Hội nghị trực tuyến triển khai Công điện số 1966 của Chính phủ và công tác GPMB Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh
(QT) - Chiều qua 11/12/2013, Bộ Công an và Bộ Giao thông- Vận tải tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện Công điện số 1966 ngày 19/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ và Kế hoạch số 12593 ngày 21/11/2013 của Bộ Công an và Bộ Giao thông- Vận tải về phối hợp thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm chở hàng quá tải trọng của ô tô vận chuyển hàng hóa trên đường bộ. Các đồng chí: Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Đinh La Thăng, UVTƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông- Vận tải chủ trì hội nghị. Tham dự tại điểm cầu Quảng Trị có đồng chí Nguyễn Đức Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh. Báo cáo của Bộ Công an và Bộ Giao thông- Vận tải cho biết: 11 tháng đầu năm 2013, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý vi phạm chở quá tải trọng đối với 26.255 xe, buộc hạ tải 76.534 tấn hàng, tước giấy phép lái xe 22.568 trường hợp, phạt tiền trên 57 tỷ đồng. Công tác kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm chở hàng quá khổ, quá tải trọng cho phép đã đạt được kết quả bước đầu, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của các doanh nghiệp vận tải, chủ xe, lái xe, Hiệp hội Vận tải, đặc biệt là sự đồng thuận của xã hội trong việc thực thi pháp luật về vận tải hàng hóa bằng ô tô theo trọng tải cho phép của xe và tải trọng cho phép của cầu đường. Tại các đoạn, tuyến quốc lộ có hoạt động kiểm soát tải trọng xe của lực lượng liên ngành thì số xe quá tải giảm.
 |
Đồng chí Nguyễn Đức Cường, Chủ tịch UBND tỉnh và thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh tại điểm cầu Quảng Trị - Ảnh: NGUYỄN VINH |
Tại Quảng Trị, từ 15/12/2012 đến 10/12/2013, các lực lượng chức năng đã xử lý 309 trường hợp vi phạm, với tổng số tiền phạt 418.110.000 đồng; buộc chủ phương tiện tự thực hiện hạ tải theo quy định. Hạn chế, tồn tại của các địa phương thời gian qua là công tác kiểm soát tải trọng xe chưa được các Bộ, ngành, địa phương tích cực chỉ đạo thực hiện. Một số địa phương chưa triển khai công tác kiểm soát tải trọng xe, hoặc đã thực hiện nhưng chưa quyết liệt, chưa thường xuyên, liên tục; sự phối hợp của lực lượng cảnh sát giao thông với thanh tra đường bộ chưa chặt chẽ. Một số địa phương còn cho rằng, thực hiện kiểm tra tải trọng xe ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của địa phương, thậm chí còn có sự can thiệp vào quá trình kiểm soát, xử lý xe vi phạm. Một bộ phận không nhỏ các chủ hàng, chủ doanh nghiệp vận tải, lái xe chưa nhận thức đúng đắn về tác hại của xe quá tải đến kết cấu đường giao thông… Đối với tỉnh Quảng Trị, việc sử dụng phương pháp đo đếm chưa đảm bảo tính chính xác cao trong việc xác định tải trọng, đặc biệt là không thể kiểm tra các xe contennơ chở hàng do không có thẩm quyền mở kẹp niêm phong để đo đếm hàng hóa. Việc kiểm tra, xử lý xe quá tải, buộc phương tiện hạ tải đúng quy định mới cho lưu thông đòi hỏi phải có mặt bằng hạ tải, phương tiện bốc dỡ, kho bãi đảm bảo. Các tuyến quốc lộ có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cao, đặc biệt trên Quốc lộ 9 các phương tiện chở gỗ quá tải thông quan từng đợt với số lượng lớn nên việc kiểm tra, xử lý và buộc hạ tải rất khó khăn do mặt bằng kho bãi hạn chế, hàng cồng kềnh và số lượng lớn… Hội nghị dành phần lớn thời gian thảo luận của các Bộ, ngành, trung ương và địa phương, nêu bật những khó khăn cũng như kinh nghiệm của từng đơn vị trong việc thực hiện ngăn chặn tình trạng xe chở quá tải trọng thời gian qua; đề nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ vướng mắc để công tác kiểm tra, xử lý xe chở quá tải trọng cho phép ngày càng tốt hơn. Phát biểu tại hội nghị, Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các Bộ, ngành; sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng và cả hệ thống chính trị trong việc kiểm soát tải trọng xe lưu thông trên các tuyến đường đạt kết quả tốt, tạo ý thức tự giác của chủ xe, lái xe. Trong thời gian tới, để thực hiện tốt Công điện số 1966 của Thủ trướng Chính phủ, đề nghị lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện xử lý nghiêm các xe chở quá tải trọng cho phép, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, vận động chủ, lái xe thực hiện nghiêm Công điện này của Thủ tướng Chính phủ. Kiểm soát chặt chẽ các phương tiện chở hàng hóa ngay tại kho bãi, đảm bảo tải trọng cho phép. Thủ trưởng Bộ Công an, Bộ Giao thông- Vận tải, lãnh đạo các địa phương tổ chức thực hiện tốt Công điện của Thủ tướng Chính phủ. Nghiêm cấm các địa phương can thiệp các lực lượng chức năng xử lý vi phạm xe quá tải trọng. Tổ chức tốt Năm An toàn giao thông quốc gia 2014, đồng thời bám sát các quy định của Trung ương để cụ thể hóa vào kế hoạch đảm bảo công tác an toàn giao thông năm 2014, trước mắt vào các dịp lễ, tết sắp tới. Đảm bảo xe để phục vụ nhân dân trong dịp Tết Giáp Ngọ 2014. Công an các địa phương căn cứ vào kế hoạch Bộ Công an và Bộ Giao thông- Vận tải để triển khai các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông phù hợp. Các cơ quan báo chí tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông đến các tầng lớp nhân dân. Tại điểm cầu Quảng Trị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Cường