(QT) - Mùa xuân lại đến như một lẽ thường tình theo quy luật của cuộc sống và nhà nông Quảng Trị cũng như bao người không làm ruộng vẫn biết đến công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn mà dân gian quen gọi là Đập Trấm.
![]() |
Đầu mối công trình Nam Thạch Hãn. Ảnh: Đ.T.T |
Cho đến hôm nay nhiều người vẫn nhớ về bài hát “Câu hò trên công trường Nam Thạch Hãn” của nhạc sĩ Trần Hoàn về công trình đại thủy nông trên vùng đất Bình Trị Thiên khi chiến tranh vừa tan khói súng không lâu. Những con người bạt núi ngăn sông với tâm thế “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa” cách đây hơn 1/3 thế kỉ hôm nay về bên nhau trong niềm vui hội ngộ. Họ chính là những chiến sĩ 202 đi làm thủy lợi của nhiều sư đoàn của tỉnh Bình Trị Thiên, trong đó có sư đoàn Bến Hải của vùng quê Quảng Trị. Những năm đầu sau chiến tranh gian khó vô vàn nhưng đảng bộ và nhân dân Bình Trị Thiên vẫn trên dưới một lòng, quyết tâm xây dựng công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn vào năm 1978 và hoàn thành vào năm 1981 với sự tham gia của hàng vạn con người. Bằng ý chí và nghị lực phi thường những cán bộ, chiến sĩ 202 cùng với đơn vị quân đội của địa phương đã vượt qua đói, rét, nắng lửa, gió Lào, bệnh tật, bom mìn còn lại dày đặc sau chiến tranh để hoàn thành sứ mệnh lớn lao đem nước về cho vùng đất khát. Họ những con người bằng xương bằng thịt bằng sức mạnh đôi tay, đôi vai đã làm thay bổn phận con cháu thủy thần để viết nên những điều kì diệu. Ông Nguyễn Đức Hoan vốn là kĩ sư thủy lợi, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Trị, nguyên chỉ huy công trường Nam Thạch Hãn tâm đắc một điều ngày ấy mọi người đều có chung một tâm nguyện phải đem nước về vùng đất khát. Làm quê hương no ấm, làm xã hội đổi thay, dĩ nhiên, trong đó có bản thân mình . Chính vì vậy mà ý chí : “Vắt đất ra nước, thay trời làm mưa” đã làm nên những điều kì diệu.
Trong ngôi nhà ở gần chợ phiên Cam Lộ, một sáng mới đây nguyên Sư trưởng Sư đoàn Bến Hải-ông Phạm Sãi đã ngồi ôn lại chuyện xưa với chiến sĩ của mình. Họ từng một thời lăn lộn trên các công trình thủy lợi của quê hương Quảng Trị: công trình Nam Thạch Hãn, công trình Nghĩa Hy thuộc vùng quê Cam Lộ. Đó là một thời mà đồng đội vui buồn có nhau, no đói bên nhau, sống chết cùng nhau. Hôm nay họ hẹn nhau về để cùng ôn lại chuyện xưa và nhớ về những kỉ niệm đẹp đẽ, trong sáng vô ngần của một thời gian khó. Họ đã cống hiến những tháng năm đẹp nhất của đời người, đã dâng hiến tuổi thanh xuân phơi phới để quê hương no ấm lâu bền. Bà Ôn Thị Thông ở Cam Tuyền, rồi bà Hoàng Thị Thừa ở Cam Hiếu đều cựu chiến sĩ 202 nhắc lại một thời gian nan, nhạt muối vơi cơm, mà vẫn hăng say làm lụng hết mình, sống với nhau nghĩa tình như bát nước đầy. Rồi cả hai lần lượt ngâm lên những vần thơ mộc mạc về một thời làm thủy lợi của những ngày tháng thanh xuân trong cuộc đời mình. Người đầu bạc bên người tóc đã hoa râm nhớ chuyện xưa mà lòng như trẻ lại khi kỉ niệm dâng trào như nước chảy trên mỗi công trình thủy lợi, khi kỉ niệm lâu rồi vẫn hiện về trong buổi sáng mai này.
