(QT) - Lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn, HOÀNG NHƯ NGỌC vẫn nuôi dưỡng và không từ bỏ ước mơ trở thành sinh viên một ngôi trường nổi tiếng thế giới. Vượt qua nhiều thử thách, vừa qua, nữ sinh người Quảng Trị đã giành học bổng của Đại học New York (NYU) phân hiệu Abu Dhabi. Phóng viên Báo Quảng Trị vừa có cuộc trò chuyện với cô gái luôn khát khao chinh phục những đỉnh cao tri thức này.
- Chào Như Ngọc! Rất mong em giới thiệu với độc giả Báo Quảng Trị về bản thân mình?
- Em tên là Hoàng Như Ngọc, sinh năm 2001, vừa tốt nghiệp lớp chuyên Anh 1 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, thành phố Hồ Chí Minh. Em là con gái út trong một gia đình không mấy khá giả, có ba anh chị em ở thành phố Đông Hà. Bố em là một cán bộ hưu trí, còn mẹ chủ yếu làm nội trợ. Sau khi học xong lớp 9 tại Đông Hà, em thi đỗ vào Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và vào Nam sống cùng chị gái. Đây là giai đoạn khó khăn nhất vì em phải làm quen với môi trường mới với nhiều áp lực. Không may mắn là thời điểm ấy việc làm ăn của gia đình em không mấy thuận lợi. Vì thế, năm học lớp 10 và cả hai năm sau đó, em phải rất nỗ lực để duy trì việc học và theo đuổi ước mơ của mình.
- Được biết, vừa qua Như Ngọc xuất sắc giành học bổng của hai ngôi trường danh tiếng và chọn vào học ở NYU phân hiệu Abu Dhabi. Em có thể chia sẻ rõ hơn về thông tin này?
- Được trở thành sinh viên của NYU Abu Dhabi là một giấc mơ có thật đối với em. Trường là một trong ba phân hiệu của NYU, nằm ở thành phố Abu Dhabi, thủ đô của Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Theo bảng xếp hạng các trường đại học trên thế giới, NYU thường xuyên đứng top 30.
Thực ra, trước NYU Abu Dhabi, em đã nộp hồ sơ vào rất nhiều trường đại học. Ngoài NYU Abu Dhabi, em còn may mắn được Đại học Bryn Mawr, một trong những ngôi trường uy tín của Mỹ nhận vào học. Em quyết định chọn NYU Abu Dhabi xuất phát từ nhiều lí do. Trước tiên là vì hoàn cảnh khó khăn nên em chọn ngôi trường có nguồn hỗ trợ tài chính cao cho sinh viên. NYU Abu Dhabi là trường hiếm hoi áp dụng chính sách “need-blind admission”, tức là tuyển sinh mà không căn cứ vào khả năng tài chính của học sinh. Đặc biệt là sau khi tốt nghiệp, em không chịu ràng buộc hay phải trả lại khoản tiền hỗ trợ nào của trường. Thứ hai, NYU Abu Dhabi là một ngôi trường đa sắc tộc. Năm 2018, trường nhận 389 học sinh đến từ 84 nước khác nhau. Ở ngôi trường này, em có cơ hội tiếp xúc với nhiều bạn có vốn kiến thức và trải nghiệm khác nhau để từ đó học hỏi, tích lũy nhiều điều hay. Một lí do khác nữa là em rất thích địa điểm của trường. Khi học ở NYU Abu Dhabi, em sẽ vừa có cơ hội được hưởng một nền giáo dục Mỹ, vừa có cơ hội biết nhiều hơn về Hồi giáo, vốn là một đề tài em muốn tìm hiểu từ lâu.
![]() |
Như Ngọc (ngồi hàng dưới, thứ hai, từ trái sang phải) chụp ảnh lưu niệm với giáo viên và các bạn. Ảnh: NVCC |
- Để trở thành nữ sinh của NYU, em đã phải nỗ lực như thế nào?
- Quy trình tuyển sinh của trường có 2 vòng. Vòng đơn giống như tất cả các trường đại học khác ở Mỹ. Hồ sơ tuyển sinh gồm một đơn xin vào trường, học bạ, điểm thi chuẩn hóa, thư giới thiệu của giáo viên, bài luận chính 650 chữ, bài luận phụ 250 chữ, các thành tích học tập, hoạt động ngoại khóa, hồ sơ tài chính cùng với một vài yếu tố phụ khác. Hồ sơ gửi trực tiếp đến NYU. Trong quá trình điền đơn, thí sinh được chọn lựa nhiều hơn một trong ba phân hiệu của trường ở New York, Thượng Hải và Abu Dhabi. Khác với hai phân hiệu còn lại, để bước vào NYU Abu Dhabi, thí sinh phải vượt qua thêm vòng phỏng vấn trực tiếp. Sau khi đọc hồ sơ, lãnh đạo NYU Abu Dhabi sẽ lọc ra thí sinh tiềm năng và mời đến thăm trường trong vòng 4 ngày. Mọi chi phí của chuyến đi đều do trường tài trợ. Trong 4 ngày ấy, em và các bạn khác được gặp, trò chuyện với ban tuyển sinh, nhiều giáo sư, sinh viên và có cơ hội được tìm hiểu sâu hơn về tầm nhìn, hướng phát triển của trường. Ngoài ra, chúng em được tham gia học thử các bộ môn như một sinh viên thực thụ. Ngày cuối cùng, em và các bạn có buổi phỏng vấn với một giáo sư hoặc giảng viên của trường. Ban tuyển sinh theo dõi và đánh giá từng thí sinh trong suốt 4 ngày có mặt tại trường để đưa ra quyết định cuối cùng. Tỉ lệ trúng tuyển vào trường chỉ khoảng 4%, cụ thể là khoảng 400 thí sinh được nhận trên tổng số hơn 12.000 hồ sơ. Lúc nhận được tin sẽ trở thành sinh viên của NYU Abu Dhabi, em vô cùng hạnh phúc. Thời gian ở Abu Dhabi, tiếp xúc với các thí sinh khác, em thấy họ đều xuất sắc nên nghĩ cơ hội dành cho mình không nhiều.
