(QT) - Có rất nhiều lý do để Liên hợp quốc chọn năm 2010 là Năm Quốc tế về Đa dạng sinh học. Bởi đây là cơ hội để nhấn mạnh tầm quan trọng của đa dạng sinh học đối với đời sống con người, phản ánh sự nỗ lực và những thành tựu về bảo tồn đa dạng sinh học của con người. Thực tế hiện nay đa dạng sinh học đang bị suy thoái với tốc độ rất nhanh. Bằng các hoạt động của mình, con người đã gây mất hàng loạt các khu rừng nguyên sinh, các vùng đất ngập nước. Diện tích các khu vực có các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng bị thu hẹp dần, suy giảm ba phần tư số lượng các loài cá trong tự nhiên và thải ra lượng nhiệt quá lớn để “hâm nóng” hành tinh. Con người đã làm gia tăng tốc độ tuyệt chủng của các loài gấp 1.000 lần so với tỷ lệ tự nhiên. Tổng cộng có 17.291 loài được biết đến đang có nguy cơ tuyệt chủng. Số loài và số lượng cá thể của các loài hoang dã bị suy giảm mạnh. Các nguồn gen hoang dã cũng đang trên đà suy thoái nhanh và thất thoát. Nhưng trên thực tế con số này còn lớn hơn bởi có rất nhiều loại động, thực vật đã bị tuyệt chủng từ lâu trước khi con người biết đến. Vì vậy, chủ đề của Ngày Môi trường Thế giới năm 2010 là “Nhiều loài- Một hành tinh-Tương lai chúng ta”. Chủ đề này một lần nữa kêu gọi cộng đồng cùng chung tay bảo tồn sự đa dạng của cuộc sống trên hành tinh. Nếu một hành tinh không có sự đa dạng sinh học sẽ rất nguy hại bởi con người và sinh vật cùng chia sẻ một không gian sống nên chỉ có bảo tồn sinh vật con người mới xây dựng được một tương lai bền vững và thịnh vượng. Suy thoái đa dạng sinh học dẫn đến mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng trực tiếp đến tài nguyên nước và môi trường sống của con người, đe dọa sự phát triển bền vững của từng đất nước. Ở Quảng Trị hiện có một hệ thống các khu bảo tồn đa dạng sinh học như Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông, Bắc Hướng Hoá, đường Hồ Chí Minh huyền thoại, các khu rừng đặc dụng ven biển như Rú Lịnh, Trằm Trà Lộc đã được quy hoạch và bảo vệ nghiêm ngặt. Tổng diện tích vùng lõi của các khu bảo tồn thiên nhiên (không kể Rú Lịnh và Trằm Trà Lộc) là 68.520 ha và vùng đệm có diện tích 97.622,4 ha. Tại các khu bảo tồn có nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm nằm trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới với 24 loài thực vật, 3 loài cá, 18 loài lưỡng cư, bò sát, 15 loài chim, 28 loài thú...Quảng Trị có 75 km bờ biển với diện tích ngư trường rộng trên 8.500 km2 với nhiều loại hải sản quý hiếm, có đảo Cồn Cỏ chỉ cách bờ gần 30 hải lý, là tài sản vô giá của thiên nhiên. Đảo Cồn Cỏ nằm trong khu vực có hệ tài nguyên đa dạng và phong phú. Đây là khu vực hội tụ của các loài hải sản Bắc- Nam và Vịnh Bắc Bộ. Tại đây đã thống kê được khoảng 224 loài cá biển khơi trong tổng số khoảng 960 loài phân bổ ở vùng Vịnh Bắc Bộ, trong đó có 49 loài có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra còn có 113 loài san hô cứng, 56 loài rong biển, 46 loài động vật đáy, 20 loài giáp xác, 87 loài cá rạn san hô, 164 loài thực vật phù du, 68 loài động vật phù du và các loài quý hiếm như cá heo, 1 loài vích, 1 loài quản đồng và 1 loài rùa da. Đặc biệt, Cồn Cỏ là ngư trường phân bổ của một số loài hải sản quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng, có tên trong Sách Đỏ Việt Nam như loài hải sâm mít, cầu gai đá nhum đỏ, cá đuối, cá nàng đào đỏ, cá cháo biển, cá mú sọc trắng, mực nang vân hổ, tôm hùm đá, ốc đụn. Tuy nhiên trên thực tế các nhân tố tác động đến nguồn tài nguyên rừng, biển và ven biển đảo Cồn Cỏ là rất lớn. Trong đó việc khai thác lâm, hải sản bất hợp lý là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây tác động không nhỏ tới nguồn lợi sinh vật, đa dạng sinh học, cảnh quan và các hệ sinh thái tự nhiên. Nhận thức được vai trò quan trọng của các Khu bảo tồn thiên nhiên đối với sự phát triển KT-XH của quốc gia và mỗi địa phương, tỉnh Quảng Trị đã chú trọng đến công tác quy hoạch và nghiên cứu nhiều Khu bảo tồn thiên nhiên. Vì vậy đã có không