Đông Hà phát triển kết cấu hạ tầng vùng vành đai
(QT) - Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Quảng Trị, thời gian qua thành phố Đông Hà đã có bước phát triển nhanh về kinh tế - xã hội và hạ tầng đô thị. Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật thành phố Đông Hà hiện tại vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là ở vùng vành đai thành phố. Để đáp ứng yêu cầu phát triển, thành phố Đông Hà đã triển khai xây dựng Đề án phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng vùng vành đai thành phố giai đoạn 2016 - 2020 (Đề án). Đây là cơ sở quan ...

Đông Hà phát triển kết cấu hạ tầng vùng vành đai

(QT) - Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Quảng Trị, thời gian qua thành phố Đông Hà đã có bước phát triển nhanh về kinh tế - xã hội và hạ tầng đô thị. Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật thành phố Đông Hà hiện tại vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là ở vùng vành đai thành phố. Để đáp ứng yêu cầu phát triển, thành phố Đông Hà đã triển khai xây dựng Đề án phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng vùng vành đai thành phố giai đoạn 2016 - 2020 (Đề án). Đây là cơ sở quan trọng để huy động các nguồn lực cùng các giải pháp đồng bộ phát triển hệ thống hạ tầng vùng vành đai, góp phần đưa Đông Hà trở thành đô thị loại II vào năm 2020. Vùng vành đai đô thị Đông Hà có diện tích 3.222 ha, dân số khoảng 20.000 người. Mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng với nguồn lực còn hạn chế, hệ thống hạ tầng kỹ thuật vùng vành đai chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là các tuyến đường xuyên tâm, hướng tâm, đường vành đai; các hệ thống cấp điện, cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải, các công trình xử lý rác thải...Mục tiêu của đề án là xây dựng thành phố Đông Hà trở thành đô thị năng động với không gian đô thị phát triển, có kết cấu hạ tầng đồng bộ; rút ngắn khoảng cách giữa các khu vực vùng ven và vùng trung tâm thành phố; tạo lập không gian liên kết trung tâm đô thị với vùng vành đai và các địa phương lân cận, đảm bảo phục vụ cho các nhu cầu khác trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, an ninh, quốc phòng…Trong đó, ưu tiên các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố.

Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng vùng vành đai là nhiệm vụ trọng tâm để thành phố Đông Hà phấn đấu trở thành đô thị loại II vào năm 2020

Trên cơ sở này, thành phố xác định các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật vùng vành đai cho giai đoạn 2016 - 2020 theo quy hoạch và đảm bảo kết nối hài hòa với định hướng phát triển nông nghiệp đô thị của địa phương. Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, giải pháp huy động các nguồn lực và kế hoạch phân bổ nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng vùng vành đai giai đoạn 2016 - 2020. Đối với hệ thống giao thông, thành phố xác định đẩy nhanh tiến độ lập dự án đầu tư tuyến tránh Quốc lộ 1A phía Đông thành phố, các trục đường nối với đường Xuyên Á nhằm thúc đẩy tốc độ đô thị hóa ở các vùng vành đai thành phố. Hoàn thiện đường Lê Thánh Tông nối dài qua cầu Sông Hiếu kết nối hai bờ sông Hiếu. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đường Trần Bình Trọng; đường nối phường 2 - Đông Lễ - Đông Lương và các tuyến dọc sông Hiếu. Tập trung đầu tư xây dựng hoàn thành đường Nguyễn Trãi, Bà Triệu nối dài; đường Tân Sở, Hoàng Diệu, Trần Nguyên Hãn trước năm 2019 và nâng cấp, mở rộng đường Cồn Cỏ, Thạch Hãn, Nguyễn Hoàng. Tiến hành nâng cấp, mở rộng các tuyến đường khác theo đúng quy hoạch chung đã được phê duyệt; đầu tư xây dựng mới một số tuyến đường tạo kết nối vùng ven đô. Tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng nội vùng vành đai, ưu tiên mở một số tuyến đường trục quy hoạch quan trọng trong khu vực thuận tiện trong lưu thông và các tuyến phục vụ sản xuất để phát triển kinh tế- xã hội của khu vực. Xây dựng mạng lưới cấp nước cho khu vực vành đai đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Phấn đấu tỷ lệ được cấp nước sạch của vùng vành đai đạt trên 90%. Nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp nước sông Vĩnh Phước lên công suất 30.000 mét khối/ ngày. Từng bước đầu tư xây dựng mới nhà máy cấp nước Đông Hà lấy nguồn nước từ sông Hiếu với công suất dự kiến 60.000 mét khối/ngày. Hoàn thành dự án thoát nước, thu gom và xử lý nước thải thành phố từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (WB) trước năm 2018. Xây dựng hệ thống thoát nước, thu gom chính và trạm xử lý nước thải tại một số vị trí vùng vành đai; lập dự án cải tạo các hồ ở vùng vành đai; triển khai xây dựng hệ thống kè sông Hiếu, sông Thạch Hãn, sông Vĩnh Phước… nhằm đảm bảo khả năng tiêu thoát nước, môi trường và tạo cảnh quan sinh thái cho các vùng vành đai. Đối với hệ thống hạ tầng cấp điện, đầu tư xây dựng mới 1 trạm biến áp 220 KV - 250 MVA theo quy hoạch của ngành điện; xây dựng mới và nâng cấp các trạm biến áp 110KV theo quy hoạch; cải tạo một số tuyến phù hợp với quy hoạch và cải thiện nâng cao chất lượng cung cấp điện cho vùng vành đai thành phố… Để thực hiện, thành phố Đông Hà xác định kế hoạch đầu tư, nhu cầu và khả năng huy động nguồn vốn giai đoạn 2016 - 2020 và các giải pháp tổ chức thực hiện. Xác định nguyên tắc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên cho lĩnh vực giao thông để tạo kết nối và đầu tư tập trung hoàn thành từng công trình; đầu tư hạ tầng kỹ thuật tiên tiến, hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị trong tương lai; xây dựng công trình theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt; khuyến khích, thúc đẩy đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo hình thức xã hội hoá. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng vùng vành đai thành phố Đông Hà giai đoạn 2016 - 2020 là yêu cầu tất yếu, tác động đến nhiều mặt kinh tế - xã hội và thúc đẩy quá trình đô thị hoá, cân bằng tốc độ phát triển giữa các vùng trên địa bàn. Điều này không chỉ có ý nghĩa đưa Đông Hà trở thành đô thị loại II vào năm 2020 mà thành phố sẽ phát huy tốt hơn vai trò đô thị động lực, tạo mối liên kết chặt chẽ với các đô thị lân cận để hình thành chuỗi đô thị kết nối với Khu kinh tế Đông Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh và thành phố mời gọi đầu tư, hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, cùng với nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, rất cần sự quan tâm lãnh đạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi hơn nữa, đặc biệt là cơ chế, chính sách và ưu tiên bố trí các nguồn lực đầu tư của lãnh đạo tỉnh. Bài, ảnh: HUY NAM