Nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, xây dựng huyện Cam Lộ phát triển về mọi mặt
* NGUYỄN CÔNG PHÁN, TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ (Quảng Trị) Cam Lộ là vùng đất có bề dày truyền thống yêu nước. Theo dòng lịch sử từ xa xưa, nhiều nhân sĩ đã chọn nơi đây làm nơi tụ nghĩa để xây dựng cơ sở chống giặc ngoại xâm. Điển hình là vùng Cùa được chọn làm căn cứ Sơn phòng kháng chiến, nơi vua Hàm Nghi ban Chiếu cần vương, khởi đầu cho phong trào cứu nước cuối thế kỷ XIX. Cam Lộ tập trung nhiều tuyến giao thông huyết mạch, đặc biệt có Đường 9 anh hùng, đường mòn Hồ ...

Nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, xây dựng huyện Cam Lộ phát triển về mọi mặt

* NGUYỄN CÔNG PHÁN, TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ (Quảng Trị)

Cam Lộ là vùng đất có bề dày truyền thống yêu nước. Theo dòng lịch sử từ xa xưa, nhiều nhân sĩ đã chọn nơi đây làm nơi tụ nghĩa để xây dựng cơ sở chống giặc ngoại xâm. Điển hình là vùng Cùa được chọn làm căn cứ Sơn phòng kháng chiến, nơi vua Hàm Nghi ban Chiếu cần vương, khởi đầu cho phong trào cứu nước cuối thế kỷ XIX. Cam Lộ tập trung nhiều tuyến giao thông huyết mạch, đặc biệt có Đường 9 anh hùng, đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại, cùng với địa thế núi sông bao bọc, nối liền với dãy Trường Sơn hùng vĩ đã tạo nên vị trí chiến lược quan trọng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Chính vì thế nơi đây trở thành tâm điểm đánh phá của kẻ thù nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc XHCN đối với chiến trường miền Nam và đàn áp các phong trào cách mạng của nhân dân ta. Sau cách mạng tháng Tám 1945 thành công, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ, quân và dân Cam Lộ đã nhất tề đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, lập nhiều chiến công hiển hách, góp phần cùng cả tỉnh, cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam kết thúc thắng lợi, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, sông Bến Hải, vĩ tuyến 17 trở thành giới tuyến quân sự tạm thời. Niềm vui chiến thắng của mọi người, mọi nhà chưa được bao lâu thì kẻ thù xâm lược lại một lần nữa ngang nhiên phá hoại hiệp định đình chiến, thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Ở bờ Nam sông Bến Hải, để ngăn chặn phong trào cách mạng của nhân dân ta, tại Cam Lộ, chúng đã xây dựng thành tuyến phòng thủ chiến lược kiên cố với hệ thống đồn bốt dày đặc, bố trí lực lượng binh lính thiện chiến cùng với những phương tiện chiến tranh hiện đại nhất. Đồng thời chúng thiết lập bộ máy kìm kẹp khắc nghiệt, với những thủ đoạn đàn áp cực kỳ tàn bạo, hòng khuất phục ý chí chiến đấu của nhân dân ta và ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc XHCN đối với miền Nam tuyến đầu chống Mỹ. Nhưng với ý chí cách mạng kiên cường và lòng quả cảm, lớp lớp những người con của quê hương Cam Lộ, Quảng Trị và khắp mọi miền đất nước đã đứng lên, sát cánh bên nhau chiến đấu, đập tan các chiến lược chiến tranh của kẻ thù xâm lược. Suốt 18 năm ròng rã chiến tranh, một khối lượng bom đạn khổng lồ và chất độc hoá học của kẻ thù đã cày xới biến Cam Lộ thành vùng đất trắng, xóm làng tiêu điều, ruộng đồng, đồi núi xác xơ... Biết bao người con ưu tú của quê hương Cam Lộ, nhiều chiến sĩ cộng sản trung kiên, nhiều đồng bào, đồng chí đã anh dũng ngã xuống bởi sự khốc liệt của chiến tranh, bởi những thủ đoạn đàn áp, tù đày, tra tấn dã man do bọn đế quốc gây ra. Chúng tưởng rằng với sức mạnh của máy bay B52, xe bọc thép, cùng máy chém của luật 10/59 có thể khuất phục được khí tiết của những người cộng sản, có thể ngăn cách được nhân dân với Đảng, với cách mạng. Song, cái mà kẻ thù xâm lược không thể ngờ được đó là lòng dân, đó là ý chí khát vọng độc lập, truyền thống đấu tranh kiên cường “Thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”; đó là tình nghĩa sắt son, sự tin tưởng tuyệt đối và tấm lòng chung thuỷ của người dân đối với Đảng, với cách mạng. Cũng chính từ những đau thương, uất hận tột cùng do những tội ác của bọn cướp nước và bán nước gây nên thì tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh lại càng dâng lên mãnh liệt nhất.

