Nước sạch cho vùng trũng Hải Lăng
Về vùng trũng Hải Lăng mùa này chẳng khác nào đến miền Tây Nam Bộ mênh mang sông nước. Cũng kênh rạch chằng chịt, cũng bến nước cập kề bên con đường dẫn về những thôn làng bình yên cây trái. Và nắng vừa đủ hong khô các cánh đồng bốc lên mùa ngai ngái của bùn đất, rơm rạ biền bãi... Người dân vùng trũng Hải Lăng vẫn phải tận dụng nguồn nước sông Ô Lâu phục vụ sinh hoạt

Nước sạch cho vùng trũng Hải Lăng

Về vùng trũng Hải Lăng mùa này chẳng khác nào đến miền Tây Nam Bộ mênh mang sông nước. Cũng kênh rạch chằng chịt, cũng bến nước cập kề bên con đường dẫn về những thôn làng bình yên cây trái. Và nắng vừa đủ hong khô các cánh đồng bốc lên mùa ngai ngái của bùn đất, rơm rạ biền bãi...

Người dân vùng trũng Hải Lăng vẫn phải tận dụng nguồn nước sông Ô Lâu phục vụ sinh hoạt

Trụ sở UBND xã Hải Hòa nằm cạnh kề một bến nước có nhiều phụ nữ đang giặt giũ. Anh Nguyễn Mãnh, Chủ tịch UBND xã không ngần ngại nói với tôi rằng mọi sinh hoạt của người dân đều nhờ vào dòng Ô Lâu này. Trên chặng dài hơn 10 cây số từ Hải Tân về dọc theo Ô Lâu tôi đã nhìn thấy rất nhiều bến nước mà người dân đang sử dụng để phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Vậy nên, khi nghe chúng tôi đặt vấn đề tìm hiểu về thực trạng sử dụng nguồn nước, anh Mãnh bộc bạch: ""Nói thật với anh không phải riêng người dân Hải Hòa chúng tôi đâu mà tất cả cư dân ở vùng trũng của Hải Lăng từ xa xưa cho đến nay đã sống nhờ vào nguồn nước của dòng Ô Lâu và Vĩnh Định. Riêng ở xã Hải Hòa nằm ở cuối nguồn, xung quanh lại được bao bọc bởi ruộng đồng nên mọi chất bẩn thải ra từ thuốc trừ sâu, phân bón... đều đổ xuống sông gây ô nhiễm nguồn nước. Nói vậy, thật ái ngại cho sức khỏe và đời sống của người dân nhưng thú thiệt khi nguồn nước ở trong vùng đều mặn và nhiễm phèn nếu không dùng nước sông thì lấy gì mà sinh sống. Thật là nghịch lý bởi vùng thấp trũng Hải Lăng được bao bọc bởi hai con sông có nguồn nước ngọt nhưng ở dưới tầng sâu địa chất mạch nước ngầm hoàn toàn bị nhiễm mặn. Từ năm 1998, Trung tâm nước sinh hoạt & VSMTNT đã đầu tư khoan 20 giếng lấy nước ngầm nhưng tất cả đều bị nhiễm mặn và chua phèn không sử dụng được"". Từ thực tế khó khăn về nguồn nước và nhu cầu sử dụng nước hợp vệ sinh của người dân, nhờ sự quan tâm của nhiều chương trình dự án khác nhau nên từ năm 2000 đến nay xã Hải Hòa đã được xây dựng nhiều công trình nước sinh hoạt với tổng kinh phí gần 2.100 triệu đồng, trong đó vốn tài trợ của các chương trình, dự án là 1.335 triệu đồng, nhân dân đóng góp 755 triệu đồng. Đó là các công trình cấp nước sinh hoạt ở thôn Hưng An được xây dựng từ năm 2004 do chương trình Đông-Tây hội ngộ tài trợ với tổng kinh phí gần 1400 triệu đồng cấp nước cho khoảng 600 hộ dân ở hai thôn Hưng Nhơn và An Thơ. Trạm cấp nước Phú Kinh xây dựng từ năm 2000 do Hội từ thiện Phật giáo và nhân dân đóng góp với kinh phí 653 triệu