Gio Linh trong “tầm ngắm” của Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị
(QT) - Theo Quyết định số 42/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Khu kinh tế (KKT) Đông Nam Quảng Trị bao gồm 17 xã, thị trấn, trong đó huyện Gio Linh có 4 xã: Gio Quang, Gio Mai, Gio Hải, Gio Việt và thị trấn Cửa Việt. Gio Linh cũng là địa phương cuối cùng về phía Bắc nằm trong giới hạn quy hoạch của KKT Đông Nam, giáp với xã Trung Giang, đồng thời về phía Đông, huyện Gio Linh giáp Biển Đông, nằm trong quy hoạch KKT Đông Nam với chiều dài trên 15 km bờ biển. Bên cạnh đó, vùng biển Gio Linh có 2 cửa lạch quan trọng là Cửa Tùng ở phía Bắc và Cửa Việt ở phía Nam, có tuyến đường chiến lược quốc phòng nối huyện Vĩnh Linh và Triệu Phong đi qua địa bàn, đường xuyên Á từ thị trấn Cửa Việt thông thương với Cam Lộ, nối liền với Quốc lộ 1, Quốc lộ 9. Theo khảo sát sơ bộ, tổng diện tích tự nhiên các địa phương nằm trong vùng quy hoạch KKT Đông Nam thuộc huyện Gio Linh khoảng trên 10.000 ha, chiếm trên 23% diện tích toàn huyện. Việc hình thành và phát triển KKT Đông Nam Quảng Trị đã “phủ sóng” một vùng rộng lớn gồm 3 huyện ven biển của tỉnh, trong đó Gio Linh là một địa phương “vệ tinh” đóng vai trò quan trọng trong việc bổ trợ để phát huy tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý của khu vực phía Đông Nam của tỉnh, tạo sự lan tỏa, gắn kết với các khu vực trọng điểm phát triển khác của tỉnh trên tuyến Hành lang kinh tế Đông- Tây.
 |
Hạ tầng giao thông ở thị trấn Cửa Việt đã được xây dựng tương đối đồng bộ và hiện đại |
Những năm gần đây, huyện Gio Linh đã xác định khai thác tiềm năng, thế mạnh kinh tế miền biển và vùng cát là một hướng chủ lực để thúc đẩy nền kinh tế- xã hội phát triển. Tổng giá trị sản xuất hàng năm của toàn vùng tăng từ 13- 15%. Gio Linh là một trong những huyện có đội tàu đánh bắt xa bờ, trung bờ hùng hậu nhất tỉnh với 764 tàu thuyền các loại, tổng công suất trên 45.000 CV, trong đó có 155 tàu xa bờ. Tổng sản lượng đánh bắt, khai thác thuỷ sản hàng năm đạt trên 14.000 tấn, trong đó xuất khẩu 5.000 tấn. Nước mắm, cá khô, sứa khô, ruốc, mực khô... được sản xuất, chế biến tại vùng biển Gio Linh đã trở thành hàng hóa có thương hiệu trên thị trường. 3 bãi tắm cộng đồng nằm trong quy hoạch khu dịch vụ du lịch Cửa Việt với gần 200 cơ sở kinh doanh, dịch vụ đem lại nguồn thu nhập khá cho người dân trên địa bàn. Đặc biệt, bên bờ biển Cửa Việt thơ mộng, một khu nghỉ dưỡng cao cấp Sepon Boutique Resort đã đi vào hoạt động, thu hút du khách gần xa… Tuy có rất nhiều nỗ lực, nhưng những kết quả đạt được của huyện Gio Linh trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế miền biển và vùng cát vẫn được đánh giá là chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có của địa phương. Kỳ vọng khi nằm trong vùng quy hoạch của KKT Đông Nam Quảng Trị, miền biển và vùng cát Gio Linh đã dần tháo gỡ được những bất cập hiện đang đặt ra với rất nhiều thách thức. Trước hết, nhờ huy động các nguồn lực từ KKT Đông Nam, kết cấu hạ tầng cơ sở của vùng biển Gio Linh sẽ dần được hoàn thiện, nhất là cơ sở vật chất phục vụ cho dịch vụ hậu cần nghề cá. Cụm công nghiệp làng nghề chế biến thủy, hải sản quy mô lớn sẽ được xây dựng để người dân chủ động mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng công nghệ mới vào quá trình chế biến sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tạo sức cạnh tranh trên thị trường, chấm dứt tình trạng chế biến nhỏ lẻ, sản phẩm thô, đầu ra phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thương lái nước ngoài như hiện nay. Đối với vùng ven biển huyện Gio Linh, trước mắt cần huy động mọi nguồn lực gắn với các chính sách thu hút đầu tư để thúc đẩy phát triển thương mại dịch vụ du lịch, nhất là dịch vụ nghỉ dưỡng, giải trí ven biển. Phát triển du lịch biển trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt, đảm bảo tính khoa học, tính chiến lược, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương trong đó có khu dịch vụ du lịch Cửa Việt. Các dịch vụ du lịch phải được quy hoạch lại với không gian kiến trúc hài hòa, hợp lý. Người làm dịch vụ du lịch phải được đào tạo bài bản về giao tiếp văn hóa, văn minh, về tay nghề chế biến ẩm thực, chú trọng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ gìn an ninh và bảo vệ môi trường, xóa bỏ lối kinh doanh dịch vụ du lịch tự phát, mạnh ai nấy làm như vẫn tồn tại lâu nay. Huyện cũng cần xây dựng cơ chế đặc thù để kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước đầu tư vào địa bàn, khuyến khích đầu tư phát triển một số ngành, lĩnh vực có tính đột phá làm động lực cho kinh tế biển, kiên quyết thu hồi những dự án “treo”, dự án không khả thi. Từ khi Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản ra đời đã được ngư dân vùng biển Gio Linh hưởng ứng rất tích cực, nhất là việc triển khai đóng tàu vỏ thép công suất lớn để vươn khơi. Theo định hướng phát triển, KKT Đông Nam Quảng Trị là khu kinh tế tổng hợp, xét về toàn vùng, khu vực ven biển huyện Gio Linh có lợi thế để xây dựng khu cảng biển và trung tâm logistic; khu nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí ven biển; khu vực nuôi trồng thủy sản, rừng phòng hộ ven biển…do đã có khu dịch vụ du lịch Cửa Việt, cảng Cửa Việt và hệ thống giao thông cả đường bộ lẫn đường thủy, giao thương thuận tiện với cả nước. Đặc biệt, trên địa bàn thị trấn Cửa Việt đã có cơ sở đóng tàu đủ năng lực đóng tàu có trọng tải từ 1.000-1.500 tấn, sửa chữa tàu vận tải có công suất từ 1.500 CV trở lên. Việc xây dựng khu cảng biển hàng hóa gắn với khu công nghiệp đóng tàu tại địa bàn sẽ góp phần gia tăng phương tiện đánh bắt hiện đại cho ngư dân, đưa lại hiệu quả cao trong khai thác kinh tế biển và tăng cường củng cố quốc phòng- an ninh trên biển. Trong định hướng quy hoạch KKT Đông Nam, ở khu vực phía Bắc, khu dịch vụ du lịch Cửa Việt được xác định sẽ là một “điếm nhấn” cùng với việc nâng cấp thị trấn Cửa Việt, xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng có tính chất động lực, hy vọng trong tương lai, nơi đây sẽ là “đòn bẩy” để thúc đẩy kinh tế miền biển và vùng cát huyện Gio Linh phát triển hiệu quả, bền vững. Bài, ảnh: ĐÀO TÂM THANH