Nhiều kiến nghị của cử tri, nhân dân cả nước gửi tới Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội
QĐND Online - Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Bùi Thị Thanh trình bày Báo cáo dự thảo về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, dự kiến khai mạc vào ngày 23-10 tới.

Nhiều kiến nghị của cử tri, nhân dân cả nước gửi tới Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội

QĐND Online - Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Bùi Thị Thanh trình bày Báo cáo dự thảo về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, dự kiến khai mạc vào ngày 23-10 tới.

Cử tri mong muốn cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính

Báo cáo nêu rõ: Chuẩn bị kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được hơn 2300 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội.

Nhìn chung, cử tri và nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, hoạt động giám sát của Quốc hội, đánh giá cao việc Chính phủ đã có nhiều giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì mức tăng trưởng khá, kiểm soát lạm phát, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển doanh nghiệp; đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút khách quốc tế, đầu tư nước ngoài...

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp và người dân phản ánh còn nhiều giấy phép con, một số quy định chậm đi vào cuộc sống; thủ tục thông quan hàng hóa xuất khẩu nhiều mặt hàng còn chậm. Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa, giảm các thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch; có chính sách đột phá tạo thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, hội nhập quốc tế.

Về phòng, chống tham nhũng, lãng phí và công tác cán bộ, cử tri và nhân dân thể hiện sự tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc quyết liệt đấu tranh phòng, chống chống tham nhũng, lãng phí, đã xét xử nghiêm các đối tượng liên quan trong các vụ án tham nhũng, thất thoát tài sản lớn của Nhà nước. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân phản ánh việc phát hiện tham nhũng chưa kịp thời, công tác tự kiểm tra, thanh tra chưa thực sự hiệu quả; hành vi tham nhũng tuy đã bị xử lý hành chính, kỷ luật nhưng ít bị xử lý hình sự; một số dự án lớn đầu tư thua lỗ, gây thất thoát lớn tài sản nhà nước nhưng chưa có có phương án giải quyết và xử lý kịp thời; kết quả thu hồi tài sản tham nhũng thấp; việc công khai tài sản, thu nhập của cán bộ còn hạn chế. Cử tri và nhân dân rất bức xúc về tình trạng lợi dụng quyền hạn làm trái quy định về công tác cán bộ; việc bổ nhiệm sai quy trình, thiếu và không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành và địa phương.

Phiên họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. Ảnh: TTXVN.

Cử tri và nhân dân đề nghị các cơ quan Đảng, Nhà nước ở các cấp, các ngành quyết tâm hơn nữa trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, kiên quyết xử lý những đảng viên, cán bộ, công chức có biểu hiện “suy thoái”, có hành vi tham nhũng, lãng phí, kể cả cán bộ đã nghỉ hưu hay chuyển công tác; xử lý nghiêm khắc đối với những cá nhân, tổ chức vi phạm; đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan hoàn thiện, sửa đổi quy định pháp luật có liên quan nhằm ngăn chặn những kẽ hở trong công tác tổ chức cán bộ; làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; phát huy hơn nữa vai trò của báo chí và nhân dân trong phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Cử tri và nhân dân đánh giá cao chủ trương của Nhà nước về việc triển khai đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân tại một số địa phương bức xúc và phản ánh về việc phê duyệt, đầu tư, quản lý và vận hành các trạm BOT giao thông còn nhiều bất cập. Nhiều người dân thể hiện thái độ không đồng tình trước việc đặt các trạm thu phí quá dày, không phù hợp, mức phí quá cao, không hợp lý; việc chỉ định thầu còn sai phạm, thiếu công khai, minh bạch... Do đó, cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải và chính quyền các địa phương khẩn trương thực hiện rà soát, thanh tra, kiểm tra và chấn chỉnh hoạt động của các dự án BOT giao thông; bảo đảm công khai, minh bạch trong đầu tư, hoạt động; nâng cao chất lượng quản lý nhà nước; khẩn trương đồng bộ hóa và áp dụng công nghệ thông tin trong thu phí để giảm thất thoát và tránh ùn tắc; nghiên cứu xây dựng và thực hiện cơ chế giám sát của nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện các dự án BOT giao thông.

Cử tri và nhân dân cũng lo lắng, hoang mang trước tình trạng thông tin sai lệch, xuyên tạc sự thật trên các trang mạng xã hội. Do đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành có liên quan tăng cường công tác quản lý an ninh mạng, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh những hành vi cố tình đưa tin sai sự thật, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng, xã hội; chủ động cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ để định hướng dư luận xã hội, tạo niềm tin trong nhân dân.

Giải quyết kiến nghị cử tri có chuyển biến khá rõ rệt

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nghe Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.

Theo đó, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 3 của Quốc hội, Ban Dân nguyện đã tiếp nhận hơn 2.800 kiến nghị cử tri từ 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố. Nội dung kiến nghị đề cập đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế- xã hội, từ chủ trương chính sách của Đảng đến những vấn đề đời sống hằng ngày của người dân. Đến nay, các cơ quan đã trả lời 100% kiến nghị của cử tri.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và các cơ quan liên quan đều rất tích cực, có trách nhiệm cao trong việc nghiên cứu, xem xét, giải quyết và trả lời đầy đủ các kiến nghị của cử tri. Nhiều Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo, ký văn bản trả lời kiến nghị cử tri.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh: Chính sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, trực tiếp như vậy nên có thể thấy rằng, chất lượng việc giải quyết kiến nghị cử tri tại kỳ họp này có một sự chuyển biến khá rõ rệt, những sai sót đáng tiếc như trả lời không đúng với nội dung câu hỏi mà cử tri nêu đã nêu tại báo cáo trước đã được khắc phục khá triệt để.

Tuy nhiên, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cũng lưu ý, việc giải quyết kiến nghị của cử tri về đấu tranh phòng, chống tham nhũng lãng phí vẫn còn bất cập; việc thực hiện công khai, minh bạch còn hình thức, nhất là công khai, minh bạch trong bổ nhiệm cán bộ, quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư và thu phí các dự án BOT, thu chi ngân sách cấp xã, phường ...; việc tiếp công dân, công khai lịch tiếp công dân của cơ quan và người đứng đầu cơ quan vẫn còn nhiều hạn chế.Đặc biệt, một số công chức có biểu hiện lạm quyền, quan liêu, vô cảm, gây bất bình trong Nhân dân, điển hình như vụ việc xin cấp giấy chứng tử tại UBND phường Văn Miếu (Hà Nội); vụ việc xảy ra tại xã Duyên Hà (Hà Nội); xã Yên Thịnh(Thanh Hóa); xã An Bình (Hải Dương),…liên quan đến việc chứng thực lý lịch để hoàn thiện hồ sơ nhập học, xin việc làm...

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị Thanh tra Chính phủ, thanh tra các cấp và thanh tra chuyên ngành cần xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra đạo đức công vụ của cán bộ công chức, đặc biệt quan tâm tới kiểm tra việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong công tác điều hành quản lý cũng như các thủ tục hành chính để bảo đảm quyền giám sát của nhân dân.

PHƯƠNG THẢO