Giữ vững danh hiệu huyện điển hình về văn hóa
(QT) - Xác định rõ Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa VIII có ý nghĩa sâu sắc trong chiến lược phát triển văn hóa thời kỳ đổi mới của đất nước, là nền tảng, nhân tố quyết định việc nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, vừa là mục tiêu phát triển xã hội, trên cơ sở thành quả 5 năm (1998 – 2003) thực hiện cuộc vận động xây dựng “làng văn hóa, gia đình văn hóa”, năm 2003, Ban Thường vụ Huyện ủy Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã ban hành Nghị quyết chuyên đề 08/ QĐ về việc đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở”. Đồng thời với việc quán triệt nghị quyết của Đảng, UBND huyện đã xây dựng đề án theo mô hình đơn vị điển hình về văn hóa để cụ thể hóa nghị quyết của Đảng đến với nhân dân và được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng và nâng cấp các thiết chế văn hóa cơ sở, các cấp ủy đảng, chính quyền đã vận động nhân dân xã hội hóa công tác văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, đồng thời có kế hoạch đầu tư các công trình văn hóa trọng điểm; ưu tiên nguồn vốn xây dựng các thiết chế văn hóa. Huyện đã có chủ trương “đổi đất lấy công trình” để tạo điều kiện cho một số địa phương xây dựng các công trình văn hóa, tôn tạo các công trình văn hóa lịch sử... Một điều đáng phấn khởi là nhân dân trong toàn huyện đã đồng lòng, chung sức xây dựng các thiết chế để phục vụ cho các hoạt động văn hóa, thể thao.
 |
Biểu dương làng văn hóa, đơn vị văn hóa xuất sắc |
Đến nay, Vĩnh Linh có 193/195 thôn, bản, khóm, phố có nhà văn hóa, 175 câu lạc bộ văn nghệ, 30 câu lạc bộ gia đình, 5 câu lạc bộ thơ ở 5 xã, thị trấn và 1 câu lạc bộ thơ ở huyện. 195 làng, bản, khóm phố đều có đội bóng đá và bóng chuyền. Vào dịp lễ tết hàng năm trên khắp địa bàn toàn huyện thường tổ chức các hoạt động, các trò chơi thể thao, văn hóa dân gian như: Đẩy gậy, kéo co, nhảy bao bố, chạy cù, đặc biệt là lễ hội đua thuyền truyền thống được tổ chức vào sáng ngày mồng 4 tết hàng năm tại bến cá Cửa Tùng. Các bộ môn như bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, đi bộ... được nhiều người yêu thích. Số người thường xuyên luyện tập thể dục thể thao chiếm trên 35%. Nhà văn hoá đã trở thành nơi hội tụ của các hoạt động văn hoá tinh thần, giáo dục truyền thống, tác động tích cực đến việc xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh ở các địa phương. 101 cổng chào, 165 sân luyện tập thi đấu thể thao, nhà thi đấu và luyện tập thể thao huyện được xây dựng kiên cố, khang trang trở thành điểm văn hóa nổi bật của Vĩnh Linh, thu hút đông đảo nhân dân đến tập luyện. Mỗi năm, Vĩnh Linh tổ chức hàng chục giải bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, đua thuyền truyền thống và tham gia các giải thi đấu do tỉnh tổ chức. Bên cạnh đó, MTTQVN huyện triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trong giai đoạn mới kết hợp với phong trào xây dựng nông thôn mới. Qua phong trào xây dựng đời sống văn hóa đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến trong các lĩnh vực đời sống xã hội. Vĩnh Linh đã sáng lập giải thưởng “Bông sen hồng” để tôn vinh những người “Học hay - Làm sáng tạo - Sống văn hóa”, từ năm 2008 đến nay đã tổ chức 7 lần trao thưởng, tôn vinh 257 cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập, công tác, lao động sản xuất, khơi dậy phong trào thi đua yêu nước, khuyến học, khuyến tài trên địa bàn huyện. Toàn huyện hiện có 191/195 làng, bản, khóm phố, 99 cơ quan, đơn vị, trường học đã được công nhận là đơn vị văn hoá các cấp, trong đó có 82 làng, bản, khóm phố, cơ quan, trường học được công nhận là đơn vị văn hoá xuất sắc cấp tỉnh, 21.282 hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá, chiếm tỉ lệ 87%. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển, giữ vững ổn định quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Tổng giá trị sản xuất hàng năm của huyện Vĩnh Linh đạt hơn 2.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 15,4%. Cơ cấu nền kinh tế đã có sự chuyển dịch đúng hướng theo hướng giảm dần tỷ trọng nhóm ngành nông - lâm - ngư nghiệp; tăng dần tỷ trọng nhóm ngành công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ qua các thời kỳ. Tổng số lao động trong độ tuổi qua đào tạo 15.964 người, chiếm 40% tổng số lao động trên địa bàn. Đặc biệt, số lao động có trình độ đại học, cao đẳng 4.789/15.964 người, chiếm 30%. Văn hoá đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế- xã hội, mức sống người dân ngày càng được cải thiện đáng kể. Thu nhập bình quân đầu người tăng lên, năm 2013 đạt 24 triệu đồng/người. Công tác giáo dục, y tế được chú trọng. Đến nay, Vĩnh Linh có 43/71 trường học đạt chuẩn quốc gia, 12 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Nhờ sự chỉ đạo sát đúng của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, cuộc vận động xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa đã trở thành phong trào hành động cách mạng mạnh mẽ, sâu rộng trong toàn huyện. Nhân dân đã có nhiều đóng góp to lớn cả về vật chất và tinh thần trong xây dựng quê hương, tạo nên cảnh quan môi trường của nông thôn mới đầy khởi sắc. Tổng kinh phí đầu tư cho xây dựng các thiết chế văn hóa trong toàn huyện đã lên đến trên 50 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 25 tỷ đồng. Hàng năm, mỗi địa phương đầu tư từ 30-100 triệu đồng để tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao. Nghị quyết 08/NQ của Đảng bộ huyện về “Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở”, đã thu được những thành quả đáng phấn khởi. Đã tập hợp được quần chúng nhân dân tham gia vào các đợt sinh hoạt chính trị lớn, phát huy tinh thần làm chủ trong mỗi cá nhân, cộng đồng, thu hút nhiều nguồn lực trong xã hội quan tâm hỗ trợ đến văn hóa làng, xã. Phong trào thi đua phát triển kinh tế gia đình đang được nhân rộng. Thông qua việc điều hành theo hương ước của làng nên trật tự, kỷ cương được giữ vững, an ninh chính trị ổn định, các tệ nạn xã hội, hành vi tiêu cực được ngăn chặn kịp thời. Việc cưới, việc tang được thực hiện theo nếp sống văn minh, tiết kiệm. Các hoạt động tình nghĩa ngày càng được quan tâm hơn. Tình làng nghĩa xóm trong mỗi gia đình, mỗi cộng đồng ngày càng gắn bó hơn... Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở” đã góp phần quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Năm 2011, Vĩnh Linh vinh dự được UBND tỉnh công nhận đơn vị điển hình về văn hóa. Trên bước đường đổi mới và phát triển, Vĩnh Linh quyết tâm xây dựng huyện phát triển vững mạnh toàn diện về mọi mặt, giữ vững danh hiệu điển hình về văn hóa, xứng đáng với truyền thống của quê hương 3 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng . Bài, ảnh: PHƯƠNG MAI