Đưa no ấm về bản nghèo
(QT) - Là đại biểu trẻ nhất tham dự hội nghị biểu dương già làng, trưởng bản tiêu biểu của tỉnh Quảng Trị nhưng những cống hiến của Hồ Ê Nót (38 tuổi) thôn Ku Pua, xã Đakrông, huyện Đakrông lại rất đáng ngưỡng mộ. 10 năm làm trưởng bản, anh đã đưa bản Ku Pua trở thành một trong những miền quê văn minh nhất phía tây tỉnh Quảng Trị. Dân bản luôn ý thức xây dựng đời sống văn hóa, tuyệt nhiên nói không với rượu bia, tệ nạn xã hội. Đến thăm nhiều gia đình ở bản Ku Pua, chúng ta có thể bắt gặp những ...

Đưa no ấm về bản nghèo

(QT) - Là đại biểu trẻ nhất tham dự hội nghị biểu dương già làng, trưởng bản tiêu biểu của tỉnh Quảng Trị nhưng những cống hiến của Hồ Ê Nót (38 tuổi) thôn Ku Pua, xã Đakrông, huyện Đakrông lại rất đáng ngưỡng mộ. 10 năm làm trưởng bản, anh đã đưa bản Ku Pua trở thành một trong những miền quê văn minh nhất phía tây tỉnh Quảng Trị. Dân bản luôn ý thức xây dựng đời sống văn hóa, tuyệt nhiên nói không với rượu bia, tệ nạn xã hội. Đến thăm nhiều gia đình ở bản Ku Pua, chúng ta có thể bắt gặp những dòng chữ nắn nót viết bằng tiếng Kinh hoặc Vân Kiều: “Không uống rượu, gây gỗ, đánh nhau. Không trộm cắp, phá hoại tài sản chung”. Hỏi xuất xứ, ai cũng đon đả bảo: “Gia đình mình viết để nhắc nhau giữ gìn hạnh phúc. Trưởng bản bảo chỉ cần gia đình yên ấm, mọi người chăm chỉ làm ăn thì bản làng sẽ đổi mới”. Cứ như vậy, tiếp xúc càng nhiều người, chúng tôi càng ngạc nhiên khi nghe điệp khúc: “Trưởng bản bảo thế, khuyên thế, hướng dẫn thế”. Chỉ ngần ấy thôi cũng đủ để thấy người dân bản Ku Pua tôn trọng Hồ Ê Nót đến mức nào.

Anh Hồ Ê Nót hướng dẫn người dân làm các thủ tục pháp lý

Trước đây, đói nghèo bám riết cuộc sống dân bản Ku Pua. Bà con quanh năm gieo giọt mồ hôi trên nương nhưng vẫn rơi vào cảnh thiếu trước, hụt sau. Từ thực tế ấy, một số người nản chí, chẳng còn hứng thú làm ăn, bắt đầu nghe lời kẻ xấu xúi giục, sa đà vào rượu chè... Khiến anh Hồ Ê Nót rất trăn trở: “Phải tìm đường giúp dân bớt khổ. Có thế dân bản mới yêu thương nhau, tệ nạn xã hội cũng không còn”. Chàng trai trẻ Hồ Ê Nót lặn lội đến nhiều bản làng học hỏi kinh nghiệm xây dựng đời sống văn hóa, phát triển kinh tế. Về bản, anh quyết tâm giúp quê hương thay da, đổi thịt bắt đầu từ “những công việc nhỏ” như kêu gọi thanh niên giúp các hộ nghèo xoá nhà tạm; vận động góp gạo chăm sóc người tàn tật, neo đơn; đổi công lao động... Bên cạnh đó, anh còn hướng dẫn mọi người trồng lúa rẫy, trồng rừng, chăn nuôi, đan lát, làm chổi… để cải thiện thu nhập. Nhờ thế, bước đầu bà con đã thoát khỏi cảnh chạy gạo từng bữa. Trước đây, dân bản Ku Pua chưa nhận thức hết tầm quan trọng của các dự án triển khai trên địa bàn. Về phần mình, Hồ Ê Nót hiểu rằng, mỗi dự án là một cơ hội để bản làng thay da, đổi thịt, vì vậy anh vận động bà con tích cực hưởng ứng. Không chỉ “vác loa hô hào”, anh còn trực tiếp làm tình nguyện viên, cộng tác viên của các dự án. Một mình anh phân thân làm ba, bốn việc cùng lúc như Chi hội trưởng Chi hội y tế thôn bản, Tổ trưởng Tổ vay vốn, cộng tác viên dinh dưỡng, dân số… Nhờ thế, người trưởng bản trẻ có cơ hội giúp đỡ rất nhiều người dân. Để giữ gìn bình yên bản làng, Hồ Ê Nót cùng cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể đã dàn xếp, giải quyết nhiều vụ việc nổi cộm như chuyện tranh chấp đất đai giữa người dân thôn Làng Cát và Ku Pua; khuyên bảo và có biện pháp để xử lý những thanh niên quậy phá, chặn xe “xin đểu” người qua đường; cảnh cáo các đối tượng ở nơi khác dùng xung điện đánh bắt cá... Đặc biệt, trưởng bản Hồ Ê Nót còn tiên phong trong việc giúp đỡ các gia đình khó khăn. Anh chia năm, xẻ bảy đồng lương để ủng hộ bà con tiền mua thuốc, góp gạo giúp hộ nghèo, thưởng cho học sinh giỏi... Lâu nay, bà con bản Ku Pua gặp khá nhiều khó khăn khi làm thủ tục để hưởng chế độ chính sách do không biết chữ. Vì vậy, anh tận tình giúp đỡ bà con hướng dẫn từng công việc cụ thể. Thậm chí, trưởng bản trẻ còn bỏ tiền túi để phô tô giấy tờ, đổ xăng chở bà con về xã. 10 năm đảm nhiệm cương vị trưởng bản, anh Hồ Ê Nót nếm trải khá nhiều vất vả. Tuy nhiên, người trưởng bản trẻ không nề hà. Niềm vui lớn nhất của anh là bản Ku Pua được đánh giá là một trong những bản làng văn minh nhất ở phía tây tỉnh Quảng Trị. Đặc biệt, mới đây, bản được Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh công nhận danh hiệu “Khu dân cư tiên tiến”. Bài, ảnh: Q.H