Tăng cường quản lý lưới điện hạ áp nông thôn
(QT) - Thực hiện chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của EVNCPC về việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn (LĐHANT) để sửa chữa, cải tạo và bán lẻ điện đến từng hộ tiêu thụ, từ năm 2008, Công ty Điện lực Quảng Trị đã phối hợp với Sở Công Thương xây dựng đề án tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn và đã được UBND tỉnh phê duyệt.  Trong quá trình triển khai thực hiện tiếp nhận LĐHANT, lắp công tơ bán lẻ đến trực tiếp hộ dân, Công ty đã gặp không ít khó khăn. Trước hết là có một số địa phương không ...

Tăng cường quản lý lưới điện hạ áp nông thôn

(QT) - Thực hiện chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của EVNCPC về việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn (LĐHANT) để sửa chữa, cải tạo và bán lẻ điện đến từng hộ tiêu thụ, từ năm 2008, Công ty Điện lực Quảng Trị đã phối hợp với Sở Công Thương xây dựng đề án tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn và đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trong quá trình triển khai thực hiện tiếp nhận LĐHANT, lắp công tơ bán lẻ đến trực tiếp hộ dân, Công ty đã gặp không ít khó khăn. Trước hết là có một số địa phương không muốn bàn giao lưới điện cho Điện lực quản lý do các Tổ điện, HTX dịch vụ điện của địa phương bị mất quyền lợi vì họ đang hưởng lợi nhuận từ chênh lệch giá. Bên cạnh đó, hệ thống lưới điện được đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau và không được đầu tư nâng cấp, trong khi các tổ chức này không thực hiện đầu tư cải tạo dẫn đến lưới điện ngày càng xuống cấp, mất an toàn, tổn thất cao (23-40%). Mặt khác người dân không được phổ biến kiến thức về sử dụng điện an toàn và tiết kiệm nên trong quá trình sử dụng điện nguy cơ xảy ra tai nạn điện cao, việc sử dụng điện chưa hiệu quả, gây lãng phí...

Đầu tư cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn.

