Nghề kéo rớ
Trong cái lạnh cứa vào da thịt, chúng tôi ra chòi kéo cá của gia đình anh Hoàng Viết Diệu nằm sát mé sông Vĩnh Định. Vào mùa mưa nên nước sông chảy xiết hơn mọi ngày. Những chòi cá bên cạnh cũng lác đác lên đèn điện "dụ cá". Cuộc săn bắt đầu. Rớ được kéo quanh năm, thường vào buổi tối nhàn rỗi. Hàng đêm, trên dòng Vĩnh Định, đèn điện sáng loá cả một vùng để "dụ cá" đến. Thỉnh thoảng tiếng ai đó bât reo to khi kéo được con cá lớn ý. Cứ như thế cho đến tận khuya.
 |
Ông Huỳnh đang kéo rớ |
Thuở nhỏ, tôi thường theo các anh chị ra sông cất vó đến tận khuya. Và chỉ ra về khi nhắm chừng mớ cá mại, tép, tôm tạm đủ cho bữa ăn cải thiện vào ngày hôm sau. Nhưng đem so sánh với công việc cất vó của tôi thì nghề kéo rớ này "đẳng cấp" hơn nhiều lần. Vì số tôm tép vặt vãnh đó sau khi bị ánh điện làm tê liệt thì trở thành những miếng mồi ngon dụ cá lớn. Chi phí đầu tư vì vậy cũng nhiều hơn gấp bội. Ông Hoàng Huỳnh, một chủ cất rớ đội 4, thôn Vân Hoà, xã Triệu Hòa, Triệu Phong cho biết: "Muốn làm rớ đầu tiên phải mua lưới loại tốt, đắt tiền, sau đó chọn cây dương liễu hoặc bạch đàn làm cọc trụ di động, vì loại này bền chắc, dẻo dai khi ngâm lâu trong nước. Lại lấy tre làm cọc đót, tức là làm điểm cố định cho cọc trụ. Thêm một trục tời và dây kéo tời là xong bộ lưới kéo. Hoàn thành một bộ rớ như vậy chi phí hơn 5 triệu đồng. Quan trong nhất là công đoạn chọn vị trí đặt rớ. Công việc này quyết định sự thành bại của kéo rớ trong suốt thời gian dài". Bởi rớ nặng nên khi kéo rớ người ta không dùng tay mà ra sức đạp chân vào trục tời, động tác gần giống như đạp thủ công đưa nước vào ruộng ngày trước vậy. Một đêm, người dồi dào sức khoẻ có thể kéo lưới đến 30 lần tuỳ theo số lượng cá đi trên sông. Kéo rớ tuy là một nghề phụ nhưng thu nhập mang lại rất hấp dẫn nên ngày càng xuất hiện nhiều chủ rớ mới. Ông Huỳnh tự hào:" Cái rớ cũ rích mà gia đình tôi đang kéo đã góp phần nuôi hai học sinh và ba sinh viên ăn học đàng hoàng đấy. Trung bình một tháng chúng tôi thu nhập 1-2 triệu đồng...". Tuy có thu nhập khá nhưng nghề kéo rớ cũng tiềm ẩn những hiểm nguy, gãy chân tay là chuyện quá bình thường. Ông Huỳnh cho biết:" Bản thân tôi gần 30 năm trong nghề đã nhiều lần thoát chết trong gang tấc, nhưng cũng hơn 3 lần bị tời quay trả vòng làm gãy tay phải đi bệnh viện". Ông Nguyễn Văn Bảy, Bí thư thôn Vân Hoà là người đầu tiên gây dựng nghề kéo rớ của người dân Triệu Hoà thêm vào câu chuyện:" Khi cá đã vào rớ, công đoạn chèo thuyền ra bắt cá cũng không kém phầm hiểm nguy. Đó là khi dây néo hoặc dây tời bị đứt, và tấm lưới trùm lên người ra lấy cá khiến ghe bị chìm. Lúc này sự dũng cảm quyết định sự sống còn của người đó. Anh xem, diện tích mỗi lưới hàng trăm mét vuông, nặng vài chục ki-lô-gam, trùm lên người nạn nhân, kéo họ xuống đáy sông. Nếu không bình tĩnh dùng dao hoặc răng cắn thủng lưới ngoi lên thở thì tử nạn là điều khó tránh khỏi"... Đêm đông giá lạnh, chúng tôi may mắn được kéo rớ với những người nông dân thôn Vân Hoà. Tận mắt chứng kiến những chú cá tròn lẳn, đang giãy đành đạch dưới ánh điện, lại thưởng thức tại chỗ món cá lóc nướng tươi nguyên chấm với nước mắm trộn chút gừng cay nồng ấm, bao nhiêu mệt nhọc như đã tan đi, càng tin yêu cuộc sống, yêu những con người lao động hàng đêm cần mẫn kéo rớ mưu sinh trên dòng sông này. Bài, ảnh: Minh Tuấn