Cùng bám biển làm giàu
(QT) - Sinh ra trong một gia đình nghèo khó ven biển, sau khi lấy vợ, lập gia đình riêng, 2 anh em ruột Nguyễn Văn Phương, 47 tuổi và Nguyễn Văn Đông, 37 tuổi ở thôn Thái Lai, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã quyết định cùng bỏ vốn kết hợp đầu tư tàu thuyền bám biển. Nhờ có nhiều kinh nghiệm cũng như sự quyết tâm bám biển mà hiện nay đời sống của hai anh em đã trở nên khá giả với thu nhập bình quân mỗi năm lên đến hàng trăm triệu đồng. Anh Nguyễn Văn Phương và Nguyễn Văn Đông chuẩn ...

Cùng bám biển làm giàu

(QT) - Sinh ra trong một gia đình nghèo khó ven biển, sau khi lấy vợ, lập gia đình riêng, 2 anh em ruột Nguyễn Văn Phương, 47 tuổi và Nguyễn Văn Đông, 37 tuổi ở thôn Thái Lai, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã quyết định cùng bỏ vốn kết hợp đầu tư tàu thuyền bám biển. Nhờ có nhiều kinh nghiệm cũng như sự quyết tâm bám biển mà hiện nay đời sống của hai anh em đã trở nên khá giả với thu nhập bình quân mỗi năm lên đến hàng trăm triệu đồng.

Anh Nguyễn Văn Phương và Nguyễn Văn Đông chuẩn bị ngư lưới cụ ra khơi

Chúng tôi tìm về thăm nhà của anh Phương và anh Đông cũng là lúc hai anh chuẩn bị ngư lưới cụ để sẵn sàng cho chuyến ra biển đánh bắt những mẻ cá đầu mùa. “Năm nay thuận trời nên hi vọng sau mỗi chuyến đi chúng tôi sẽ thu được nhiều cá, tôm hơn. Trong những ngày này, người dân làng tôi ai cũng ngày đêm bám biển, vì đây là mùa đánh bắt chính trong năm”, anh Phương vừa bỏ lưới vào thuyền vừa vui vẻ cho biết. Vĩnh Thái là một xã vùng cát trắng ven biển, giáp ranh với huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, đời sống người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là từ khi tàu thuyền đánh bắt xa bờ của các vùng khác đến biển Vĩnh Thái để khai thác thì cuộc sống của đa phần ngư dân càng khó khăn hơn... “Mình là ngư dân đã trải qua hơn 30 năm theo nghề biển. Nghề biển có lúc làm ăn được lúc không, hiện giờ là thời điểm khó khăn trong việc đánh bắt hải sản. Sống ở vùng biển bãi ngang, gia đình lại nghèo không đủ tiền đầu tư tàu thuyền lớn, nhưng do không có việc gì khác ngoài nghề đi biển nên nhiều lúc anh em tôi cũng nản lắm, chẳng biết phải xoay xở ra sao. Trong thời điểm khó khăn ấy, 2 anh em tôi đã quyết định chung sức để làm ăn. Ngoài số vốn ít ỏi tự có, chúng tôi đi vay thêm vốn của ngân hàng để đầu tư đóng chung 1 chiếc thuyền”, anh Đông kể. Sau khi có vốn, hai anh đóng một chiếc thuyền có công suất 12 CV để hàng ngày ra biển đánh bắt tôm cá. Ngư cụ đánh bắt của anh Phương và anh Đông có đầy đủ các loại để đánh bắt theo mùa, theo loại cá như: lưới rê dùng để đánh bắt các loại cá cỡ lớn, lưới 3 dùng để bắt cá hố, còn các loại lưới te, đáy dùng để đánh bắt con ruốc... Ngoài việc đánh bắt cá các loại, 2 anh còn thành thạo nghề lặn biển để bắt cua, tôm hùm và các loại hải sản có giá trị cao, nếu may mắn thì có ngày kiếm thêm được vài triệu đồng. Nhiều người biết đến 2 anh nhờ có tài đánh bắt cá trên biển. Những năm trước, hai anh đã từng nhiều lần thu được từ 30 đến 40 triệu đồng/mẻ lưới. Theo anh Phương cho biết, để bắt được nhiều loại hải sản, ngoài việc mua sắm đầy đủ các loại ngư lưới cụ còn phải có kinh nghiệm trong nghề đi biển. Khi trăng sáng thì con cá đi theo hướng này, trăng tối thì cá đi theo hướng kia, hay tùy thuộc vào tập tính từng loại cá hay từng mùa trong năm để đánh bắt... Mặt khác cứ mỗi lần đi biển về, họ lại tích lũy được thêm kinh nghiệm. Những kinh nghiệm có được, họ thường chia sẻ với những bạn nghề trong thôn để ai cũng có thể đánh bắt được nhiều tôm cá. Chính nhờ vào kinh nghiệm dày dạn cũng như sự táo bạo trong làm ăn mà đến nay, hàng năm chỉ với nghề đi biển cũng đã cho hai anh thu nhập hàng trăm triệu đồng sau khi trừ mọi chi phí, từ đó trả được nợ ngân hàng, có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang cũng như nuôi con ăn học đàng hoàng. Nói về anh em anh Phương, đồng chí Trần Văn Thận, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái cho biết: Trong bối cảnh khó khăn chung nên hiện nay nhiều ngư dân trong xã đã bỏ nghề biển để đi làm thuê làm mướn ở những nơi khác rất nhiều. Vì vậy, việc hai ngư dân Nguyễn Văn Phương và Nguyễn Văn Đông tích cực bám biển và làm giàu được từ biển rất đáng ghi nhận, xứng đáng là tấm gương sáng để mọi người học hỏi, noi theo, phát huy hơn nữa nghề truyền thống của cha ông. Bài, ảnh: ĐỨC VIỆT