Một góc thị trấn Cam Lộ hôm nay - Ảnh: TRÀ THIẾT

Dưới ánh sáng Nghị quyết 15 của BCHTƯ Đảng (khoá II) và Đề cương cách mạng miền Nam, quân và dân Cam Lộ cùng với cả tỉnh, cả nước biến căm thù thành hành động cách mạng, sẵn sàng trút bão lửa lên đầu Mỹ - nguỵ và đã làm nên những chiến thắng lẫy lừng. Mười tám năm chiến đấu là chặng đường lịch sử đầy tự hào của Đảng bộ, quân và dân Cam Lộ đã kiên cường bám trụ “Một tấc không đi, một ly không rời” với niềm tin sâu sắc vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng. Những người con của quê hương đã không ngừng kế tục, phát huy truyền thống yêu nước, tiếp bước cha anh góp phần cùng cả tỉnh, cả nước viết lên bản hùng ca bất hủ của dân tộc Việt Nam. Ròng rã suốt 18 năm ấy, trên khắp mọi miền quê Cam Lộ, từ trong đau thương đổ nát, từ tiếng thét căm thù của người chiến sĩ xung trận, từ những nắm cơm nuôi giấu cán bộ nằm vùng, hay từ nơi ánh mắt ngắn lệ của người vợ, người mẹ tiễn đưa chồng, con đi kháng chiến vẫn luôn sắt son một niềm tin vững chắc với Đảng, với Bác Hồ kính yêu “Còn non, còn nước, còn người. Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”. Và cũng chính niềm tin ấy mà mỗi người dân Cam Lộ từ già đến trẻ, tất cả đều sục sôi tinh thần cách mạng. Đâu đó dưới bàn thờ tổ tiên, ngoài bờ tre, giếng nước là hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, du kích nằm vùng ra vào hoạt động; và trong gánh hàng rong hay trong mo cơm, chiếc mõ trâu bình dị là tài liệu cách mạng, là từng viên đạn, lon muối, liếp thuốc, cùng cả tấm lòng của người dân vượt qua muôn ngàn hiểm nguy trước sự kiểm soát gay gắt của kẻ thù để tiếp tế cho bộ đội, du kích bám trụ chiến đấu. Không để kẻ thù ngang nhiên cướp phá xóm làng, theo tiếng gọi thiêng liêng của non sông, những người con của quê hương cách mạng đã nhất tề anh dũng đứng lên chiến đấu, kiên cường bám trụ, giữ gìn mảnh đất quê hương. Đó là những cụ già tay không hiên ngang chặn xe tăng của giặc không cho chúng tự do bắn phá làng mạc, cày xới mồ mả tổ tiên; những người mẹ, người chị trong đội quân tóc dài không nao núng trước súng gươm, bạo tàn của quân thù, dũng cảm đấu tranh; những người dân tay không một tấc sắt nhưng vẫn sẵn sàng lấy thân mình cản bước tiến của giặc; những chiến sĩ binh vận không ngại hiểm nguy, ngày đêm bám địch để vận động những người con lầm lạc bên kia chiến tuyến trở về với cách mạng; những em bé liên lạc mưu trí gan dạ vượt qua đồn bốt giặc dẫn đường, đưa tin cho cán bộ, bộ đội; những chiến sĩ an ninh bất chấp hiểm nguy vào tận sào huyệt để diệt ác, trừ gian; đến các tầng lớp nhân sĩ, trí thức, học sinh, đồng bào các tôn giáo đều một lòng ủng hộ cách mạng, lớp trước ngã, lớp sau đứng lên, tất cả hợp thành sức mạnh, ý chí căm thù để chiến đấu và chiến thắng. Với khí thế tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1968 cùng thắng lợi của chiến dịch Đường 9 Nam Lào năm 1971, sau khi phân tích tình hình giữa ta và địch trên các chiến trường, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương đã ra nghị quyết tiến hành cuộc tiến công chiến lược năm 1972 giải phóng Trị - Thiên, nhằm tiêu diệt một lực lượng lớn quân địch và mở rộng vùng giải phóng, góp phần làm thay đổi so sánh lực lượng giữa ta và địch, thay đổi cục diện chiến tranh ở miền Nam Việt Nam, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tiến lên một bước mới. Sau bao ngày nén lòng chờ đợi càng thôi thúc quân và dân huyện nhà thừa thắng xông lên quyết chiến, quyết thắng. Khắp nơi đều bừng bừng khí thế khẩn trương, rạo rực nhưng bí mật bất ngờ nổi dậy và tiến công, bộ đội địa phương, dân quân du kích, các cánh quân chủ lực của Sư đoàn 304, 308, 390, 324 tất cả đã sẵn sàng chờ lệnh chiến đấu. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/3/1972, lệnh tấn công giải phóng Quảng Trị được phát ra từ khắp các mặt trận, lực lượng chủ lực của Sư đoàn 304, 324, Trung đoàn 48 thuộc Sư đoàn 320B, Trung đoàn 7 và các tiểu đoàn thuộc mặt trận B5 đã đồng loạt trút bão lửa vào các căn cứ của địch như: Cao điểm 544 (Fulơ), Đầu Mầu, 241, Động Toàn, Mai Lộc, Ngã Tư Sòng, Tân Tường, Chi khu Cam Lộ... Tất cả các phòng tuyến kiên cố nhất của Mỹ - Ngụy bị phá vỡ. Phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực, dân quân du kích cùng nhân dân các địa phương nhất tề nổi dậy diệt ác, phá kìm vùng lên giải phóng quê hương. Với khí thế tấn công như vũ bão, chỉ trong một thời gian ngắn bằng sự phối hợp tấn công nổi dậy của các lực lượng, quân và dân ta đã làm chủ tình thế, tiến tới đánh đòn quyết định xoá sổ hoàn toàn lực lượng quân sự và hệ thống chính quyền của địch. Toàn bộ các tuyến phòng thủ trên các hướng đông, tây, nam, bắc của Mỹ - nguỵ được mệnh danh là “pháo đài bất khả xâm phạm” đã bị quân ta đánh bại. Đúng 16 giờ ngày 2/4/1972 Cam Lộ hoàn toàn được giải phóng trong niềm hân hoan của đồng bào, đồng chí gần xa. Thắng lợi của cuộc tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1972 giải phóng hoàn toàn Cam Lộ đã ghi một dấu ấn đậm nét trong lịch sử; cục diện chiến trường đã nghiêng hẳn lợi thế về phía ta, buộc Mỹ - nguỵ từ thế phòng ngự tác chiến chuyển qua bị động, lúng túng, co cụm lại ở những tuyến phòng thủ hoả lực mạnh. Cam Lộ giải phóng có ý nghĩa quyết định, kết hợp với Gio Linh và Hướng Hoá nối với khu vực Vĩnh Linh đã trở thành hậu phương, căn cứ địa vững chắc để bộ đội chủ lực tiếp tục tấn công, tiến tới giải phóng hoàn toàn Quảng Trị. Kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng quê hương, hồi tưởng lại những tháng ngày oanh liệt của 18 năm chiến đấu và chiến thắng, Đảng bộ, quân và dân Cam Lộ đã tiến hành 1.475 trận đánh lớn nhỏ, tiêu diệt 6.654 tên địch, bắn rơi 23 máy bay các loại, phá huỷ 331 xe quân sự, 26 khẩu pháo, 5 tàu chiến của Mỹ - nguỵ. Đầu Mầu, Khe Van, Cù Đinh, Ba De, đồi không tên, Mai Lộc, Thượng Nghĩa, Cam Vũ, Ngã Tư Sòng... mỗi tên đất, tên làng đều gắn liền với những chiến công hiển hách của quân và dân ta. Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Cam Lộ, tất cả các xã, thị trấn, 3 đơn vị lực lượng vũ trang, 7 cá nhân vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 78 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, cùng hàng ngàn gia đình có công với cách mạng; hơn 3.000 cán bộ, chiến sĩ và nhân dân được tặng thưởng huân, huy chương các loại. Để có được chiến thắng vinh quang đó, 925 người con của quê hương đã anh dũng hy sinh, được nhà nước suy tôn liệt sĩ; 425 thương binh đã gửi lại một phần thân thể của mình ở khắp các chiến trường. Trên mỗi tấc đất của quê hương Cam Lộ còn thấm đẫm biết bao xương máu của đồng bào, đồng chí ở mọi miền Tổ quốc đã anh dũng ngã xuống cho sự hồi sinh của mảnh đất thân thương này. Đảng bộ và nhân dân Cam Lộ xin đời đời ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng quê hương. Xin mãi mãi tri ân các bà mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân của các liệt sĩ, các đồng chí thương binh, gia đình có công với cách mạng, đồng bào, đồng chí trong cả nước - những người từng chung lưng đấu cật chiến đấu với quân và dân Cam Lộ. Xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các Sư đoàn quân chủ lực 304, 308, 320, 324, 225, 390 và các quân binh chủng đã dũng cảm, mưu trí tấn công địch tạo ra những thuận lợi cơ bản, quyết định để quân và dân Cam Lộ đứng lên giành quyền làm chủ, giải phóng quê hương. Xin cảm ơn sự đóng góp, chi viện hết mình của đồng bào cả nước, của miền Bắc XHCN, đặc biệt là sự hỗ trợ trực tiếp của nhân dân Vĩnh Linh - hậu