Đi lên từ nghề nấu cao dược liệu
(QT) - Về làng nấu cao dược liệu Định Sơn, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ (Quảng Trị), hỏi gia đình chị Mai Thị Thủy ai cũng khâm phục tài năng nấu các loại cao từ cây thảo dược của chị. Nhiều năm nay, thương hiệu cao chè vằng, diệp hạ châu, hà thủ ô của chị được người tiêu dùng trong cả nước biết đến và tin dùng, không những mang lại thu nhập cao cho gia đình mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Gia đình chị Mai Thị Thủy làm nghề nấu cao dược liệu gần 10 năm nay. Ban đầu do ...

Đi lên từ nghề nấu cao dược liệu

(QT) - Về làng nấu cao dược liệu Định Sơn, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ (Quảng Trị), hỏi gia đình chị Mai Thị Thủy ai cũng khâm phục tài năng nấu các loại cao từ cây thảo dược của chị. Nhiều năm nay, thương hiệu cao chè vằng, diệp hạ châu, hà thủ ô của chị được người tiêu dùng trong cả nước biết đến và tin dùng, không những mang lại thu nhập cao cho gia đình mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Gia đình chị Mai Thị Thủy làm nghề nấu cao dược liệu gần 10 năm nay. Ban đầu do hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu vốn, chưa có kinh nghiệm nên chị Thủy chỉ nấu với quy mô nhỏ và chủ yếu là nấu cao lá vằng, nguồn nguyên liệu được thu hái ngay tại địa phương. Dần dần thấy nhu cầu thị trường đối với các loại cao dược liệu ngày càng cao, vợ chồng chị đã đi nhiều nơi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm để mở rộng quy mô sản xuất. Từ đó chị đầu tư thêm phương tiện, cơ sở vật chất, thuê thêm nhân công để nấu nhiều loại cao dược liệu khác nhau. Hiện tại cơ sở của chị nấu đến 16 sản phẩm cao các loại, trong đó nhiều nhất là cao lá vằng, cà gai leo, diệp hạ châu, hà thủ ô… Trung bình mỗi tháng gia đình chị sản xuất 5 tạ cao. Nhờ đầu tư công nghệ ngày càng hiện đại, từ khâu chế biến đến đóng gói, bảo quản nên sản phẩm làm ra được nhiều người tin dùng, thị trường tiêu thụ rộng khắp trong cả nước. Sản xuất nhiều, việc thu mua nguyên liệu của chị cũng mở rộng vào đến các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi… Chị Thủy cho biết: “Nghề nấu cao dược liệu không khó, tuy nhiên đòi hỏi công phu, trải qua nhiều công đoạn khác nhau nên vừa tạo được việc làm cho gia đình và 10 lao động thường xuyên ở địa phương” . Sau khi ổn định sản xuất và thị trường, chị Thủy bắt tay vào xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình. Riêng trong năm 2016, được sự giúp đỡ, hỗ trợ từ nguồn quỹ khuyến công huyện, chị Thủy tiến hành xây dựng thương hiệu cho 3 sản phẩm là cà gai leo, hà thủ ô và diệp hạ châu, nâng tổng số sản phẩm được công nhận thương hiệu lên 7 sản phẩm. Các loại cao sau khi được công nhận thương hiệu đã được bảo hộ sản phẩm độc quyền, cơ quan chức năng kiểm nghiệm, tất cả các yêu cầu đều đạt chuẩn và công nhận thực phẩm an toàn chất lượng, hạn chế được tình trạng hàng nhái, hàng kém chất lượng. Hiện nay, tổng thu nhập từ nghề nấu cao dược liệu của gia đình chị Mai Thị Thủy mỗi năm trên 600 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, xây dựng được thương hiệu, trong năm 2016, sản phẩm cao lá vằng và tinh bột nghệ của gia đình chị còn được tôn vinh là “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu” lần thứ 3 do UBND tỉnh Quảng Trị trao tặng. Từ các loại cây hoang dại mọc trong rừng, sau nhiều nỗ lực của gia đình chị Mai Thị Thủy đã trở thành sản phẩm được nhiều người biết đến, góp thêm “đặc sản” độc đáo của vùng đất nắng gió Quảng Trị. ANH VŨ