đồng. Trạm cấp nước Hội Điền do huyện Hải Lăng hỗ trợ kinh phí 47 triệu đồng có dung lượng 13 m3, thiết kế bể lọc máy bơm đến tận hộ gia đình cung cấp cho 33 hộ với 165 nhân khẩu sống biệt lập giữa cánh đồng cách xa sông Mai Lĩnh 1 km. Ngoài ra còn phải kể đến hệ thống cấp nước nhỏ lẻ cho vùng càng An Thơ, Phú Kinh do Giáo xứ Cây Da đầu tư, quản lý và vận hành... Do đặc thù địa chất của địa phương nên tất cả các công trình cấp nước ở Hải Hòa đều phải lấy nguồn nước từ sông Ô Lâu đưa vào xử lý rồi cung cấp cho người dân. Từ nguồn nước sông nhiễm bẩn, được xử lý an toàn nên người dân mới được an tâm dùng nước. Vậy nên toàn xã Hải Hòa đã có 1040 hộ với 5272 nhân khẩu thì đến nay có 80% hộ dân dùng nước hợp vệ sinh, 20% dùng nước lọc. Đây là một sự nỗ lực vượt bậc của chính quyền địa phương trong việc kêu gọi các nguồn tài trợ cùng với sự đóng góp tích cực của người dân vùng hưởng lợi. Sau khi công trình đưa vào sử dụng xã giao trách nhiệm cho các thôn lập ra ban quản lý, điều hành và phân phối nước. Hàng tháng ban quản lý thu từ hộ sử dụng một khối nước từ 2000-3000 đồng để chi phí cho mọi hoạt động. Trên thực tế đã có thôn nhờ quản lý tốt các nguồn thu như Hưng Nhơn, An Thơ nên đã có tích lũy để tái đầu tư cho công trình. Tuy nhiên vẫn có một số công trình nước hiện nay đã xuống cấp, hư hỏng ảnh hưởng đến việc cấp nước cho người dân. Điển hình là công trình ở thôn Phú Kinh lấy nước từ sông Ô Lâu với hệ thống bể lọc dùng máy đẩy đến tận hộ dân, đường ống dẫn nước bằng sắt lâu dài đã bị hoen rỉ. Năm 2007, Chương trình PTNT do Chính phủ Phần Lan tài trợ đã hỗ trợ 87 triệu đồng để đấu nối đường ống dẫn nước từ nhà máy nước Hòa Bình Chương (Phong Điền, Thừa Thiên- Huế). Nhưng đến nay do đường ống vào từng hộ gia đình hư hỏng nên việc cấp nước không đảm bảo, trạm nhận nước Phú Kinh đã bỏ hoang từ lâu. Do vậy xã Hải Hòa đã lập tờ trình gửi Trung tâm nước sinh hoạt &VSMTNT xin được hỗ trợ kinh phí để thay thế tuyến đường ống. Trong tương lai đường ống hư hỏng được thay thế, công trình nước sẽ tiếp tục hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước hợp vệ sinh của người dân thôn Phú Kinh. Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Mãnh kiến nghị rằng để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân, tránh tình trạng dùng nước sông chưa qua xử lý, hiện nay ngoài công trình Phú Kinh cần được đầu tư, Hải Hòa mong muốn đươc cấp trên hỗ trợ vốn nâng cấp các công trình nước nhỏ, lẻ ở vùng Càng. Hỗ trợ hóa chất để các trạm xử lý nguồn nước tránh tình trạng phải mua hóa chất trôi nổi trên thị trường khó kiểm định chất lượng. Hy vọng rằng với những kiến nghị thiết thực của người dân, xã Hải Hòa sẽ nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các chương trình, dự án để giúp người dân vùng chua phèn, nhiễm mặn này có được nguồn nước hợp vệ sinh dùng cho sinh hoạt hàng ngày. Bài và ảnh: Hồ Tân Nguyên