Ra biển làm nghề “độc”
(QT) - Trong khi nhiều ngư dân xã Gio Việt, thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh, Quảng Trị) chạy đôn, chạy đáo vay tiền ngân hàng để đầu tư đóng mới tàu, thuyền có công suất lớn, mua sắm ngư lưới cụ hiện đại như lưới rê bùng nhùng, lưới ba cao lườn, pha xúc, vây rút, máy tầm ngư phục vụ cho việc đánh bắt xa bờ thì anh Võ Văn Nghiên (khu phố 6, thị trấn Cửa Việt) lại gắn bó với nghề bẫy ốc hương, ghẹ đỏ, ghẹ xanh, mực lá... mà từ lâu bà con ngư dân xem là nghề “độc” bởi có ít người làm. Cũng nhờ làm nghề “độc” mà mỗi chuyển biển, tàu gia đình anh thu hàng chục triệu đồng từ ngư trường chỉ cách bờ vài hải lý. Tôi đến nhà anh năm lần, bảy lượt nhưng không gặp, đành phải điện thoại để hẹn anh khi nào tàu vào bờ thì gọi cho tôi. Không gặp anh là bởi thời gian này đang vào vụ bẫy mực lá nên mỗi chuyến biển thường kéo dài cả tuần lễ, tàu anh mới về bến. Tàu vừa cập bến, anh gọi điện cho tôi bảo sang nhà. Vừa gặp, anh Nghiên đã phấn khởi khoe: “Chuyến biển này kéo dài 3 ngày, tàu tôi đánh bắt được 50 kg mực lá với giá thị trường hiện tại dao động khoảng 170 - 180 nghìn đồng/1kg vậy là có thu nhập gần 9 triệu đồng. Sở dĩ chuyến biển này phải cho tàu về bến sớm vì mấy hôm nay, tàu giã cào hoạt động mạnh quá chỉ sợ nó cào luôn cả vàng lồng bẫy mực lá thì “lợi bất cập hại”. Chứ chuyến biển cách đây khoảng 1 tuần, tàu của tôi bẫy được 1 tạ mực lá thu về gần 18 triệu đồng”.
 |
Anh Võ Văn Nghiên đang giới thiệu loại bẫy cải tiến dùng để bẫy ốc hương, ghẹ đỏ, ghẹ xanh |
Khi tôi hỏi anh về nghề bẫy mực lá, ghẹ đỏ, ghẹ xanh, ốc hương, anh Nghiên cho biết, mùa bẫy mực lá thường kéo dài từ tháng 3 đến tháng 6 hàng năm. Bẫy mực lá hay ngư dân vùng biển gọi là “bóng mực” thường dùng để đánh bắt mực lá sống ở tầng đáy biển. Lồng bẫy mực lá có nhiều loại và tàu gia đình anh hiện đang sử dụng loại lồng bẫy có cấu tạo đơn giản với khung làm bằng mây, tre hoặc gỗ có chiều dài 1,1 m, chiều rộng 1,1 m (có hình chữ nhật) và bên ngoài bọc lưới, buộc lá cây đùng đình phơi khô, cửa lồng bẫy có hom để khi mực vào lồng bẫy không thoát ra được. Anh Nghiên miêu tả công việc bẫy mực lá: “Ra đến ngư trường đánh bắt, việc đầu tiên của các thành viên trên tàu bẫy mực lá là phải cho mồi vào lồng bẫy và sắp xếp lồng bẫy một cách thứ tự trên boong tàu. Mồi bẫy mực lá là các loại cá nhỏ hoặc cua được buộc cố định giữa lồng bẫy. Quá trình thả lồng bẫy mực lá được thực hiện phía sau đuôi tàu và thu lồng bẫy phía trước tàu. Đầu tiên thả neo rồi đến phao tín hiệu và lần lượt thả từng lồng bẫy được buộc chặt với sợi dây chính (sợi dây to nối các lồng bẫy lại với nhau và có chiều dài khoảng 5 - 7 hải lý) xuống biển. Cứ cách 50 m thì thả 1 lồng bẫy. Thả xong lồng bẫy mực lá thì chờ khoảng 4 - 5 giờ đồng hồ, cho tàu chạy chậm để vừa thu lồng bẫy lấy mực lá trong lồng, thay mồi và tiếp tục thả lồng bẫy xuống đáy biển. Công việc của anh em chúng tôi trên biển cứ lặp đi, lặp lại như vậy cho đến khi đánh bắt được nhiều mực lá thì cho tàu về bến để bán mực và nghỉ ngơi vài ngày sau đó chuẩn bị cho chuyến biển tiếp theo”.
