Phát huy truyền thống, đoàn kết, sáng tạo, chung tay xây dựng quê hương Cam Lộ phát triển giàu đẹp
* NGUYỄN CÔNG PHÁN, TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ (Quảng Trị)
 |
Sau ngày quê hương giải phóng, đất nước thống nhất, Đảng bộ và nhân dân huyện Cam Lộ ra sức thi đua bảo vệ thành quả cách mạng và hăng hái lao động sản xuất, tái thiết quê hương. Do điều kiện của tình hình lúc bấy giờ, nên Đảng và Nhà nước quyết định sáp nhập Cam Lộ vào huyện Bến Hải và sau đó là thị xã Đông Hà. Đến năm 1991, trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước, thực hiện Quyết định số 328-QĐ/HĐBT ngày 19/10/1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về việc điều chỉnh địa giới hành chính thị xã Đông Hà và thành lập lại huyện Cam Lộ, ngày 1/12/1991, cán bộ và nhân dân Cam Lộ long trọng tổ chức lễ ra mắt lập lại huyện trong niềm hân hoan, xúc động của đồng chí, đồng bào. Cam Lộ lúc bấy giờ là một huyện ở miền trung du của tỉnh, với tiềm năng thế mạnh không lớn, cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh còn thấp kém, trình độ dân trí thấp và không đồng đều, tình trạng đói nghèo ở mức cao, hậu quả của chiến tranh để lại nặng nề, nên đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Trong điều kiện bộn bề công việc và những khó khăn thách thức của những ngày đầu lập lại huyện, một lần nữa, kế thừa truyền thống đoàn kết, sáng tạo, khí phách kiên cường, anh dũng trong kháng chiến, Đảng bộ, quân và dân Cam Lộ đã vượt lên tất cả, tập trung huy động mọi nguồn lực, chung tay xây dựng huyện nhà ngày càng phát triển. Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X (năm 1992) xác định: “Để xây dựng và phát triển kinh tế- xã hội, đưa huyện nhà từng bước đi lên, chúng ta phải nỗ lực toàn diện với quyết tâm cao, khắc phục khó khăn, tranh thủ thuận lợi, vừa phục hồi kinh tế, vừa củng cố và xây dựng đổi mới, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế- xã hội những năm tiếp theo...”. Từ những định hướng cơ bản đó, nhiều chủ trương, nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội, củng cố quốc phòng- an ninh, xây dựng hệ thống chính trị được ra đời và đi vào cuộc sống. Các đề án phát triển sản xuất, kinh doanh, mở mang ngành nghề, dịch vụ, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần và ổn định chính trị, xã hội đã được xây dựng và triển khai sâu rộng trong các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư, tạo nên phong trào hành động cách mạng mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân. Hai mươi năm đã đi qua, từ một huyện có điểm xuất phát thấp, Đảng bộ, quân và dân Cam Lộ đã tập trung kiến thiết, dựng xây cho quê hương thay da đổi thịt, cảnh sắc làng quê ngày thêm tươi mới. Những vùng đất trống, đồi núi trọc ở Cam Thuỷ, Cam Tuyền, Cùa, Tân Lâm giờ đã bát ngát màu xanh sự sống, gợi nhớ một thuở “chân đồng, chân đồi”, “ly hương bất ly nông”, trăn trở, lăn lộn đánh thức tiềm năng, thế mạnh của quê hương. Giờ đây, người nông dân Cam Lộ không chỉ làm ra lượng lương thực đủ ăn mà nhiều người còn biết làm giàu với những mô hình cây con đa dạng, có giá trị hàng hoá cho thu nhập cao, đời sống ngày thêm khá giả. Hình ảnh một thời những mái tranh, vách đất, những con đường làng nắng bụi, mưa lầy, những lớp học ba ca “ tranh, tre, nứa, lá”, những tháng ngày đói ăn thiếu mặc... đang dần lùi vào quá khứ. Công nghiệp- TTCN, ngành nghề, dịch vụ được chú trọng quy hoạch và từng bước hình thành, đem lại diện mạo mới cho nền kinh tế của huyện, hứa hẹn một sự bứt phá mạnh mẽ trong nay mai.
