Đến với nhiếp ảnh như một cái duyên, anh BÙI KHÁNH TOÀN, công tác tại Nhà Thiếu nhi tỉnh yêu thích, rồi đam mê từ lúc nào không hay. Nhờ kiên trì theo đuổi đam mê mà anh đã gặt hái được những giải thưởng ý nghĩa. Phóng viên Báo Quảng Trị vừa có cuộc trò chuyện để nghe anh chia sẻ về đam mê và sự thành công của bản thân.
- Xin chào anh! Anh có thể chia sẻ với mọi người về cơ duyên dẫn mình đến với nhiếp ảnh?
-Trong những công việc thường nhật của mình, tôi rất vui khi được dạy trống kèn, nghi thức đội cho các em đội viên. Công việc này giúp tôi cảm thấy trẻ trung, yêu đời và yêu người hơn. Ngoài công việc, nhiếp ảnh là niềm đam mê lớn của tôi. Chính nhiếp ảnh đã giúp cuộc sống của tôi thêm phần ý nghĩa.
Vốn là người yêu cái đẹp, từ nhỏ, tôi luôn mong muốn lưu giữ những khoảnh khắc tươi đẹp của cuộc sống. Tôi tìm đọc nhiều tài liệu, sách báo liên quan đến nhiếp ảnh. Mãi đến sau này, khi trở thành sinh viên, tôi mới có cơ hội tự tay chụp những bức ảnh từ chiếc máy ảnh của anh trai mình. Tôi vẫn nhớ như in, nhân vật trong những bức ảnh đầu tay của mình chính là người thân. Thấy ba mẹ, họ hàng trân quý, chuyền tay nhau xem những bức ảnh, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Đó cũng chính là động lực thôi thúc tôi gắn bó với nhiếp ảnh. Năm 2001, tôi tham gia Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh và hiện là Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Phân hội Nhiếp ảnh.
- Đến với nhiếp ảnh như một cuộc dạo chơi nhưng anh lại dấn thân, lao động nghệ thuật rất nghiêm túc. Tại sao vậy?
- Tôi nghĩ, để làm tốt công việc nào đó, trước tiên, mình phải cảm thấy vui vì nó. Trong cuộc sống, may mắn lớn nhất của mỗi người là tìm được niềm vui trong công việc. Vì thế, tôi cảm thấy may mắn vì ngoài nhiệm vụ chuyên môn, mình còn tìm thấy niềm vui trong nhiếp ảnh. Tôi đến với nhiếp ảnh không nhằm mục đích kiếm tiền mà là thỏa mãn đam mê. Vì thế, nhiếp ảnh là một cuộc dạo chơi đầy đam mê và niềm vui đối với tôi.
Bùi Khánh Toàn sinh năm 1964 ở Quảng Trị. Anh tốt nghiệp Trường Đại học Nghệ thuật, nay là Học viện Âm nhạc Huế, chuyên ngành Âm nhạc. Từ năm 1998 đến nay, anh công tác tại Nhà Thiếu nhi tỉnh. Hiện nay, anh là Trưởng Phòng Nghiệp vụ năng khiếu - Công tác Đội. |
Tuy nhiên, là một người cầu toàn nên tôi luôn nhắc nhủ bản thân rằng, dù làm việc gì cũng cần thực sự nghiêm túc. Lao động nghệ thuật càng cần sự nghiêm túc cao hơn. Với tôi, mỗi tác phẩm nhiếp ảnh là nơi người nghệ sĩ gửi gắm tình cảm sâu lắng nhất; cảm xúc, khát vọng chân thành nhất, mãnh liệt nhất về con người, về cuộc đời và các vấn đề của xã hội. Chỉ lao động nghệ thuật nghiêm túc, ta mới có thể sáng tạo ra những tác phẩm nhiếp ảnh đỉnh cao, lan tỏa trong công chúng, có tác động tích cực đến việc xây dựng con người và văn hóa Việt Nam. Vì thế, dù rất bận rộn với công việc chuyên môn, tôi vẫn thu xếp thời gian để có những chuyến đi thực tế; học hỏi kinh nghiệm từ những tay máy khác; tự trau dồi kiến thức, kỹ năng cho mình…
- Phải chăng đây là một trong những lý do giúp anh đạt được nhiều giải thưởng nhiếp ảnh?
