Phát triển kinh tế gia đình từ mô hình lúa, cá và chăn nuôi
Cam Thanh, một xã vùng trũng của huyện Cam Lộ, cuộc sống của những người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên hai vụ sản xuất chính đông xuân và hè thu đều gặp khó khăn, mùa nắng khô hạn, mùa mưa ngập úng nên từ trước đến nay mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn rất hạn chế.  Trước thực trạng nêu trên, ông Hồ Văn Dương, hội viên Hội Nông dân xã Cam Thanh đã trăn trở và muốn tìm cho mình một hướng làm ăn có hiệu quả.   Được sự giúp đỡ của hội Nông dân huyện Cam Lô, ông Dương đã ...

Phát triển kinh tế gia đình từ mô hình lúa, cá và chăn nuôi

Cam Thanh, một xã vùng trũng của huyện Cam Lộ, cuộc sống của những người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên hai vụ sản xuất chính đông xuân và hè thu đều gặp khó khăn, mùa nắng khô hạn, mùa mưa ngập úng nên từ trước đến nay mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn rất hạn chế. Trước thực trạng nêu trên, ông Hồ Văn Dương, hội viên Hội Nông dân xã Cam Thanh đã trăn trở và muốn tìm cho mình một hướng làm ăn có hiệu quả. Được sự giúp đỡ của hội Nông dân huyện Cam Lô, ông Dương đã có dịp đi tham quan các mô hình cá- lúa ở các tỉnh phía Bắc, đồng thời có sự hỗ trợ của Sở Thủy sản, Trung tâm khuyến ngư và Trung tâm dạy nghề cho nông dân về kỹ thuật nuôi cá nước ngọt, năm 2006 ông mạnh dạn vay vốn 20 triệu đồng đầu tư thuê máy húc, đắp đê trên diện tích 7 ha đất bỏ hoang nhiều năm do ngập úng. Ông đã xây dựng chuồng lợn khép kín, dùng chế phẩm EM ủ lên men chất thải làm thức ăn cho cá. Sau gần 1 năm lao động cật lực kết quả mang lại chưa cao, ông vẫn kiên trì vừa làm vừa học hỏi và đúc rút kinh nghiệm. Điều quan trọng ông nhận ra trong quá trình trồng trọt và chăn nuôi là khâu giống, ông tìm đến cơ sở giống lợn và cá chất lượng cao, mua thức ăn ở các cơ sở có uy tín trong tỉnh. Năm 2007, nhờ chăn nuôi cách ly và đảm bảo môi trường vệ sinh nên gia đình ông Dương đã xuất chuồng 3 lứa lợn, mỗi lứa 120 con trong đó 2 lứa đầu lãi ròng 30 triệu đồng, riêng lứa thú 3 giá cả biến động do dịch bệnh tai xanh nên không có lãi. Về thu hoạch cá, nhờ tận dụng thức ăn từ chất thải của lợn nên đã cho nguồn thu khá lớn, khoảng 50 triệu đồng. Để sản xuất lúa 2 vụ đạt hiệu quả, ông Dương đã làm tốt đê bao chắc chắn, ngoài ra tận dụng những phụ phẩm từ lợn thải ra để làm tốt thêm đồng ruộng và giảm được 60% các chi phí. Tính bình quân mỗi ha, năng suất lúa đạt 6 tấn/ vụ, tổng thu nhập trên diện tích đồng ruộng của ông lên đến hàng trăm triệu đồng. Từ mô hình lúa- cá- lợn của ông Hồ Văn Dương, nhiều hội viên nông dân các xã khác đã tìm đến học hỏi kinh nghiệm. Ông đã nhiệt tình giúp đỡ, đến nay trên cánh đồng trũng đã có 20 hộ tham gia cải tạo khoảng 30 ha theo mô hình lúa- cá. Theo ông Hồ Văn Dương, mô hình lúa- cá- kết hợp chăn nuôi lợn phù hợp với nhiều địa phương trên địa bàn Quảng Trị, với cách làm này gia đình ông và một số hộ nông dân ở xã Cam Thanh đã thoát được nghèo và vươn lên phát triển kinh tế bền vững. Ngân Hoa