- Em đã chuẩn bị hành trang gì cho chặng đường sắp tới?
- Em sẽ nhập học vào giữa tháng 8 năm nay. Hiện tại, em đang tự chuẩn bị một vài kĩ năng cho cuộc sống mới. Đầu tiên, em điều chỉnh lại cách học của mình, gắng bỏ thói quen nghe giáo viên giảng rồi chép lại, rèn luyện sự tự tin và khả năng diễn đạt để có thể tham gia thảo luận trên lớp. Em cũng đang luyện lại khả năng nghe tiếng Anh của mình vì từ trước đến giờ em sử dụng tiếng Anh của người Mỹ. Ở NYU Abu Dhabi, đa số sinh viên và giảng viên nói tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai nên việc nghe, hiểu sẽ rất khác. Ngoài ra, em đang đọc một số cuốn sách và học trực tuyến về kĩ năng nghiên cứu, viết luận ở đại học.
- Như Ngọc nuôi giấc mơ du học từ lúc nào? - Em có mục tiêu du học từ năm lớp 6. Lúc đó, em thấy có nhiều thứ mình muốn thay đổi và để tạo ra những sự thay đổi đó em phải học. Dần dần, mục tiêu “phải học” trở thành mục tiêu “phải học từ những người giỏi nhất”. Khoảng đầu năm lớp 7, em đã bắt đầu dồn hết sức để đạt tới mục tiêu được học ở những ngôi trường đại học hàng đầu thế giới. Em luôn muốn thúc đẩy bản thân ngày càng tiến bộ hơn, vươn tới những đỉnh cao hơn, học hỏi từ nhiều người giỏi hơn…
- Vượt qua khó khăn, Như Ngọc đã làm được điều mà nhiều người cho rằng là không thể. Vậy, Ngọc có thể chia sẻ kinh nghiệm để thực hiện thành công giấc mơ du học?
- Du học, đặc biệt là nộp vào những trường đại học ở Mỹ là một quá trình khắc nghiệt, ngay cả với các bạn ở thành phố lớn, thành tích học tập xuất sắc, gia đình có điều kiện... Thế nên, tất nhiên đối với dân tỉnh lẻ, chưa có giải quốc tế, gia đình còn khó khăn giống như em, quá trình ấy gian nan hơn rất nhiều. Để trở thành một du học sinh, em đã mất 7 năm phấn đấu, rèn luyện, không từ bỏ bất cứ cơ hội nào. Từ trải nghiệm bản thân, em nghĩ, nếu muốn bắt đầu, các bạn phải xác định rõ mình cần bỏ ra bao nhiêu thời gian và có đủ kiên trì để đi quãng đường đó hay không. Điều quan trọng thứ hai là ta phải xác định thất bại sẽ đến nhiều hơn thành công. Bản thân em trước khi được nhận vào hai trường đại học ở nước ngoài thì đã bị từ chối ở 13 trường và vào danh sách chờ của 3 trường. Du học, đặc biệt là với những bạn ít có điều kiện sẽ là một con đường đầy thất bại, khó khăn trước khi có thể vươn tới thành công. Nói như vậy không phải để nhụt chí, em chỉ muốn các bạn hiểu rõ những gì đang chờ đợi mình phía trước nếu theo đuổi mục tiêu. Khi đã biết rõ những khó khăn của con đường này và vẫn quyết định theo đuổi nó thì việc du học đối với các bạn có xuất phát điểm giống em không phải là chuyện không thể. Em muốn những gì mình đạt được ngày hôm nay trở thành điểm bắt đầu của các bạn khác sau này.
- Em có thể chia sẻ về ước mơ của mình?
- Mục tiêu gần nhất của em là có thể giúp gia đình… trả xong nợ. Sau đó, em sẽ tiếp tục với những dự định của bản thân. Mục tiêu cuối cùng và lớn nhất của em vẫn là góp sức xây dựng quê hương Quảng Trị. Hiện tại, em chưa biết rõ bản thân sẽ làm gì, làm như thế nào để đạt mục tiêu đó. Em hi vọng sẽ tìm ra câu trả lời qua quá trình trau dồi ở NYU Abu Dhabi hay những bậc học cao hơn. Em cũng rất muốn được thấy nhiều bạn trẻ Quảng Trị dám đi trên con đường đến với những mục tiêu cao hơn và gặt hái thành công lớn hơn mình. Em tin các bạn có đủ khả năng để vươn ra biển lớn và sẽ cố gắng giúp đỡ trong khả năng của mình.
- Cảm ơn Như Ngọc!
Tây Long (thực hiện)