Cái giá cho một lần lầm lỗi
(QT) - H. là một bị cáo đặc biệt, năm nay 23 tuổi nhưng không nói được và cũng không nghe được ai nói. H. bị câm, điếc ngay từ lúc lọt lòng mẹ. Vì thế, khi đứng trước vành móng ngựa, H. phải sử dụng ngôn ngữ ký hiệu để trả lời Hội đồng xét xử (HĐXX). Cuối tháng 7/2011, TAND tỉnh Quảng Trị đưa ra xét xử vụ án đối với mười bị cáo bị VKSND tỉnh truy tố về tội danh “Cố ý gây thương tích”. H. là một trong số mười bị cáo đó. Phiên xét xử lưu động tại thị xã Quảng Trị, địa bàn xảy ra án thu hút đông đảo người dân đến theo dõi. Nhiều người chú ý đến H. ngay từ khi bước vào phòng xử án. Người phiên dịch của H. cũng đã đến từ sớm, là cầu nối không thể thiếu giữa H. với HĐXX. Thi thoảng H. ngước lên như muốn tìm bóng dáng người thân, bạn bè sau nhiều tháng bị tạm giam. Tôi bắt gặp ánh mắt ấy, cũng như nhiều đôi mắt khác trên hàng ghế dành cho bị cáo, đều có một nỗi lo chung là sợ sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật. Khi HĐXX lên án hành vi phạm tội của cả nhóm, nhiều bị cáo cúi mặt, ân hận.
 |
Các bị cáo bị truy tố về tội danh"Cố ý gây thương tích". |
Riêng H., bị cáo không nghe được những gìHĐXX nói mà phải đợi người phiên dịch diễn tả lại bằng kí hiệu. Ngay trong phần thẩm vấn, H. được phép đứng gần phiên dịch để thuận lợi trong việc truyền tải nội dung hỏi đáp. Khoảng thời gian chờ đợi để người phiên dịch và H. chuyển tải thông tin cần thiết là khoảng lặng nặng nề. Nhiều người cám cảnh cho H., không hiểu sao bị cáo vốn không thù oán gì với bị hại lại theo đám bạn xấu để rồi phạm tội. Nhìn đôi bàn tay H. loạn lên vì có quá nhiều điều muốn bày tỏ, ai cũng chạnh lòng. Khuôn mặt tuấn tú của H. lúc ấy rất căng thẳng, nhất là khi diễn đạt chưa thấu hoặc không hiểu được hết nghĩa từ người phiên dịch, bị cáo buông mạnh tay như một tiếng thở dài bất lực. Hoàn cảnh của H. thật bất hạnh. Bản thân tôi, ngay từ đầu tiếp cận thông tin về vụ án tại CQĐT cho đến khi chứng kiến Tòa tuyên án vẫn luôn tiếc nuối và day dứt về H. H. là con thứ 2 và là con trai duy nhất trong gia đình có ba người con. Nhìn đứa con khôi ngô, hoạt bát nhưng mắc chứng bệnh câm điếc từ lúc mới lọt lòng, cha mẹ H. rất xót xa. Họ dành tình thương cho H. nhiều hơn và luôn lo lắng đến tương lai của con. Nhưng khi H. được 4 tuổi thì cha đau nặng và qua đời. Tang cha chưa hết thì chị em H. lại chịu nỗi đau mất mẹ một năm sau đó. Ba đứa trẻ mồ côi nương tựa vào người chú ruột nơi xã nghèo của vùng trũng Hải Lăng. Sau này, em gái H. cũng qua đời, nỗi đau mất người thân càng chồng chất trong lòng H.. Vì bị bệnh từ nhỏ nên bị cáo không được đến lớp, không học ngôn ngữ ký hiệu một cách bài bản, khoa học. Cho nên, có rất nhiều điều H. muốn nói, người nghe cũng không thể hiểu được. Có lẽ vì thế mà đôi khi, tính tình của H. rất nóng nảy. Trở lại nội dung vụ án mà H. tham gia để rồi phải ra đứng trước vành móng ngựa: Trưa ngày 25/10/2010, H. và nhóm bạn đi tìm anh N. để đánh do có mâu thuẫn từ trước nhưng tìm không thấy. Bất ngờ phát hiện anh Chiến (chủ lao động của anh N.) và một số người bạn đang uống bia, cả bọn quyết định quay sang “dằn mặt” anh. Sau khi đeo khẩu trang, cả nhóm kéo đến quán. Một số đứng ngoài chờ, 5 thanh niên trong đó có H. hùng hổ xông vào quán cầm rựa hướng đến bàn anh Chiến. Tuy H. không chém nhưng bị cáo lại giúp sức để những người bạn của mình chém tổng cộng 14 nhát vào vai, tay và chân anh Chiến. Riêng H. chém anh Học (bạn anh Chiến) vào gót chân. Rất may anh Chiến được cứu chữa kịp thời nên giữ được tính mạng. Theo kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) thì anh Chiến có tỷ lệ thương tật là 32%, anh Học có tỷ lệ thương tật 9%. Tại phiên tòa, tất cả đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Nhưng khi nghe đại diện VKS đề nghị HĐXX xử phạt mình mức án 5 đến 6 năm tù, H. luống cuống bày tỏ ý muốn xin được giảm án. Vị luật sư được chỉ định bào chữa cho H. vắng mặt có lý do, chỉ gửi bản bào chữa lên HĐXX. Nếu có sự hiện diện luật sư, chắc H. phần nào đỡ vất vả khi bị cáo muốn bào chữa cho mình nhưng không thể diễn tả được thông qua kí hiệu bằng tay. Tòa tuyên H. 5 năm tù. Đây không phải là mức án cao nhất nhưng cũng không phải thấp nhất so với các bị cáo khác. Gương mặt H. cứ ngơ ngác khi nghe chủ tọa tuyên án. Chỉ khi một đồng phạm giơ bàn tay 5 ngón rồi chỉ vào H., bị cáo mới thảng thốt như nhận ra cái giá phải trả giá cho một lần lầm lỗi... Bài, ảnh: ĐẶNG TRÚC