yêu cầu Sở Giao thông- Vận tải, Công an tỉnh bám sát Công điện 1966 của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch số 12593/2013 của Bộ Công an, Bộ Giao thông- Vận tải để bổ sung vào kế hoạch nhiệm vụ của mình, đảm bảo an toàn giao thông trong thời gian tới. Các cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền Công điện 1966 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản liên quan của Trung ương và địa phương về đảm bảo an toàn giao thông đến các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân thực hiện nghiêm túc nhằm đảm bảo an toàn giao thông trong thời gian tới. * Cùng ngày, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến về tình hình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) các Dự án mở rộng Quốc lộ 1A đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ và Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên. Tham dự hội nghị về phía đầu cầu Hà Nội và 63 tỉnh, thành phố trong cả nước có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, chủ trì hội nghị; đại diện các Bộ, ngành Trung ương, các chủ đầu tư và lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố trong cả nước; về phía đầu cầu Quảng Trị có đồng chí Mai Thức, UVTVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban GPMB công trình Quốc lộ 1A cùng đại diện các sở, ngành liên quan và các địa phương trong tỉnh. Theo báo cáo của Bộ GT-VT, Dự án mở rộng Quốc lộ 1A đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ có tổng mức đầu tư 101.225 tỷ đồng, với tổng chiều dài 1.353 km, trong đó dầu tư theo hình thức BOT 18 dự án, với chiều dài 608 km, có tổng mức đầu tư 50.624 tỷ đồng; đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ 21 dự án, với chiều dài 696 km, tổng mức đầu tư 46.233 tỷ đồng; đầu tư bằng vốn vay ADB 1 dự án, với chiều dài 49 km, tổng mức đầu tư 4.368 tỷ đồng. Dự án nâng cấp đường Hồ Chí Minh có tổng chiều dài 663 km, với tổng mức đầu tư 20.824 tỷ đồng. Về GPMB, Dự án mở rộng Quốc lộ 1A có tổng kinh phí GPMB 7.350 tỷ đồng và đến nay đã giải ngân 1.315,48 tỷ đồng; Dự án nâng cấp đường Hồ Chí Minh có tổng kinh phí GPMB 1.300 tỷ đồng và đến nay đã giải ngân 31,02 tỷ đồng. Nhìn chung các Bộ, ngành Trung ương đã phối hợp tích cực với các địa phương nhằm triển khai có hiệu quả công tác GPMB, tuy nhiên vẫn còn một số địa phương triển khai chậm do nhiều nguyên nhân như một số địa phương có nguồn ngân sách hạn hẹn không đủ để bố trí xây dựng khu tái định cư cho dự án làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện dự án; việc di dời nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật công cộng thuộc các ngành vẫn còn chậm; bố trí vốn GPMB chưa kịp thời… Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Mai Thức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, dự án nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn qua Quảng Trị có chiều dài 57,48 km với tổng số hộ bị ảnh hưởng là 3.290 hộ, trong đó có 54 hộ phải tái định cư và nhiều công trình khác phải di dời. Đến nay công tác GPMB được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo, triển khai tích cực và đã bàn giao 13,78 km, đạt 24% với 399 hộ. Theo kế hoạch đến cuối năm 2013 sẽ tiến hành bàn giao 37,87/57,48 km, đạt 57% và sẽ cơ bản hoàn thành trong quý I năm 2014. Bên cạnh đó, kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành sớm có chủ trương thu hồi và tái định cư đối với các hộ dân đã thu hồi đất nhưng diện tích đất còn lại không đủ để xây dựng nhà; kiến nghị về mặt cắt ngang theo quy hoạch đoạn ngã tư Sòng đến bắc cầu Đông Hà; kiến nghị phương án di dời đối với các công trình công cộng bị ảnh hưởng… Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai tích cực công tác GPMB công trình Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên cơ bản đạt kế hoạch đề ra, đồng thời lưu ý những địa phương làm chưa tốt cần tập trung nhân lực thực hiện đúng tiến độ theo kế hoạch chung. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Đây là những dự án trọng điểm của quốc gia, do đó công tác GPMB phải được đặt lên hàng đầu và muốn đạt được tiến độ như dự kiến đòi hỏi các địa phương phải huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trên cơ sở vận động nhân dân, áp dụng các chế độ cho người dân đúng mức, đúng chính sách pháp luật. Đồng thời phải thường xuyên tổ chức đối thoại với nhân dân để tháo gỡ vướng mắc nhằm thực hiện đúng tiến độ dự án. Để công tác GPMB đạt kế hoạch đề ra, thời gian tới đồng chí yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thường xuyên phối hợp nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án. Yêu cầu các ngành có các công trình hạ tầng kỹ thuật sớm di dời công trình, bàn giao mặt bằng. Các địa phương phải chủ động thực hiện công tác tái định cư, về phía Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu mức hỗ trợ đối với các địa phương có khó khăn về ngân sách. Trong thi công cần kết hợp giữa thi công, bảo vệ thi công với GPMB. Đối với các địa phương làm chưa tốt cần nghiên cứu, học tập cách làm của một số địa phương làm tốt, trong đó cần có sự tham gia trực tiếp của lãnh đạo Đảng, chính quyền địa phương để công tác GPMB đạt tiến độ đề ra, tạo điều kiện thuận lợi trong đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa công trình vào sử dụng đạt hiệu quả cao. NGUYỄN VINH- LÊ MINH