phương lớn vững chắc, thuỷ chung cùng với sự phối hợp, giúp đỡ tận tình của quân và dân Gio Linh, Đông Hà, thị xã Quảng Trị, Triệu Phong, Hải Lăng và đồng bào các dân tộc Đakrông, Hướng Hoá, Xin mãi mãi ghi ơn và nguyện xứng đáng với tình cảm, tấm lòng của anh em, bè bạn gần xa. Từ trong chiến hào đứng dậy, từ khu tập trung, nơi sơ tán trở về, Đảng bộ, quân và dân Cam Lộ đã bắt tay xây dựng lại quê hương trong hoang tàn đổ nát, đầy rẫy bom mìn và dây thép gai. Với tinh thần đoàn kết sáng tạo, bằng ý chí và nghị lực phi thường, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân Cam Lộ đã vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, nhanh chóng ổn định cuộc sống, xây dựng và phát triển lực lượng, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng, sẵn sàng chi viện cho tiền tuyến, góp phần tích cực vào cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng với nhân dân cả tỉnh, cả nước, Cam Lộ bắt tay vào nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong muôn vàn khó khăn do hậu quả chiến tranh để lại. Phát huy truyền thống anh hùng trong chiến đấu, chặng đường 40 năm sau ngày quê hương giải phóng và 20 năm lập lại huyện, với ý chí và khí phách anh hùng, Đảng bộ và nhân dân Cam Lộ đã khắc phục khó khăn, vững bước đi lên. Cho đến hôm nay chúng ta có thể tự hào dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ đã đạt được những thành quả hết sức quan trọng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm trên 10%, sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hoá theo hướng bền vững. Các địa phương đã khai thác triệt để tiềm năng lợi thế, đưa diện tích và sản lượng cây trồng tăng lên đáng kể: Lạc 1.050 ha, gấp 5,5 lần so với năm 1992; cao su gần 3.500 ha, tăng gấp 11,2 lần; hồ tiêu 404 ha; sắn nguyên liệu trên 1.000 ha và nhiều loại cây trồng vật nuôi khác có giá trị đã được đầu tư phát triển. Bên cạnh đó mô hình kinh tế trang trại, hệ thống thuỷ lợi, dịch vụ nông nghiệp, chuyển giao áp dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp ngày càng phát triển, đã hình thành các vùng chuyên canh, tạo nguồn nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp mà nhờ đó đời sống nhân dân được nâng lên. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn đã được chuyển dịch theo hướng tích cực với chủ trương đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, thay đổi nếp nghĩ của nông dân, đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Công nghiệp xây dựng và thương mại dịch vụ có bước phát triển khá, tạo sự chuyển biến tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đã và đang hình thành các cụm công nghiệp - TMDV, góp phần khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên và lợi thế trên địa bàn, tăng dần tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế. Các doanh nghiệp trên địa bàn đã phát triển cả về số lượng và quy mô, góp phần thu hút lao động, giải quyết việc làm và đáp ứng nhu cầu về lưu thông hàng hoá, kích thích sản xuất cũng như phát triển KT-XH, đặc biệt đối với địa bàn nông thôn. Với mục tiêu huy động mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển, bằng nguồn vốn đầu tư của Trung ương, tỉnh, vốn ngân sách huyện và huy động sự đóng góp của nhân dân, bình quân hàng năm đầu tư 99 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Đã xây dựng các công trình có ý nghĩa quan trọng như: Công trình thuỷ lợi Đá Mài - Tân Kim; đường liên xã Cam Thanh - Cam An, đường nội thị, chợ Phiên, bệnh viện đa khoa, kiên cố hoá trường học, bê tông hóa giao thông nông thôn... Ngoài ra các tuyến đường quốc gia được Trung ương đầu tư xây dựng; 100% xã, thị trấn, thôn bản có điện lưới quốc gia, có đường ô tô đến tận các trung tâm dân cư. Hệ thống nước sạch sinh hoạt