- So với các nhiếp ảnh gia tên tuổi, những giải thưởng mà tôi có được còn rất nhỏ bé. Tuy nhiên, mỗi giải thưởng nhiếp ảnh đều có ý nghĩa đặc biệt đối với một người tay ngang như tôi. Tôi nghĩ, thành quả ấy có được là nhờ sự yêu thích, đam mê, sự nỗ lực không ngừng và sự nghiêm túc trong lao động nghệ thuật. Vì thế, tôi luôn tự nhủ mình phải tiếp tục phát huy những gì đã và đang có.
![]() |
Bức ảnh “Những người lính làm nên màu Tổ quốc” của anh Bùi Khánh Toàn vừa đoạt giải A Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Quảng Trị - Ảnh: NVCC |
- Anh có thể kể về một số giải thưởng mà mình “gặt hái” được?
- Tôi rất thích các cuộc thi, liên hoan, triển lãm ảnh. Bởi, qua những dịp như thế, tôi học được nhiều điều. Tuy nhiên, vì quỹ thời gian để sống với đam mê khá ít nên tôi không tham gia nhiều các cuộc thi. Điều may mắn là trong phần lớn các cuộc thi tham gia, những đứa con tinh thần đều mang về cho tôi giải thưởng. Một số tác phẩm tiêu biểu là: “Chảy mãi cho đời” đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật các tỉnh Bắc miền Trung; “Xuống đất gặp trời” đoạt giải Nhất cuộc thi ảnh nghệ thuật tỉnh Quảng Trị, Huy chương Bạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Bắc Trung Bộ và Giải Khuyến khích của Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam; “Dấu thời” đoạt giải Nhì cuộc thi ảnh nghệ thuật Quảng Trị; “Hạnh phúc của bà” và tác phẩm “Cuộc sống trên sông” đoạt giải B Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật tỉnh… Mới đây nhất, tác phẩm “Những người lính làm nên màu Tổ quốc” của tôi đoạt giải A giải thưởng Văn học - Nghệ thuật tỉnh. Tác phẩm này cũng đã được chọn để trưng bày tại triển lãm cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế tại Việt Nam.
- Trong những tác phẩm nhiếp ảnh đạt giải kể trên, tác phẩm nào để lại dấu ấn sâu đậm nhất đối với anh?
- Dù đạt giải hay không, những tác phẩm nhiếp ảnh đều để lại dấu ấn riêng trong lòng tôi. Nói về dấu ấn sâu đậm nhất thì có lẽ là tác phẩm “Những người lính làm nên màu Tổ quốc”. Tôi còn nhớ rất rõ, ngày 22/10/2020, tôi đến dự lễ truy điệu của 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 tử nạn trong vụ sạt lở đất ở Hướng Hóa. Lễ truy điệu diễn ra tại TP. Đông Hà với sự tham gia của rất đông người dân, trong đó có nhiều nhiếp ảnh gia. Đến nơi, tôi nhanh chóng tìm vị trí cho mình để có thể ghi lại những hình ảnh chân thực nhất. Thế nhưng, khác với dự định, tôi chỉ có thể bấm khoảng 10 tấm hình, sau đó đứng nhìn và không biết phải làm gì vì quá xúc động. Tôi không ngờ những tấm ảnh ít ỏi chụp bằng cảm xúc ấy lại chạm đến trái tim nhiều người, trong đó có hội đồng nghệ thuật.
- Anh có thông điệp gì muốn gửi đến những người vì nhiều lý do khác nhau mà chưa thực hiện được đam mê của mình?
- Tôi thường nói với học trò của mình một câu khá quen thuộc: “Hãy theo đuổi đam mê, rồi thành công sẽ theo đuổi bạn”. Đó cũng chính là thông điệp tôi muốn gửi đến mọi người. Xin đừng nghĩ, thành công được nhắc đến ở đây là giải thưởng, tiền bạc, là được mọi người tung hô, hâm mộ… Thành công đó có đơn giản là tự tạo niềm vui cho mình; mang đến nụ cười cho người khác; đóng góp một chút gì đó cho xã hội, giúp cuộc sống tươi đẹp hơn… Nếu đã thực sự đam mê điều gì đó, mọi thứ ngáng trở chúng ta chỉ có thể là lý do mà thôi. Vì vậy, hãy vượt qua nó để sống với đam mê của mình. Tôi chắc chắn, mọi người sẽ không hối tiếc. Về phần mình, tôi sẽ tiếp tục cháy hết mình với đam mê.
-Xin cảm ơn anh!
Tây Long (thực hiện)