Bao đời trước kia, nước của dòng Thạch Hãn cũng như của những con sông khác trên miền quê Quảng Trị vẫn chảy mãi về xuôi, ra với biển Đông để mặc những cánh đồng khao khát mong chờ. Cả một vùng đồng bằng Triệu Hải lúa chỉ làm được một vụ, mà mọi chuyện bấp bênh trông cả vào trời, trời thì đỏng đảnh nắng mưa. Người nông dân sống nhờ hạt gạo mà mùa màng phập phồng nắng hạn rồi phập phồng mưa lũ. Ai cũng biết dân gian đúc kết từ bao đời: nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống. Ấy vậy mà yếu tố quan trọng nhất là nước vẫn không thể chủ động thì nói gì đến chuyện tưới tiêu để mùa màng tươi tốt. Chuyện đói nghèo vì vậy vẫn đeo đẳng bà con nông dân như món nợ truyền kiếp không thể xa rời. Các công trình thủy lợi trên quê hương Quảng Trị, đặc biệt là công trình Nam Thạch Hãn mà người dân quen gọi vắn tắt là Đập Trấm đã đem lại cơn no áo ấm như khẩu hiệu của một thời của Bình Trị Thiên, tất cả cho thủy lợi quê nhà. Tất cả đổi thay như một phép màu, một phép màu tự nguyện trong sự hòa hợp tuyệt vời của lòng dân, ý Đảng. Không còn mất mùa liên miên, không còn lo cái ăn ngay ngáy, không còn cảnh bồng bế nhau “đi Nam” kiếm sống, tha phương cầu thực. Hết thảy mọi sự đổi thay bắt đầu từ Đập Trấm. Ông Dương Đình Uỷ, lão nông Triệu Đông, Triệu Phong kể rằng nếu không có Đập Trấm, những người tha phương cầu thực sẽ ngày một nhiều hơn trong những năm hòa bình gian khó. Đập Trấm đã mang lại một sự đổi đời thực sự mà hàng trăm năm qua chỉ là mơ ước.
Khi chúng tôi thực hiện bài viết này cũng là khi những cánh đồng Triệu Phong, Hải Lăng thu hoạch. Mọi người thêm vui, đồng ruộng thêm vui khi đón nhận một mùa vàng no ấm, đền bồi cho người nông dân một nắng hai sương. Những cánh đồng bao đời khô khát đã nhờ nước của công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn mà đem lại cơm no áo ấm. Một ước mơ cháy bỏng bao đời của người dân quê ba mươi năm nay đã thành hiện thực sống động trong từng bông lúa, trong mỗi mùa vàng hứa hẹn những tin yêu qua muôn vàn nhọc nhằn, vất vả của lo toan đồng ruộng. Ông Trần Quang Hậy, Chủ nhiệm HTX Long Hưng, Hải Phú, Hải Lăng phấn khởi nói với chúng tôi về chuyện được mùa của 120 ha lúa của HTX. Ông cũng không quên nói về vai trò to lớn của nguồn nước, chính từ công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn.
Đập Trấm bây giờ không của riêng ai mà đã thành tài sản chung của vùng quê Quảng Trị. Mọi biến động từ công trình thủy lợi này sẽ tác động rất quan trọng đến hàng vạn hec ta lúa ở Quảng Trị và cả Thừa Thiên- Huế. Vì vậy nó trở thành tài sản quý giá mà mọi người cùng có trách nhiệm chăm lo, gìn giữ.
Nếu có gì đó lòng người còn áy náy thì vẫn là chế độ chính sách cho những người từng là chiến sĩ thủy lợi 202 từng đóng góp mồ hôi và cả máu cho những công trình tưới mát ruộng đồng. Hôm nay lòng người vẫn còn băn khoăn khi có những chiến sĩ 202 đã anh dũng hi sinh khi làm nhiệm vụ nhưng vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ. Những mất mát không gì bù đắp được như dấu hỏi vẫn đeo đẳng những người đang sống và cả cánh đồng kia đau đáu bao năm với đạo lí Việt Nam uống nước nhớ nguồn. Ông Nguyễn Đức Hoan từng tâm sự rằng thời ấy mọi người lao vào làm việc, không ai nghĩ đến chuyện khen thưởng, thậm chí một bức ảnh kỉ niệm cũng không có. Một thời trong sáng, vô tư đến tuyệt vời.
Tìm hiểu công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn thì chúng tôi bắt gặp một cảnh thú vị, đó là những hình ảnh buổi cúng xuống đồng khi bắt đầu một vụ mùa mới. Nhà nông muôn đời vẫn thế, vẫn luôn cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhân hưng vật thịnh. Và trong đó, nguồn nước cho những cánh đồng vẫn là ước nguyện đầu tiên. Không hiểu sao chúng tôi nghĩ rằng những giọt mồ hôi của vạn người theo năm tháng thành dòng kênh tắm mát ruộng đồng, những giọt máu của những chiến sĩ thủy lợi 202 cũng đã thấm sâu vào đất đai, mùa màng Quảng Trị hiển hiện trong trù phú ruộng đồng, biếc xanh lại giấc mơ no ấm.
Những dòng nước xanh vẫn chảy về cánh đồng dưới trời nắng hạn, những mùa vàng vẫn gợi nhắc về một thời quá khứ gian nan và bi tráng, kể chuyện những người lính thời bình đã hăng hái quên mình đem nước về cho những miền quê, mở ra một chân trời mới. Câu chuyện ấy đã đi vào bài hát một thời hào khí, đã trở thành máu thịt cuộc đời trong kí ức quê hương.
Phạm Xuân Dũng