ở trung tâm huyện và các xã được xây dựng; hệ thống bưu chính viễn thông được đầu tư trang bị kỹ thuật hiện đại, đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của nhân dân; 100% xã, thị trấn, 90% cơ quan, trường học và nhiều hộ gia đình đã kết nối mạng internet. Thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước, năm 2011 đạt hơn 11 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 16,3%; phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hoá kết hợp với các cuộc vận động khác trở thành phong trào quần chúng sâu rộng. Đến nay đã có 100% thôn, bản, khu phố, cơ quan đơn vị trường học, 9/9 xã, thị trấn phát động xây dựng đơn vị văn hoá, đã có trên 90 % thôn, khóm, cơ quan và 2 xã đã được công nhận đơn vị văn hoá; bên cạnh đó các thiết chế văn hoá đã được đầu tư đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, thúc đẩy kinh tế huyện nhà phát triển. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo đã có những tiến bộ vượt bậc, góp phần quan trọng vào nâng cao dân trí và đào tạo nguồn nhân lực cho quá trình phát triển. Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân được chú trọng, nâng cao về chất lượng, đảm bảo phục vụ chăm sóc, chữa bệnh cho nhân dân và phòng chống các dịch bệnh. Các chính sách xã hội được chăm lo góp phần giải quyết các vấn đề an sinh của địa phương, phong trào đền ơn đáp nghĩa đạt những kết quả quan trọng. Quốc phòng an ninh được củng cố, tăng cường, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội. Công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao chất lượng trên cả ba mặt: Chính trị, tư tưởng và tổ chức; Vai trò các TCCSĐ được phát huy; mối quan hệ giữa Đảng và quần chúng nhân dân ngày càng gắn bó mật thiết. Đến nay, toàn Đảng bộ có 46 TCCSĐ, với 1.894 đảng viên; chất lượng TCCSĐ trong sạch vững mạnh, năm sau cao hơn năm trước. Các thế hệ cán bộ, đảng viên luôn kiên định và giữ vững lập trường chính trị làm nòng cốt đi tiên phong trong sự nghiệp đổi mới. Bộ máy chính quyền từ huyện đến cơ sở thường xuyên được kiện toàn, nâng cao năng lực điều hành và quản lý nhà nước theo hướng cải cách hành chính và thực hiện dân chủ: Mặt trận và các đoàn thể nhân dân đã phát huy vai trò, chức năng trong việc tập hợp, vận động và tổ chức quần chúng thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiều phong trào quần chúng đã có sức lan toả và góp phần thiết thực vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế của huyện nhà. 40 năm xây dựng và phát triển, kể từ ngày huyện Cam Lộ được giải phóng, với những thành tựu quan trọng đạt được đã thể hiện truyền thống và ý chí vươn lên không ngừng của một địa phương anh hùng, thể hiện sức sống mãnh liệt của đất và người Cam Lộ luôn khát khao vươn tới ấm no, hạnh phúc, xứng đáng với sự quan tâm mong đợi của cả nước, cả tỉnh và bạn bè gần xa. Kỷ niệm ngày giải phóng là dịp để chúng ta hồi tưởng lại những năm tháng chiến đấu hào hùng, những chiến công oanh liệt của một thời đánh giặc, tự hào về những thành quả quan trọng qua 40 năm phấn đấu xây dựng trưởng thành. Những người con của quê hương Cam Lộ hôm nay đang tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống tinh hoa của cha ông để lại, viết tiếp những trang sử vẻ vang trong quá trình xây dựng quê hương, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh. Dẫu phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với thời cơ, vận hội mới, bằng tinh thần đoàn kết, sáng tạo và những chủ trương sát đúng, sự đồng tình hưởng ứng của cán bộ và nhân dân, sự quan tâm lãnh đạo của Trung ương, của tỉnh, sự giúp đỡ chí tình của các ngành, các cấp, của bạn bè gần xa, chắc chắn Cam Lộ sẽ đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa trên hành trình đổi mới và phát triển.