 2022, tỉnh dự kiến tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình - là một lễ hội mới và độc đáo lần đầu tiên được tổ chức.

Các trung tâm về các loại dược liệu đã được hình thành như: Chè vằng, cà gai leo An Xuân hay cao dược liệu an xoa của huyện Cam Lộ đã xuất khẩu trực tiếp qua Mỹ. Cây công nghiệp cũng được chú trọng phát triển. Đến hôm nay tỉnh đã cung cấp cho 2 nhà máy chế biến gỗ khoảng 600.000 m3 nguyên liệu, còn xuất khẩu khoảng 1 triệu tấn. Quảng Trị là một tỉnh đi đầu về quản lý phát triển rừng điện tử và về chứng chỉ FSC quốc tế thì Quảng Trị vẫn nằm tốp đầu.

Bên cạnh mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực, xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả cao, các sản phẩm mang thương hiệu đặc sắc, tỉnh đang tích cực kêu gọi nhiều dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, mở ra hướng làm giàu, đi lên từ khu vực nông nghiệp, như: Dự án Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao FAM - Quảng Trị có tổng vốn đầu tư 371 tỉ đồng, Dự án Trang trại chăn nuôi công nghệ cao kết hợp điện mặt trời áp mái (843 tỉ đồng), Dự án Trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao SGR (98 tỉ đồng), Dự án Trang trại chăn nuôi công nghệ cao khép kín Vĩnh Tú (280 tỉ đồng).

Nghiên cứu phát triển Khu kinh tế - thương mại Lao Bảo gắn với định hướng phát triển thương mại xuyên biên giới để hình thành Khu thương mại biên giới. Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, theo hướng phát triển du lịch lịch sử - chiến tranh cách mạng trở thành sản phẩm đặc trưng riêng của Quảng Trị, trở thành thương hiệu du lịch hòa bình của cả nước; khai thác tiềm năng du lịch biển, đầu tư hạ tầng du lịch đồng bộ sớm hình thành khu du lịch quốc gia Cửa Việt - Cửa Tùng - đảo Cồn Cỏ.

Nhiều dự án phát triển du lịch có quy mô lớn đang được các nhà đầu tư, các doanh nghiệp có tiềm lực quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu, đăng ký đầu tư, triển khai thực hiện như: Dự án Khu đô thị mới Gio Linh của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Dự án Khu thể dục thể thao tại huyện Gio Linh của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái và sân golf tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị; Dự án Khu đô thị sinh thái và Sân Golf 18 Hole tại khu vực hồ Nghĩa Hy, thị trấn Cam Lộ,...

Thứ năm, trở thành trung tâm trung chuyển kết nối với Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo được Chính phủ đưa vào là 1 trong 8 cửa khẩu đặc biệt của Việt Nam. Cửa khẩu này sẽ thực hiện “sứ mệnh” đẩy mạnh kết nối trên EWEC. Cửa khẩu quốc tế La Lay không chỉ kết nối với các tỉnh phía Nam Lào mà với việc hình thành cảng biển nước sâu Mỹ Thủy sẽ mở ra một trục kết nối hàng hóa 2 chiều từ cảng Mỹ Thủy qua thị trường ASEAN và từ thị trường ASEAN ra Biển Đông. Đặc biệt là việc hình thành Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, Cảng hàng không Quảng Trị sẽ kéo theo các dự án động lực như xây dựng cảng Mỹ Thủy để nhập khí; hình thành cụm công nghiệp khí để xuất đến thị trường ASEAN qua đường Cửa khẩu quốc tế La Lay.

Những tiềm năng to lớn không thể khỏa lấp khó khăn hiện hữu của tỉnh Quảng Trị. Chính vì thế, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII đã chỉ rõ: “Nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng”. Khát vọng phát triển, khát vọng làm giàu phải được chắp cánh từ những cá nhân cụ thể. Trong các nguồn lực, thì nguồn lực văn hóa - con người, nguồn nội lực là yếu tố quyết định quan trọng với tỉnh Quảng Trị.

Điều cốt lõi là ngay từ bây giờ, người Quảng Trị phải hợp trí, hợp lực, đoàn kết, chung sức chung lòng, vượt lên chính mình; học hỏi tiền nhân, luôn nhớ về tiền nhân, tri ân công sức, mồ hôi, xương máu của các thế hệ đi trước nhưng phải luôn đổi mới, sáng tạo, ấp ủ khát vọng cống hiến, nỗ lực vươn lên. Xây dựng thế hệ người Quảng Trị mới năng động, có ý chí, tinh thần khởi nghiệp, có khát vọng vươn lên mạnh mẽ khẳng định bản thân, bản sắc và cống hiến cho cộng đồng.

Ngày nay, với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, những tiềm năng, lợi thế được nhìn nhận đầy đủ hơn, khoa học hơn, giúp chúng ta truy cập nguồn tài nguyên vô tận do tạo hóa và tổ tiên ban tặng. Nó là nhân tố để Quảng Trị thoát ra khỏi cái vòng lẩn quẩn của đói nghèo, lạc hậu; nó thúc bách mỗi cán bộ, đảng viên, người dân, doanh nghiệp phải thực sự vận động mạnh mẽ hơn, sẵn sàng vượt qua nhiều gian lao, trở ngại, để gặt hái thành công.

Từ chiến thắng lịch sử của ngày 1/5/1972 đã cho chúng ta bài học có ý nghĩa thực tiễn đến hôm nay và mai sau. Đó là: Khi chuyển hóa được giữa sức mạnh tinh thần thành sức mạnh vật chất, giữa sức mạnh bên ngoài thành sức mạnh bên trong, giữa số lượng và chất lượng sẽ tạo nên vị thế, thế đứng mới cho Quảng Trị trong thời gian tới.

Hành trang sau 50 năm giải phóng tỉnh Quảng Trị như một con tàu với cánh buồm căng gió; quyết tâm cùng nhau vươn ra biển lớn, với khát vọng dựng xây và phát triển. Đó cũng là sự kế thừa ý nghĩa nhất đối với những thành quả của bao thế hệ cha anh đã ngã xuống để vun đắp nên nền hòa bình, độc lập hôm nay. Đó cũng chính là trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể tỉnh Quảng Trị thực hiện sứ mệnh cao cả của Đảng, Nhà nước giao phó, để phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn, kiến tạo thành trì hòa bình, thịnh vượng trên quê hương Quảng Trị.