Mãi chuyện với tôi cho đến lúc chị Mai (vợ anh) gọi anh xuống bến tàu phụ với chị mang đặt từng rá mực lá nặng chịch lên bàn cân để bán cho mấy người đến mua đang đứng đợi, anh liền rủ tôi cùng xuống bến với anh. Nhanh nhẹn phụ vợ đặt từng rá mực lá tươi với làn da lấp lánh tựa ánh lân tinh lên bàn cân, vợ chồng anh cùng nở nụ cười mãn nguyện với thành quả đạt được sau chuyến biển. |
“Còn về bẫy ghẹ đỏ, ghẹ xanh, ốc hương thì có khác với nghề bẫy mực lá đôi chút. Trước đây (khoảng năm 1996 - 2001), bẫy ốc hương bằng loại bẫy đĩa hiệu quả kinh tế không cao. Từ năm 2002 đến nay, ngư dân vùng biển làm nghề bẫy ghẹ đỏ, ghẹ xanh, ốc hương bắt đầu sử dụng loại bẫy cải tiến có tác dụng “kép” vừa bẫy được cả ốc hương, cả ghẹ đỏ, ghẹ xanh cũng như nhiều loại cá khác nên hiệu quả kinh tế trong mỗi chuyến biển cao. Mùa bẫy ốc hương, ghẹ đỏ, ghẹ xanh vào chính vụ thường kéo dài từ tháng 10 năm này đến tháng 3 năm sau. Các tháng còn lại, ngư dân cũng có thể đi bẫy nhưng ốc hương, ghẹ đỏ, ghẹ xanh không nhiều...”, anh Nghiên cho biết thêm. Theo anh Võ Văn Nghiên thì bẫy cải tiến làm bằng khung sắt phi 8, có hình trụ (tương tự như chiếc trống cơm), có 3 cửa hom “vào dễ, khó ra”. Mồi đặt trong hộp nhựa kín chỉ chừa lổ nhỏ cho tỏa mùi dụ ốc, ghẹ. Những chiếc bẫy cải tiến có lợi thế hơn hẳn bẫy đĩa là vừa kéo dài thời gian chờ ốc, ghẹ tìm mồi, vừa không để ốc, ghẹ thoát ra khi đã no mồi. Nghề bẫy ốc hương, ghẹ đỏ, ghẹ xanh bằng loại bẫy cải tiến đòi hỏi phải có vốn đầu tư ban đầu khá lớn. Ngoài tàu, thuyền ra, phải mua sắm giàn bẫy, trục quay tời, giàn dây chảo... với trị giá hàng trăm triệu đồng. Và muốn bẫy được nhiều ốc hương thì phải biết tập tính của loài ốc hương là sống ở nơi ít bùn, nhiều cát. Ốc hương sống từng cặp nhưng khi gặp mồi thì chúng kéo đến từng đàn. Lâu nay, nhiều người cứ nghĩ mồi bẫy ốc hương phải dùng cá, tôm, cua ươn thối nhưng thực tế ốc hương rất thích ăn mồi cá, tôm, cua tươi...nên mỗi lần kéo bẫy lên để lấy ốc có trong bẫy là phải thay mồi ngay. Còn với ghẹ đỏ, ghẹ xanh thì việc đánh bắt không phức tạp như ốc hương...Cứ ra đến ngư trường là thả bẫy xuống biển sau đó cứ khoảng vài giờ đồng hồ thăm bẫy một lần để bắt ghẹ trong bẫy. So với nhiều nghề đánh bắt thủy hải sản trên biển hiện nay thì nghề bẫy mực lá, ghẹ đỏ, ghẹ xanh, ốc hương không quá vất vả bởi ra đến ngư trường thì tất cả thành viên trên tàu đều việc ai người ấy làm. Ngư trường đánh bắt chỉ cách bờ 4 -5 hải lý nên đến mùa bão, tố không phải nơm nớp lo sợ bởi chỉ cần nghe thông tin có bão đang di chuyển trên biển là cho tàu vào bờ ngay. Tiếng là đánh bắt gần bờ nhưng thời gian để về nhà của các thành viên trên tàu bẫy mực lá, ghẹ đỏ, ghẹ xanh, ốc hương ít lắm do suốt ngày phải ở trên biển để canh bẫy, thu bẫy, móc mồi, thả bẫy... Và mỗi vàng bẫy mực lá, ghẹ, ốc hương được thả kéo dài trên biển khoảng 5 - 7 hải lý không canh lỡ bị mất thì chỉ có nước trắng tay. Cũng nhờ chọn cái nghề “độc” này để làm nên mấy năm trở lại đây, kinh tế gia đình anh khá giả hơn. Tính bình quân mỗi năm, tàu gia đình anh có nguồn thu từ nghề bẫy mực lá, ghẹ đỏ, ghẹ xanh, ốc hương gần cả tỷ đồng. Cao điểm như từ tháng 11/2011 đến tháng 2/2012, tàu gia đình anh thu 700 triệu đồng từ nghề bẫy mực lá, ghẹ đỏ, ghẹ xanh, ốc hương. “Làm nghề này có thu nhập cao cũng bởi giá trên thị trường của mực lá, ghẹ đỏ, ghẹ xanh, ốc hương cao như mực lá có giá 170 - 180 nghìn đồng/1kg; ghẹ đỏ có giá 300 - 400 nghìn đồng/1kg; ghẹ xanh có giá 40 - 50 nghìn đồng/1kg và ốc hương có giá 450 nghìn đồng/1kg. Chỉ cần mỗi chuyến biển thu vài tạ mực lá, ghẹ đỏ, ghẹ xanh, ốc hương là kiếm tiền triệu rồi”, anh Võ Văn Nghiên nói. Mãi chuyện với tôi cho đến lúc chị Mai (vợ anh) gọi anh xuống bến tàu phụ với chị mang đặt từng rá mực lá nặng chịch lên bàn cân để bán cho mấy người đến mua đang đứng đợi, anh liền rủ tôi cùng xuống bến với anh. Nhanh nhẹn phụ vợ đặt từng rá mực lá tươi với làn da lấp lánh tựa ánh lân tinh lên bàn cân, vợ chồng anh cùng nở nụ cười mãn nguyện với thành quả đạt được sau chuyến biển. Bài, ảnh: HOÀNG TIẾN SỸ