 |
Một góc thị trấn Cam Lộ - Ảnh: AV |
Những thành quả đó thấm đẫm mồ hôi, công sức và gắn liền với sự chung tay đóng góp đầy sức sáng tạo của mỗi người dân cho mảnh đất này. Tất cả hoà quyện vào nhau tạo nên bức tranh sống động, những dấu ấn tuyệt vời về một vùng quê có bề dày lịch sử văn hóa đang vươn mình trỗi dậy mạnh mẽ. Cho đến hôm nay, chúng ta có thể tự hào về chặng đường nỗ lực, phấn đấu đã qua với những thành tựu rất đáng ghi nhận của Đảng bộ và nhân dân Cam Lộ: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm trên 10%; tốc độ tăng thu ngân sách trên địa bàn đạt 14,8%/ năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt 11 triệu đồng, gấp 5,9 lần năm 1992. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 16,3%. Bằng nhiều nguồn vốn đầu tư của trung ương, địa phương và huy động sự đóng góp của nhân dân, bình quân hàng năm trên địa bàn đầu tư gần 100 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh, với các công trình có ý nghĩa quan trọng như: Công trình thuỷ lợi Đá Mài, Tân Kim, đường liên xã Cam Thanh-Cam An, Cam Tuyền, Cam Thuỷ, đường nội thị, chợ Phiên, Bệnh viện đa khoa huyện, bê tông hoá giao thông nông thôn, kiên cố hoá trường học, an toàn hồ chứa, tái định cư vùng sụt lún đất... Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp từng bước phát triển khá toàn diện, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hoá theo hướng đa dạng, bền vững. Các địa phương từng bước khai thác hợp lý và hiệu quả tiềm năng, lợi thế, đưa diện tích và sản lượng cây trồng tăng lên đáng kể: Lạc 1.050 ha, gấp 5,5 lần so với năm 1992; cao su 3.296 ha, tăng gấp 18,3 lần; hồ tiêu 404 ha, tăng 2,5 lần; cây lâm nghiệp 18.500 ha tăng 6,2 lần, sắn nguyên liệu trên 1.000 ha, và nhiều loại cây trồng, vật nuôi khác có giá trị đang được đầu tư phát triển. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn được chuyển dịch theo hướng tích cực với chủ trương đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi, với nhiều mô hình kinh tế trang trại, gia trại, ngành nghề, dịch vụ, làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người nông dân, đem lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao. Công thương nghiệp có bước phát triển khá, đã và đang hình thành các cụm công nghiệp-dịch vụ, góp phần khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên và lợi thế trên địa bàn… Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” lồng ghép với các phong trào, cuộc vận động khác trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Đến nay, có 100% thôn, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị trường học, 100% xã, thị trấn phát động xây dựng đơn vị văn hoá, trong đó đã có trên 70% đơn vị được công nhận văn hoá. Bên cạnh đó, các thiết chế văn hoá cũng được đầu tư với gần 70% làng, bản, khu phố có trung tâm sinh hoạt văn hoá, học tập cộng đồng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, góp phần đẩy lùi tệ nạn trong xã hội, thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển. Sự nghiệp giáo dục, đào tạo có những tiến bộ vượt bậc. Chất lượng giáo dục toàn diện ở các bậc học ngày càng được nâng cao, cơ sở vật chất được chú trọng đầu tư xây dựng theo hướng chuẩn quốc gia với 85% trường học được kiên cố, cao tầng, góp phần quan trọng vào nâng cao dân trí và đào tạo nguồn nhân lực cho quá trình phát triển. Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân được chú trọng nâng cao về chất lượng. Mạng lưới y tế, cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị từ huyện đến xã được đầu tư đảm bảo điều kiện phục vụ chăm sóc và khám chữa bệnh cho nhân dân. Các chính sách an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa được quan tâm chăm lo, góp phần giải quyết các vấn đề bức xúc của địa phương. Quốc phòng-an ninh được củng cố, tăng cường, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội giữ vững ổn định. Hệ thống chính trị không ngừng được củng cố và kiện toàn. Đảng bộ huyện đã phát triển cả về chất lượng và số lượng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đảng viên. Đặc biệt, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với phong trào thi đua yêu nước được cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân tích cực hưởng ứng và triển khai thực hiện, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tư tưởng và hành động cách mạng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần đẩy lùi suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, xây dựng đảng trong sạch vững mạnh, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh của địa phương. Chặng đường 20 năm xây dựng, phát triển và những thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân Cam Lộ gặt hái được là sự tiếp nối truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết vượt qua khó khăn thử thách, vững bước đi lên, khẳng định bản lĩnh vững vàng trước gian khó và khả năng vươn lên bằng nội lực của chính mình trong sự quan tâm, ưu ái của lãnh đạo tỉnh, của đồng chí, đồng bào. Những thành tựu đó là tiền đề cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, chiến sĩ các lực lượng vũ trang nhân dân trong toàn huyện tiếp tục nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, chung sức, chung lòng thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIV đề ra: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế, huy động mọi nguồn lực tạo sự phát triển toàn diện và bền vững”. Đồng thời phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, khơi dậy tiềm năng sáng tạo, huy động sức dân, chung tay xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu, hăng hái đóng góp công sức, ý tưởng để xây dựng quê hương Cam Lộ phát triển giàu đẹp.