“Đầu tàu” ở thôn Ruộng
(QT) - Năm 1975 sau khi xuất ngũ, ông Hồ Văn Rừm chuyển về công tác tại Hướng Tân (Hướng Hóa, Quảng Trị) với cương vị Chủ tịch UBND xã. Cuộc sống của người dân nơi đây khó khăn, cái đói nghèo cứ đeo đẳng làm ông nhiều đêm trăn trở. Năm 1980, ông Rừm vận động mọi người vào bản Ruộng lập nghiệp, vì vùng này có đất đai màu mỡ, lại thuận tiện việc đưa nước về trồng lúa. Thế nhưng không ai tin và nghe theo, họ bảo đây là vùng đất ma, trước kia bị dịch bệnh đậu mùa nên người chết rất nhiều, nếu ai tới nơi ấy thì chỉ có mất mạng. Ông Rừm thiết nghĩ nếu mình cứ vận động tuyên truyền suông, mà thiếu đi thực tế thì người dân sẽ không nghe theo.
 |
Ông Hồ Văn Rừm bên vườn cà phê của gia đình |
Vì vậy ông quyết định đưa cả gia đình vào bản Ruộng sinh sống và lập nghiệp. Khi đó nơi này là vùng đất chưa có người khai phá, heo hút và hoang vu. Ông Rừm nhớ lại, lúc đầu mới vào gặp rất nhiều vất vả, thiếu thốn trăm bề, cơm không đủ ăn, ông lại thường xuyên bị sốt rét rừng hành hạ. Nhưng càng khó khăn ông Rừm càng quyết tâm không nản chí, ngày ngày cùng vợ con khai phá đất đai. Sau một năm thì gia đình ông đã khai hoang được 1 ha đất canh tác lúa nước. Rồi ông lên rừng tìm suối bắc ống nứa dẫn nước về đồng ruộng. Vụ mùa đầu tiên sau hơn 4 tháng cần mẫn chăm bón, gia đình ông Rừm có được vụ lúa bội thu, thóc chất đầy nhà sàn. Nhận thấy ở đây có nhiều trảng cỏ tươi tốt, ông Rừm vay vốn nuôi thêm 10 con trâu để tận dụng làm sức kéo cày bừa. Ông dùng phân đàn trâu ủ hoai mục rồi bón ruộng nhằm tạo thêm độ phì nhiêu, tăng năng suất, sản lượng lúa. Nhờ vậy mà những vụ lúa sau ông đều được mùa. Cuộc sống gia đình ông Rừm dần no đủ. Thấy điều kiện kinh tế gia đình ông Rừm được cải thiện nhờ cây lúa, đàn trâu, dân bản hăm hở rủ nhau vào thôn Ruộng khai phá đất đai, dựng nhà sinh sống và trồng lúa nước. Thôn Ruộng dần đông đúc, hiện đã có 90 hộ dân sinh sống. Thấy người dân tin mình, ông Rừm lại tận tình chỉ dẫn, phổ biến các kỹ thuật, cách thức canh tác cho từng gia đình trồng lúa nước. Bên cạnh là người tiên phong “khai khẩn”, tạo lập nên thôn Ruộng, ông Rừm còn tích cực vận động người dân xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Năm 2004 ông Rừm nghỉ hưu và tập trung phát triển kinh tế gia đình. Thông qua tài liệu sách báo, các kênh thông tin, ông Rừm biết được cây cà phê mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng nơi đây. Sau khi tìm hiểu kỹ lưỡng, ông Rừm đã đầu tư vốn trồng 2 ha cà phê. Sau một thời gian chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn cà phê phát triển tốt cho năng suất khá cao, đạt 1 tấn/ha, trừ các chi phí mỗi vụ gia đình ông thu được 60 triệu đồng. Từ đó người dân thôn Ruộng theo gương ông vay vốn trồng cây cà phê với tổng diện tích hơn 20 ha. Hộ nào có thắc mắc điều gì về cách trồng cây cà phê đều tìm tới ông Rừm để được gỡ khó. Chính những đóng góp thầm lặng của ông Hồ Văn Rừm mà thôn Ruộng hôm nay thay da đổi thịt từng ngày. Cuộc sống bà con nơi đây được no ấm, sung túc với những cánh đồng lúa trĩu hạt, những vườn cà phê bạt ngàn. Bài, ảnh: HIẾU GIANG-NGỌC DŨNG