QĐND - APEC sắp bước vào thập kỷ thứ tư của quá trình phát triển trong bối cảnh thế giới đang nỗ lực thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững đến năm 2030. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là công nghệ số, đang làm thay đổi bức tranh kinh tế toàn cầu. Công nghệ đang làm cho nhân loại trở nên gắn kết hơn, tạo nhiều cơ hội phát triển hơn, song cũng tạo ra không ít thách thức...
Trong một thế giới toàn cầu hóa đầy biến động và châu Á-Thái Bình Dương đang chuyển mình mạnh mẽ, APEC đang phải đối mặt với những thách thức to lớn. Hội nghị lần thứ 25 các nhà lãnh đạo kinh tế APEC tiếp tục là dịp để lãnh đạo các nền kinh tế thành viên thảo luận cách thức và giải pháp vượt qua những khó khăn đang cản trở sự phát triển của khu vực và thế giới, qua đó phát huy thế mạnh của APEC như là nơi khởi xướng ý tưởng, đồng thời kiến tạo một diễn đàn vì người dân, vì doanh nghiệp, góp phần duy trì châu Á-Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng và liên kết toàn cầu.
Hội nghị bàn về việc hoàn thành mục tiêu Bô-go vào năm 2020. Ảnh: TTXVN
Trải qua gần 3 thập niên hình thành, phát triển và 23 năm thực hiện các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư, APEC đã đạt được những thành tựu rất nổi bật trong phát triển kinh tế ở khu vực. Những nỗ lực của APEC trong việc thực hiện 3 trụ cột hợp tác về tự do hóa thương mại và đầu tư, thuận lợi hóa kinh doanh và hợp tác kinh tế - kỹ thuật đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế ở châu Á-Thái Bình Dương. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2000-2015, tổng kim ngạch thương mại của APEC đã tăng 2,5 lần, từ 6,4 nghìn tỷ USD lên 16,5 nghìn tỷ USD; thuế quan trung bình đã giảm hơn một nửa, từ 11% năm 1996 xuống còn 5% năm 2015. Đây là những con số sinh động khẳng định thành công và vai trò quan trọng của APEC trong 28 năm qua, góp phần đưa hàng triệu người thoát cảnh đói nghèo.
Thế nhưng, hiện nay, sự hoài nghi về toàn cầu hóa và lợi ích của thương mại tự do đang nổi lên ở một số nơi trên thế giới. Mốc thời gian 2020 lại đang đến gần đòi hỏi việc đẩy nhanh thực hiện các Mục tiêu Bogor càng trở nên cấp thiết hơn. Do đó, Hội nghị lần thứ 25 các nhà lãnh đạo kinh tế APEC chính là thời điểm để các nền kinh tế thành viên đưa ra thông điệp khẳng định tiếp tục cam kết duy trì mở cửa thị trường, đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực và ủng hộ một tiến trình toàn cầu hóa mới tiến bộ hơn. Không những vậy, đây còn là cơ hội nhằm tiếp tục định hình Tầm nhìn của APEC sau năm 2020 mà quá trình thảo luận vốn đã được chính thức khởi động tại Hội nghị lần thứ 24 các nhà lãnh đạo kinh tế APEC diễn ra tại Peru hồi năm ngoái. Tầm nhìn đó cần xác định rõ các mục tiêu, hướng đi dài hạn và các trụ cột hợp tác cho diễn đàn trong 10-15 năm tới. Việc phát huy tinh thần hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, tự nguyện và không ràng buộc là cần thiết để bảo đảm sự năng động, tính hấp dẫn của diễn đàn trong một khu vực rất đa dạng về lịch sử, văn hóa và trình độ phát triển. Cùng với đó, vai trò dẫn dắt của APEC trong tiến trình định hình cấu trúc cũng như quản trị khu vực và toàn cầu cần được định rõ. Chỉ có như vậy mới đem lại cho APEC một giá trị và vai trò mới trong cấu trúc kinh tế khu vực và toàn cầu đang thay đổi.
APEC sắp bước vào thập kỷ thứ tư của quá trình phát triển trong bối cảnh thế giới đang nỗ lực thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững đến năm 2030. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là công nghệ số, đang làm thay đổi bức tranh kinh tế toàn cầu. Công nghệ đang làm cho nhân loại trở nên gắn kết hơn, tạo nhiều cơ hội phát triển hơn, song cũng tạo ra không ít thách thức. Quá trình liên kết kinh tế sâu rộng và sự thay đổi công nghệ, đặc biệt là tự động hóa và trí tuệ nhân tạo, đang làm thay đổi diện mạo các ngành nghề nhanh hơn khả năng tự điều chỉnh của các nền kinh tế. Bên cạnh đó, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và già hóa dân số đặt ra những yêu cầu mới đối với tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực. Cùng với đó, xung đột vũ trang, khủng bố quốc tế, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, an ninh mạng, an ninh tài nguyên, an ninh lương thực, khoảng cách phát triển, vấn đề di cư… cũng đang đặt ra nhiều thách thức chưa từng có đối với việc phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
Trong bối cảnh đó, APEC phải không ngừng thích ứng với những thay đổi của thế giới và khu vực. Tiếp nối các thành quả của hợp tác APEC thời gian qua, Việt Nam đã đề ra chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” và bốn ưu tiên lớn cho Năm APEC 2017 về thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là những nội dung đáp ứng được sự quan tâm và lợi ích của các nền kinh tế thành viên, phù hợp với xu thế chung trong hợp tác quốc tế. Với tư cách là sự kiện quan trọng nhất của Năm APEC 2017, Hội nghị lần thứ 25 các nhà lãnh đạo kinh tế APEC cũng sẽ gắn liền với việc cụ thể hóa chủ đề và bốn ưu tiên này.
Chúng ta có cơ sở vững chắc để tin tưởng rằng Hội nghị lần thứ 25 các nhà lãnh đạo kinh tế APEC sẽ thành công tốt đẹp, qua đó góp phần tiếp tục khẳng định vai trò của APEC là nơi khởi xướng ý tưởng, dẫn dắt các xu thế tăng trưởng, liên kết kinh tế ở khu vực và trên thế giới.
QĐND