ít Khu bảo tồn được quan tâm nghiên cứu thành lập và đi vào hoạt động hiệu quả, kêu gọi được sự hợp tác, trợ giúp của các tổ chức quốc tế cùng tham gia. Gần đây nhất, ngày 14/10/2009, UBND tỉnh ra Quyết định số 2090/QĐ-UBND về việc thành lập Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ. Theo đó, quy mô Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ có tổng diện tích là 4.532 ha, bao gồm 3 phân khu chức năng: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích 534 ha, phân khu phục hồi sinh thái có diện tích 1.392 ha, phân khu phát triển có diện tích 2.376 ha. Đây được coi là khu bảo tồn loài, sinh cảnh thủy sinh, đáp ứng các tiêu chí là khu vực tự nhiên, là môi trường sống, sinh trưởng và phát triển của các loài động, thực vật có giá trị kinh tế và khoa học, giáo dục, đặc biệt là góp phần xây dựng huyện đảo Cồn Cỏ trở thành huyện đảo du lịch và giải trí hấp dẫn trong khu vực. Đối với công tác bảo tồn rừng và đa dạng sinh học ở Quảng Trị đang đặt ra những thách thức không nhỏ. Mặc dù tỷ lệ che phủ rừng hàng năm không ngừng tăng cao, đạt 42,6% năm 2009, nhưng tình trạng đốt rừng làm nương rẫy, khai thác gỗ rừng và lâm sản ngoài gỗ một cách bừa bãi đã làm cho hệ sinh thái rừng bị suy giảm một cách nghiêm trọng. Đây chính là lời cảnh báo kêu gọi người dân phải tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ tài nguyên rừng. Do vậy làm thế nào để giảm thiểu sự suy thoái của đa dạng sinh học hướng đến việc thiết lập một mô hình quản lý bền vững tài nguyên rừng cho cộng đồng bằng cách trang bị các kiến thức, kỹ năng và quyền hợp pháp để người dân tham gia quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên là mục tiêu của dự án do Tổ chức hỗ trợ phát triển quốc tế Đan Mạch (DANDA) tài trợ. Theo đó, dự án đã triển khai các hợp phần cụ thể như tiến hành nghiên cứu đầy đủ các điều kiện KT-XH và sinh thái tại vùng rừng đầu nguồn Đakrông. Hỗ trợ công tác giao đất, giao rừng cho người dân Vân Kiều, Pa Cô và đảm bảo có sự đồng thuận về quản lý tài nguyên rừng bền vững thông qua các thoả ước đồng quản lý. Cung cấp cho cộng đồng kiến thức, kỹ năng quản lý hiệu quả tài nguyên rừng và các hoạt động sinh kế bền vững. Hỗ trợ chính quyền địa phương xây dựng và tăng cường các chính sách và phương thức quản lý rừng. Nâng cao nhận thức về các lợi ích kinh tế, sinh thái, xã hội của rừng. Dự án đã chọn các địa bàn ưu tiên gồm các xã Tà Long, Hướng Hiệp, Húc Nghì, Triệu Nguyên để đầu tư xây dựng các mô hình điểm, từ đó nhân rộng ra các địa bàn khác. Bằng các hoạt động đa dạng, phù hợp với điều kiện địa phương và nhu cầu của người dân đã góp phần cải thiện đời sống nhân dân, phát triển KT-XH địa phương. Dự án đã nâng cao nhận thức, năng lực của người dân nghèo, đặc biệt là nhóm cộng đồng dân tộc thiểu số trong vùng đệm về vấn đề bảo vệ nguồn tài nguyên rừng. Các hoạt động của dự án đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện sinh kế, giảm áp lực của người dân trong việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên rừng. Thành công của dự án đã đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của người dân các địa phương nên tạo được sự hợp tác tích cực từ cộng đồng về công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trên địa bàn. Với việc ra đời Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ cũng như sự thành công của dự án ""Đảm bảo và thiết lập quản lý rùng bền vững tài nguyên rừng cho các cộng đồng dân tộc thiểu số Quảng Trị"", là những hành động tiêu biểu mà tỉnh Quảng Trị đã và đang triển khai, minh chứng sinh động về sự nỗ lực của Quảng Trị đối với công tác bảo tồn sự đa dạng sinh học. Và trong Năm Quốc tế về Đa dạng sinh học này, mọi người hãy suy nghĩ nghiêm túc về nguyên nhân gốc rễ của sự suy giảm đa dạng sinh học và cần có hành động để ngăn chặn. Phải nhận thức được rằng đa dạng sinh học là sự sống; đa dạng sinh học là cuộc sống của chúng ta. Và hãy hành động ngay để bảo vệ nguồn tài nguyên đa dạng sinh học trước khi quá muộn. Tân Nguyên