(SGGP) - Ngày 6-6, hội nghị tổng kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội 6 tháng đầu năm 2014 do Bộ VH-TT-DL tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội. Mùa lễ hội năm nay được đánh giá là có nhiều chuyển biến tích cực, bớt dần những biểu hiện tiêu cực song các nhà quản lý vẫn vô cùng lúng túng trước hành vi đốt đồ mã, rải rắc tiền lẻ vô tội vạ và đặc biệt là hiện tượng đưa đồ cúng tiến vào nơi thờ tự vẫn là vấn đề nóng. Ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL, cho biết: “Việc đốt đồ mã ở di tích, lễ hội vẫn còn nhiều, vẫn còn tình trạng hầu đồng, bày đồ mã cả dàn, vô cùng lớn. Theo chúng tôi, những lễ này không phải của dân vì người dân không có tiền làm, chắc chắn chỉ của các quan chức thôi, vậy thì đề nghị báo chí cũng cần vào cuộc làm rõ xem lễ đó của ai, của những vị nào cho dư luận tường tận. Nếu các nhà nghiên cứu văn hóa thấy đồ mã có yếu tố tâm linh thì nên điều chỉnh quy định. Nghị định 103 cấm đốt đồ mã nhưng lại không cấm sản xuất, không cấm vận chuyển thì làm sao cấm triệt để được. Nghị định 158 mới đây lại có những quy định chỉ xử phạt khi đốt đồ mã không đúng nơi quy định, nhưng nơi nào là không đúng quy định lại không rõ”. Là một trong những đơn vị được giao nghiên cứu đề án quản lý việc đốt đồ mã, Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam đã hỏi ý kiến tư vấn của nhiều giáo sư, các nhà khoa học có uy tín. Ý kiến các nhà khoa học đều cho rằng, việc đốt đồ mã trong di tích hiện nay đang trở thành vấn đề của xã hội khi nó đã đi quá giới hạn, bị lạm dụng và gây lãng phí rất lớn… Thế nhưng, các nhà khoa học cũng thừa nhận, để quản lý việc này rất khó, nếu không có biện pháp trừ tận gốc thì quản lý cách nào cũng khó thành công.
Về việc này TS Lương Hồng Quang - Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam cho rằng: “Chúng ta cần tiếp cận với chuyện đốt đồ mã như là hiện tượng văn hóa, xã hội, một hình thức thực hành nghi lễ của người dân, có hiện tượng, có sai lệch thì cần phải điều chỉnh hành vi”. Theo tổng hợp, nghiên cứu bước đầu của đề án này, trong truyền thống, dù là lễ trọng hay mức độ gia đình, đều có cung tiến, đốt đồ mã với thái độ trân trọng, thành kính, đồng thời cũng thể hiện sự hiểu biết về các nghi lễ thực hành. Song hiện nay, hành vi đốt đồ mã có còn đi liền với niềm tin sự trân trọng không, hiểu biết về việc chúng ta đang làm không lại là câu hỏi lớn. “Theo đó, giải pháp tốt nhất là phải bắt đầu từ việc trao đổi với các cơ sở thờ tự, thấy rằng sự vào cuộc của sư trụ trì, chủ cơ sở thờ tự là quan trọng vì họ là những người hiểu biết, có khả năng hướng dẫn những người thực hành đúng nghi lễ”, TS Lương Hồng Quang nói. Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng bày tỏ sự lúng túng trước hiện tượng xuất hiện hàng loạt hiện vật lạ như sư tử đá, tượng Phật Bà Quan âm trắng… và nhiều hiện vật lạ trong khuôn viên của các khu di tích, các lễ hội. Phó Chánh Thanh tra Bộ VH-TT-DL Phạm Xuân Phúc cũng cho biết tình trạng tiếp nhận công đức bằng hiện vật ở các di tích quá nhiều, không phù hợp với di tích, không có hồ sơ, làm ảnh hưởng tới không gian, cảnh quan. Có nơi tiếp nhận di tích còn đẽo bia, khoét tường di tích để làm bảng công đức, làm cho di tích loang lổ, thậm chí dưới bia còn có bát hương, nhìn rất phản cảm và phi văn hóa. Tại hội nghị lần này, đại diện của nhiều sở VH-TT-DL cũng phải thừa nhận địa phương lúng túng trong việc tiếp nhận đồ cúng tiến như vậy. Đại diện nhiều Sở VH-TT-DL các tỉnh thành cũng lên tiếng yêu cầu sớm có chế tài để xử phạt các dịch vụ đổi tiền lẻ ở khu di tích, lễ hội bởi như hiện nay mới chỉ là tuyên truyền, vận động người làm dịch vụ này thì chưa thể chấm dứt.
MAI AN