Phát huy thành tựu đạt được, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVI trên lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
* NGUYỄN ĐỨC CHÍNH, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị
 |
Cách đây 70 năm, sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 14/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập Bộ Canh nông với nhiệm vụ giải quyết nạn đói và soạn thảo một chương trình phát triển nông nghiệp toàn diện phục vụ công cuộc kháng chiến kiến quốc, giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Ngày 14/11/1945 trở thành Ngày truyền thống của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồng hành cùng đất nước trong từng giai đoạn lịch sử, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị qua các thời kỳ đã khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Trải qua 70 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, ngành Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đã đạt được những thành tựu nổi bật. Giai đoạn 1945 - 1954, nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Trị cùng với cả nước đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, là nền tảng của kinh tế kháng chiến với những đóng góp to lớn trong vấn đề giải quyết nạn đói 1945 - 1946, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, cung cấp sức người sức của cho kháng chiến, hình thành, phát triển nông nghiệp trong những giai đoạn tiếp theo. Giai đoạn 1955-1972 là thời kỳ đặc biệt của quá trình xây dựng và phát triển ngành Nông nghiệp Quảng Trị. Khi đất nước bị chia cắt làm hai miền, tỉnh Quảng Trị cũng bị chia cắt. Trong thời kỳ này, Đảng bộ, quân và dân Vĩnh Linh bước vào vị trí chiến đấu mới, nhận trách nhiệm trước lịch sử dân tộc “là tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam, của Trị- Thiên ruột thịt”. Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng đã chỉ rõ: “Miền Bắc nước ta đang chuyển sang thời kỳ lấy xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội làm nhiệm vụ trọng tâm; đồng thời tiếp tục hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa, củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất XHCN, ra sức thực hiện một bước công nghiệp hoá, xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội và hoàn thiện cải tạo xã hội chủ nghĩa, đưa miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”. Vĩnh Linh cùng với miền Bắc trở thành hậu phương lớn, chi viện đắc lực cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam. Ngày 1/5/1972, Quảng Trị được giải phóng, trong muôn vàn khó khăn bề bộn, cơ sở vật chất và đời sống bà con nhân dân vô cùng thiếu thốn, nhưng với tinh thần đoàn kết, cán bộ, nhân viên ngành Nông nghiệp đã tích cực, chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy và UBND tỉnh chỉ đạo phục hồi sản xuất nông nghiệp, góp phần ổn định đời sống của nhân dân, tạo dựng nền móng cho sự phát triển đi lên của ngành cùng với sự nghiệp phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh. Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, trên mảnh đất Quảng Trị, cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm đã để lại hậu quả vô cùng nặng nề, hầu hết các huyện, thị xã, thị trấn, làng mạc bị tàn phá, huỷ hoại, cơ sở hạ tầng bị xuống cấp nghiêm trọng, công cụ, nông cụ sản xuất hầu như không có, ruộng đất hoang hoá bom đạn dày đặc, nền sản xuất nhỏ phân tán lạc hậu, thiên tai thường xuyên xảy ra làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống bà con nhân dân. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, phát huy truyền thống anh hùng, nhân dân Quảng Trị đã hăng hái tham gia rà phá bom mìn, khai hoang, phục hoá, làm thủy lợi, tích cực gieo trồng, phát triển chăn nuôi, vừa ra sức khôi phục cơ sở sản xuất, vừa sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp tạo nên sự phát triển mạnh mẽ trong nông nghiệp, nhờ đó, sản lượng lương thực tăng nhanh đảm bảo nhu cầu tiêu dùng, hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh, thâm canh tập trung như ớt, lạc, cà phê, hồ tiêu… Năm 1989, Quảng Trị được tách ra từ tỉnh Bình Trị Thiên. Trở về với tên gọi của mình, toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân Quảng Trị đã bắt tay vào công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương. Ngày 1/7/1989, UBND tỉnh có Quyết định số 01/ QĐ - UB về việc thành lập các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh, theo đó các sở: Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy lợi và Thủy sản được thành lập. Buổi đầu tái lập và xây dựng quê hương trong điều kiện vô vàn khó khăn, thử thách. Nền kinh tế thuần nông, cơ sở hạ tầng thấp kém; công nghiệp chưa phát triển lại thường xuyên đối mặt với thiên tai khắc nghiệt, hậu quả của chiến tranh để lại còn nặng nề, đời sống nhân dân còn nhiều thiếu thốn. Nhưng với tinh thần cách mạng tiến công, được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của các bộ, ngành Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cùng với tinh thần đoàn kết, vượt qua khó khăn của cán bộ, công nhân viên trong ngành, sau thời gian ngắn đã sớm ổn định, đi vào hoạt động. Hơn 25 năm qua, lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn Quảng Trị đã đạt những kết quả quan trọng trên các mặt: Cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu như cao su, cà phê, hồ tiêu, lạc, tinh bột sắn, gỗ rừng nguyên liệu, các sản phẩm thuỷ sản... được chú trọng đầu tư, đem lại hiệu quả kinh tế cao; cơ sở hạ tầng phục vụ trong nông nghiệp như: hệ thống công trình thủy lợi, giao thông nông thôn, cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản, hệ thống dịch vụ vật tư kỹ thuật về giống, vật tư, thú y, bảo vệ thực vật, từng bước được tăng cường. Phong trào trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng phát triển rộng khắp, diện tích rừng được nâng lên góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Kinh tế thủy sản phát triển, phát huy được lợi thế vùng ven biển. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được kết quả quan trọng, đã huy động được sự tham gia của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và các nguồn lực của nhân dân. Từng bước gắn quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp với quy hoạch nông thôn mới, gắn xây dựng nông thôn mới với tái cơ cấu nông nghiệp, kế hoạch đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 19 xã đạt tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, chiếm 16,2% tổng số xã. Tốc độ tăng trưởng giá trị ngành nông, lâm, ngư nghiệp đạt 3,7%/năm, sản lượng lương thực có hạt liên tục tăng qua các năm, năm 2015 đạt 25 vạn tấn, gấp 2,2 lần so với năm 1989; tỷ trọng giá trị ngành chăn nuôi trong tổng giá trị nông nghiệp tăng từ 20,4% năm 2010 lên 29,6% vào năm 2015; tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 49,5% năm 2015, gấp 2,6 lần so với năm 1989; khai thác và nuôi trồng thủy sản đều có bước phát triển nhanh và liên tục, tổng sản lượng thủy hải sản năm 2015 ước đạt 33.500 tấn, gấp 6,7 lần năm 1989; giá trị sản xuất thủy sản năm 2015 đạt trên 1.120 tỉ đồng, tăng bình quân 6,5%/năm. Đời sống người dân nông thôn liên tục được cải thiện, từ chỗ thiếu đói kéo dài đến chỗ đủ ăn và hiện nay người nông dân đang chuyển từ bữa ăn no đến bữa ăn ngon, từ chỗ chủ yếu lo về đời sống vật chất thì nay đang nâng cao và làm phong phú thêm đời sống văn hoá tinh thần. Cùng với sự phát triển của nông nghiệp, nông dân, nông thôn, hệ thống tổ chức ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày càng hoàn thiện, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng được nâng cao về năng lực chuyên môn, phẩm chất chính trị và tinh thần phục vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Có thể khẳng định rằng, trong suốt chiều dài lịch sử, đất nước ta nói chung, Quảng Trị nói riêng đã giành được những thành tựu quan trọng, trong những thành tựu đó, có những thành tựu về phát triển nông nghiệp, nông thôn. UBND tỉnh ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực, đóng góp to lớn và những thành tích xuất sắc của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển 70 năm qua. Trong giai đoạn mới, vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn vẫn giữ vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiệm vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn trong những năm tới đặt ra rất nặng nề và bức bách, thời cơ và thách thức đan xen lẫn nhau, sự cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp trong cơ chế thị trường diễn ra gay gắt, quyết liệt hơn, đặc biệt là trong giai đoạn nền kinh tế nước ta ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra, ngành Nông nghiệp và PTNT cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Thường xuyên quán triệt, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành luôn nêu cao ý thức, tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh một cách có hiệu quả vào thực tiễn cuộc sống và lĩnh vực mà ngành phụ trách. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, qua đó bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị. Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, nhất là các sản phẩm có lợi thế, giá trị cao; chỉ đạo tối ưu hóa quá trình sản xuất nông nghiệp để mang lại lợi nhuận cao cho người nông dân, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân trong khu vực sản xuất nông, lâm, thủy hải sản. Tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng các chương trình, dự án kêu gọi thu hút nguồn vốn đầu tư trong nước và các tổ chức quốc tế nhằm phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn như: Thủy lợi, giao thông nông thôn, nước sạch và vệ sinh môi trường, các cơ sở hậu cần nghề cá... Tiếp tục đầu tư nâng cấp và đổi mới hệ thống dịch vụ vật tư, kỹ thuật của ngành về giống cây trồng vật nuôi, vật tư thú y, bảo vệ thực vật, khuyến nông-khuyến lâm- khuyến ngư, để đáp ứng tốt hơn yêu cầu sản xuất, nhằm tạo bước chuyển biến sâu sắc bền vững, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Thực hiện việc rà soát, sắp xếp tổ chức, bộ máy theo Thông tư Liên tịch số 14/2015/TTLT-BNNPTNT-BNV ngày 25/3/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Nội vụ đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ theo quy định; đồng thời tiếp tục bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giỏi nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, bảo đảm giải quyết công việc của công dân và doanh nghiệp nhanh chóng, kịp thời. Tăng cường đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, nâng cao hơn nữa hoạt động của các trang thông tin điện tử, bản tin nông nghiệp tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp tiếp cận các thông tin về tình hình kinh tế - xã hội và các chủ trương, chính sách của tỉnh đáp ứng tốt hơn nhu cầu của bà con nông dân và các đơn vị sản xuất nông nghiệp trong toàn tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua trong cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành, chú trọng tổng kết, đánh giá và nhân rộng điển hình tiên tiến; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí và chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Quan tâm xây dựng các tổ chức đảng, cơ quan, đoàn thể trong sạch, vững mạnh. Việc Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 14/11 hàng năm là Ngày truyền thống ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam nhằm tiếp tục khẳng định vai trò của sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển kinh tế - xã hội. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, tôi chúc toàn thể cán bộ, công nhân viên toàn ngành tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, cố gắng vượt qua những khó khăn, đoàn kết, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng quê hương Quảng Trị ngày càng giàu đẹp; xứng đáng với niềm tin của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và bà con nông dân; xứng đáng với truyền thống vẻ vang của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quá trình xây dựng và phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra.