Những thương binh “tàn nhưng không phế”
(QT) - Họ đã từng để lại một phần xương máu trên chiến trường để bảo vệ Tổ quốc hoặc làm nghĩa vụ quốc tế. Trở về đời thường, vượt qua nỗi đau của vết thương trên cơ thể, những người CCB- thương binh ấy tiếp tục chiến thắng đói nghèo, trở thành những điển hình tiêu biểu trong phong trào phát triển sản xuất, xây dựng quê hương. “Đầu tàu” trong phát triển kinh tế Người dân thôn 5, xã Hải Thiện (Hải Lăng, Quảng Trị) thường xem CCB, thương binh 4/4 Đặng Bá Trá là “đầu tàu” trong phát triển kinh ...

Những thương binh “tàn nhưng không phế”

(QT) - Họ đã từng để lại một phần xương máu trên chiến trường để bảo vệ Tổ quốc hoặc làm nghĩa vụ quốc tế. Trở về đời thường, vượt qua nỗi đau của vết thương trên cơ thể, những người CCB- thương binh ấy tiếp tục chiến thắng đói nghèo, trở thành những điển hình tiêu biểu trong phong trào phát triển sản xuất, xây dựng quê hương. “Đầu tàu” trong phát triển kinh tế Người dân thôn 5, xã Hải Thiện (Hải Lăng, Quảng Trị) thường xem CCB, thương binh 4/4 Đặng Bá Trá là “đầu tàu” trong phát triển kinh tế. Nhập ngũ năm 1978, chiến đấu ở chiến trường Campuchia, hơn 10 năm tham gia trong quân ngũ, do hoàn cảnh gia đình khó khăn cùng với những thương tật trên cơ thể, ông Trá xuất ngũ năm 1990. Trở về quê hương ông quyết tâm đưa kinh tế gia đình đi lên bằng nỗ lực của bản thân. Xác định lúa là cây trồng chủ lực, ngoài diện tích được HTX cấp hơn 1 mẫu, ông nhận thêm hơn 2 mẫu ruộng hoang rồi cải tạo trồng lúa. Số thóc thu được hàng năm từ 3 mẫu ruộng, một phần bán ra bù đắp chi phí sản xuất, phần còn lại ông dùng để chăn nuôi thêm lợn, gà, vịt để cải thiện thu nhập. Ngoài ra, ông Trá còn đấu hơn 1 mẫu đất màu để trồng lạc, đậu xanh, vừng, ngô… Có thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, ông Trá chung vốn để sắm các máy móc phục vụ sản xuất như máy cày, máy tuốt lúa và máy gặt đập liên hợp .

Ông Nguyễn Linh Mục chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ xã Triệu Trung, (Triệu Phong).

Nhận thấy giống gà địa phương dễ thích nghi, có thể tận dụng nguồn thức ăn trong sản xuất nông nghiệp, ban đầu ông thu mua gà con tại địa phương đem về chăn nuôi. Thực hiện tiêm phòng đầy đủ, chế độ ăn thích hợp nên đàn gà lớn rất nhanh, tiêu thụ khá dễ dàng trên thị trường. Những lứa tiếp theo, ông Trá mở rộng quy mô chăn nuôi, trung bình 150- 200 con/lứa, mỗi năm khoảng 3 lứa, đem lại nguồn thu nhập khá cao từ 45-50 triệu đồng/năm. Để chủ động nguồn giống, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của dịch bệnh, ông đã nuôi thêm 12 gà mái đẻ để cung cấp con giống thường xuyên. Theo ông Trá, yếu tố quan trọng nhất trong chăn nuôi gà đàn chính là môi trường và chủ động phòng chống dịch bệnh. Không chỉ làm giàu cho mình, với vốn kinh nghiệm tích lũy được, ông Trá đã đứng ra thành lập tổ chăn nuôi gà ngay tại xóm rồi vận động những CCB, các hộ nông dân còn gặp khó khăn tham gia. Tại đây, các thành viên đều được ông tận tình truyền thụ kinh nghiệm, phương pháp chăn nuôi, hỗ trợ con giống, cách phòng trừ dịch bệnh…Đến nay, tổ chăn nuôi do ông Trá phụ trách đã có 6 thành viên, các hộ tham gia đều chăn nuôi gà thành công với quy mô từ 150- 200 con /lứa. Việc đứng ra thành lập tổ sản xuất giống lúa ngay tại HTX cũng là một sáng kiến của ông Trá được bà con xã viên đồng tình hưởng ứng. Ông Trá tích cực sưu tầm, đưa vào sản xuất nhiều giống lúa mới, ngắn ngày, chất lượng cao nhằm tránh lũ sớm. Trên 3 mẫu ruộng của gia đình, ông tự tìm kiếm đưa vào sản xuất thử nghiệm 8 giống lúa mới chất lượng cao khác nhau. Sau mỗi vụ sản xuất, ông chọn những giống mới phù hợp rồi vận động các hộ xã viên khác cùng tập trung sản xuất. Nhờ vậy, những vùng sản xuất giống nhân dân đã hình thành ngay tại địa phương với các giống lúa mới như: RVT, OMO 06976, TH3-3... Với cách làm sáng tạo này, tổ sản xuất giống do ông phụ trách luôn là địa chỉ tin cậy cung cấp các nguồn giống mới cho nông dân trên địa bàn, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân. Ông Trá cho biết: “Nông dân làm giàu không dễ, nhất là đối với vùng trũng như xã Hải Thiện. Thời gian tới tôi dự định sẽ đấu thêm 2 ha đất cát để mở rộng quy mô trang trại chăn nuôi gà, lợn, đưa thu nhập gia đình vượt con số 300 triệu đồng/năm như hiện nay. Tiếp tục mở rộng vùng sản xuất giống nhân dân và nhân rộng mô hình chăn nuôi gà đàn tại địa phương”. Sống hết mình với đồng đội Chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Linh Mục, thôn Thanh Lê (Triệu Trung, Triệu Phong), ngôi nhà nhỏ nằm khép mình bên nghĩa trang liệt sĩ xã Triệu Trung. Hơn 30 năm ông tự nguyện gắn bó với công việc quản trang chỉ với duy nhất một lý do: “Cũng là một người lính, còn sống là may mắn hơn các đồng đội khác nên tôi làm được gì cho đồng đội thì cố gắng làm, xem như trả một phần ân tình với người đã khuất”. Là người lính trở về sau chiến tranh, mang nhiều vết thương trên cơ thể và bị nhiễm chất độc da cam nhưng với ý chí, tình yêu cuộc sống và lòng tri ân với đồng đội, ông Mục đã vượt qua mọi khó khăn, làm tròn vai trò một quản trang tự nguyện trên 30 năm. Năm 1983, ông đảm nhận công việc quản trang tại nghĩa trang liệt sĩ xã. Để thuận tiện cho việc chăm sóc phần mộ đồng đội, ông đưa vợ con chọn mảnh đất hoang ngay cạnh nghĩa trang để dựng ngôi nhà nhỏ. “Giữa đồng hoang, xung quanh chẳng có ai ngoài những nấm mộ, thiếu thốn mọi thứ từ điện thắp sáng, nước sinh hoạt…nhưng tôi quyết tâm ở lại, động viên vợ con cùng chung sức vượt qua khó khăn để hàng ngày hương khói cho các anh”, ông Mục nhớ lại. Những công việc tưởng chừng đơn giản như quét dọn, lau chùi các phần mộ, cắt cỏ, tỉa cây, tưới nước, hương khói ngày rằm, lễ, tết…nhưng cũng khiến người thương binh này tất bật từ sáng đến tối. Không chỉ chăm lo chu đáo cho phần mộ các đồng đội, những thân nhân liệt sĩ từ Bắc vào Nam đến viếng thăm hay cất bốc mộ đều được ông Mục chỉ dẫn tận tình. Ngôi nhà nhỏ nằm cạnh nghĩa trang của ông cũng trở thành nơi dừng chân cho rất nhiều thân nhân liệt sĩ. Những khi có người nhỡ xe, nhỡ tàu, ông đều ân cần mời ở lại nhà rồi bảo vợ con tiếp đãi cơm nước chu đáo. Ông làm công tác quản trang hoàn toàn tự nguyện, không nhận một sự trợ cấp nào từ chính quyền địa phương. Ông Mục cho biết: “Để chuyên tâm với việc quản trang, vợ chồng tôi xoay đủ nghề để kiếm sống. Ngoài mấy sào ruộng phần của gia đình, tôi nhận thêm phần đất cạnh nghĩa trang để trồng thêm hoa màu, cây ăn quả để cải thiện thu nhập. Từ năm 1992, nhận thấy nhu cầu của thị trường đối với các loại cây cảnh rất lớn, tôi vay vốn rồi đi khắp nơi sưu tầm, mua các loại cây cảnh đem về tạo dáng phù hợp để bán”. Với bàn tay khéo léo cộng với cái duyên với nghề làm cây cảnh, nhiều người sành chơi cây đã tìm đến với khu vườn nhỏ của ông. Đến nay, khu vườn cây cảnh của ông Mục đã có hàng trăm gốc khác nhau với rất nhiều giống cây cảnh quý như: mai, sanh, si, đào, lộc vừng..., nhiều cây đã vài chục năm tuổi. Những ngày này, ông Mục càng bận rộn hơn với nhiều công việc ở nghĩa trang. Nhìn dáng ông miệt mài chăm sóc từng phần mộ, chúng tôi chợt hiểu ra một điều, tất cả những việc ông làm cho các đồng chí, đồng đội, cho gia đình đều xuất phát từ nghị lực của một CCB, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”. Bài, ảnh: LỆ NHƯ