Vì vậy, trong quá trình thực hiện công tác tiếp nhận LĐHANT, Công ty Điện lực Quảng Trị xác định cần có một quá trình vững chắc từ khâu tiếp nhận, triển khai và sau khi tiếp nhận bán lẻ làm sao để đảm bảo cho nhân dân sử dụng điện an toàn và tiết kiệm. Quá trình này đòi hỏi có sự đồng thuận của nhân dân và chính quyền địa phương. Thực tế cho thấy ở các nơi, cấp ủy đảng đóng vai trò rất quan trọng trong các hoạt động của địa phương. Mỗi khi chi bộ thảo luận và thông suốt chủ trương của Đảng và Nhà nước về giao nhận LĐHANT, công tác cung cấp điện an toàn cho người và thiết bị sẽ hết sức thuận lợi. Xác định rõ vấn đề này, Công ty Điện lực Quảng Trị đã làm việc với Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ để đề xuất đưa công tác tuyên truyền tiếp nhận LĐHANT, sử dụng điện an toàn và tiết kiệm vào “Tài liệu sinh hoạt chi bộ” và được Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ thống nhất. Để dễ tiếp thu, dễ hiểu, các nội dung được thể hiện dưới dạng các câu hỏi-đáp. Với cách tuyên truyền như trên đã góp phần đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành kế hoạch tiếp nhận LĐHANT đề ra, triển khai cải tạo lưới điện và bán lẻ cho từng hộ dân để nhân dân được hưởng giá điện ưu đãi của Chính phủ, giảm tai nạn điện, tiết kiệm điện năng hiệu quả, nhân dân ngày càng tin tưởng vào ngành điện, hiểu, thông cảm và chia sẻ các khó khăn cùng ngành điện. Năm 2009, theo kế hoạch của Công ty Điện lực 3 giao (nay là Tổng Công ty Điện lực miền Trung), Điện lực Quảng Trị tiếp nhận quản lý bán lẻ điện 60 xã còn lại trong tổng số 118 xã, mục tiêu hoàn thành đến tháng 6/2010. Năm 2009, Điện lực đã tiếp nhận bán lẻ điện đến tận hộ của 58 xã với 54.687 khách hàng, 2 xã còn lại chuyển sang năm 2010 là xã Hải Thái và Vĩnh Quang, đến 15/4/2010 cũng đã hoàn thành tiếp nhận bán lẻ điện đến hộ dân của 2 xã này (riêng xã Hải Thái mới bán lẻ điện một phần). Như vậy, đến nay Công ty Điện lực Quảng Trị đã tiếp nhận bán lẻ điện đến tận hộ cho 118/118 xã với gần 92.000 khách hàng ở nông thôn dùng điện trên tổng số 145.202 khách hàng. Sau khi tiếp nhận quản lý LĐHANT, thực hiện mô hình quản lý là dịch vụ đại lý bán lẻ điện nông thôn, Công ty Điện lực Quảng Trị hợp đồng gần 200 đại lý dịch vụ bán lẻ điện nông thôn và các đại lý này đã được tập huấn qui trình kinh doanh và công tác quản lý lưới. Tại các xã tiếp nhận bán lẻ điện, Công ty Điện lực Quảng Trị đã triển khai ngay việc thay thế công tơ không đảm bảo chất lượng, công tơ cháy đứng, có những xã thay thế hoàn toàn công tơ cũ của khách hàng bằng công tơ mới của ngành điện. Đến cuối năm 2010, số lượng công tơ đã thay thế là 70.000 công tơ. Từ năm 2009, Công ty đã tiến hành đầu tư tối thiểu lưới điện (đợt 1) cho 20 xã và tiến hành đầu tư đợt 2 cho các xã còn lại phấn đấu hoàn thành vào tháng 1/2011. Chỉ tính riêng trong năm 2010, Công ty đã đầu tư lưới điện nông thôn trên 68 tỷ đồng. Về lâu dài để LĐHANT vận hành an toàn, đảm bảo chất lượng điện năng, Điện lực Quảng Trị đã lập phương án đầu tư lưới điện cho 46 xã với tổng mức đầu tư 170 tỷ đồng bằng nguồn vốn vay Ngân hàng phát triển châu Á và lập phương án đầu tư lưới điện của 48 xã, phường, thị trấn với tổng mức 178 tỷ đồng để báo cáo Tổng Công ty Điện lực miền Trung tìm nguồn vốn đầu tư. Bên cạnh đó, Công ty Điện lực Quảng Trị chú trọng tăng cường công tác kiểm tra sử dụng điện đối với tất cả các đối tượng sử dụng điện, trong đó đặc biệt lưu ý đến địa bàn nông thôn. Từ kết quả phân tích số liệu xoá bán tổng quí IV/2010, tổn thất điện năng bán lẻ điện nông thôn sau công tơ tổng là 11,409% (giảm 3,23% so với năm 2009), giá bán bình quân của toàn Điện lực là 930,24 đ/kWh, trong đó, giá điện bình quân riêng cho khu vực tiếp nhận LĐHANT là 768,303 đồng/kWh, giá điện bình quân tại công tơ tổng LĐHANT là 530,804 đ/kWh. Xét về mặt liên quan giữa các chỉ tiêu, khi tiếp nhận LĐHANT, vấn đề đầu tiên được quan tâm là chỉ tiêu tổn thất. Thực tế LĐHANT Quảng Trị hầu hết xây dựng từ những năm đầu của thập niên 90 đến nay đã xuống cấp, lưới điện chắp vá, tiêu chuẩn kỹ thuật đường dây và hành lang chưa đảm bảo nên tổn thất điện năng LĐHANT khu vực tiếp nhận sẽ cao là điều không thể tránh khỏi. Do đó vấn đề đặt ra là phải tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện hạ áp nông thôn để giảm thiểu tổn thất điện năng. Mặt khác hầu hết hệ thống lưới điện nông thôn hiện đang thiếu về hồ sơ, thủ tục, đặc biệt là thủ tục liên quan về quản lý đất đai nên khó khăn trong việc phát quang hành lang tuyến. Các đại lý bán lẻ điện nông thôn đang có nhiều quy định chưa phù hợp như không có chức năng xử lý sự cố nên khó khăn trong việc giải quyết khi có sự cố lưới điện xảy ra. Trong khi thực hiện bán lẻ điện nông thôn thì giá điện bình quân chung sẽ được tăng lên, đồng nghĩa với việc doanh thu tiền điện cũng sẽ tăng cao. Thực tế cho thấy đã có sự chênh lệch giữa giá bán lẻ và giá bán tổng LĐHANT khu vực tiếp nhận là 237,499 đ/kWh, nên có sự chênh lệch tăng doanh thu khi thực hiện bán lẻ so với bán tổng và khi tổn thất LĐHANT giảm đi 1%. Theo qui định của EVN, số tiền chênh lệch doanh thu tăng thêm sẽ được để lại đơn vị trong thời hạn 3 năm sau khi tiếp nhận để phục vụ công tác đầu tư cải tạo sửa chữa lưới điện, thay thế công tơ và các chi phí khác liên quan đến quản lý LĐHANT. Từ đó, một vấn đề đặt ra là giảm tổn thất điện năng nói chung, khu vực LĐHANT nói riêng và áp giá đúng các mục đích sử dụng điện nông thôn thì có chênh lệch doanh thu giữa bán tổng và bán lẻ. Do đó, bài toán quản lý LĐHANT và bán lẻ điện đến tận hộ dân nông thôn đang tiếp tục tìm lời giải ở phía trước để không ngừng hoàn thiện mọi mặt về quản lý kỹ thuật, an toàn và các chỉ tiêu kinh doanh điện năng. Bài, ảnh: HỒ NGUYÊN KHA