Chủ động phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai
Quảng Trị là nơi thường xuyên bị ảnh hưởng bởi các loại thiên tai, chỉ tính trong năm 2007 vừa qua, toàn tỉnh có 11 người bị chết, thiệt hại về tài sản hơn 232 tỷ đồng. Chính vì vậy ngay từ đầu năm 2008, đặc biệt là hiện nay khi mùa mưa bão đang đến, các cấp, các ngành và các địa phương đang tiến hành rà soát, bổ sung các phương án phòng chống và giảm nhẹ thiên tai. Ông Nguyễn Mãnh, Chủ tịch UBND xã Hải Hòa, huyện Hải Lăng cho biết: Do đặc điểm của xã nằm trong vùng úng trũng, thấp hơn so với mực nước biển 0,5 đến 0,7 mét nên hầu như năm nào cũng bị thiên tai đe dọa. Đây là một trong những nơi đã từng chịu cơn bão lịch sử năm 1985, cơn lũ lịch sử 1999, thiệt hại hàng tỷ đồng. Hơn 1 ngàn hộ dân chủ yếu sống độc canh cây lúa, đời sống nhân dân còn thấp chưa có điều kiện xây dựng nhà cửa kiên cố, cao tầng. Do đó, xã đã tập trung chỉ đạo các HTX trên địa bàn bố trí lịch trình thời vụ thích hợp, chọn các loại giống lúa ngắn ngày gieo trồng để tránh những trận lũ tiểu mãn, giảm bớt thiệt hại. Bên cạnh đó vận động nhân dân làm nhà cao tầng, nếu nhà thấp thì làm gác lửng để kê cất tài sản. Từ chính quyền cho đến người dân luôn chú trọng thực hiện phương châm 4 tại chỗ. Từ xã đến các thôn đều thành lập Ban chỉ huy phòng chống lụt bão, thành lập các tổ, đội xung kích, mua sắm thuyền máy, phao, áo cứu sinh để phục vụ cho công tác cứu hộ, cứu nạn. Hàng năm, xã bố trí ngân sách mua dự trữ 2 tấn gạo, 2 ngàn gói mì tôm, 2 tạ muối, 200 lít dầu hỏa, chỉ đạo Trạm y tế chuẩn bị đủ cơ số thuốc và vận động nhân dân dự trữ lương thực, thực phẩm, dầu hỏa đảm bảo dùng ít nhất là 1 tuần lễ. Ông Võ Văn Quang, Phó Ban chỉ huy phòng chống lụt bão của huyện Hải Lăng nhấn mạnh: Do đặc điểm là vùng thấp trũng, huyện chỉ đạo phải tìm mọi cách để "sống chung với lũ" và biện pháp phòng chống lụt bão quan trọng nhất là xây dựng làng xã an toàn. Trước hết tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại của thảm họa thiên tai để thay đổi hành vi phòng, tránh và canh giác. Thứ hai tổ chức tập huấn về việc đối phó khi thực hiện cứu hộ, cứu nạn, sử dụng thành thạo các phương tiện ứng cứu. Thứ ba, mỗi xã xây dựng nhà cao tầng trung tâm chống lũ, đây vừa là nơi điều hành của UBND xa vừa là nơi cho người dân ở vùng thấp đến cư trú. Ông Nguyễn Hữu Thành, Phó chủ tịch UBND huyện Triệu Phong cho biết: Phương châm chỉ đạo của huyện là chủ động phòng tránh, thích nghi để phát triển. Cùng với việc tăng cường công tác tuyên truyền, huyện đã xây dựng hệ thống quản lý các phương tiện, tàu thuyền hoạt động trên biển, hệ thống thông tin liên lạc kết hợp với truyền tin cảnh báo, dự báo thiên tai. Đối với các xã vùng đồng bằng, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, nâng cấp, xây dựng hệ thống đê điều, xây dựng các công trình phòng chống sạt lở ven các con sông. Đối với các xã ven biển tiến hành tu sửa, nâng cấp đê biển, trồng cây chắn sóng và trồng rừng phòng hộ. Điều ưu tiên nhất khi có bão lụt là tổ chức di dời dân cư ở ven sông Thạch Hãn và các xã ven biển như Triệu Lăng, Triệu Vân, Triệu An, kêu gọi tàu thuyền về nơi trú đậu an toàn.
 |
Thực hành cứu hộ, cứu nạn khi có bão lũ - Ảnh: P.V |
Ở các huyện miền núi hiện tại cũng đang gấp rút triển khai kế hoạch phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai. Trong mùa mưa bão, huyện quan tâm nhất đảm bảo an toàn tính mạng ở những vùng nguy hiểm có nguy cơ bị sạt lở núi, lũ quét. Một số vùng dân cư thường bị chia cắt, cô lập dài ngày huyện chỉ đạo các xã chủ động dự phòng nguồn lương thực, thực phẩm, có kế hoạch di dời dân từ vùng thấp lên vùng cao. Ông Phạm Xuân Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Ba Lòng (Đakrông) cho biết, Ba Lòng là một trong những nơi thường bị lũ lụt gây nhiều thiệt hại, vì vậy hàng năm cùng với việc củng cố, kiện toàn ban chỉ huy phòng chống lụt bão từ xã đến thôn, mua sắm thêm phương tiện cứu hộ, cứu nan, di dân, xã đã quy hoạch những vùng đất cao để từng bước đưa những hộ dân nằm ven sông, nhất là Thôn Đá Nổi, nơi rất nguy hiểm khi có mưa bão. Ở thị xã Đông Hà, ông Phan Cao Lợi, Phó Ban chỉ huy phòng chống lụt bão thị xã cho biết: Vùng ven đô, nhất là số dân cư ở dọc sông Hiếu và sông Thạch Hãn là những nơi được thị xã quan tâm nhất. Do đó thị xã chỉ đạo các phường có kế hoạch sản xuất luồn lách thời tiết, tránh được những thiệt hại đáng tiếc xảy ra; Có phương án cụ thể để di dời dân khi có lụt bão. Còn ở Gio Linh và Vĩnh Linh, phương án phòng chống lụt bão đặt ra là đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho ngư dân các xã ven biển, di dời số dân cư ở vùng thấp lụt lên nơi cao, trong đó chú ý nhất là đối tượng người già, trẻ em, phụ nữ, những gia đình neo đơn. Ở tỉnh Quảng Trị, không chỉ các huyện, thị xã mà các ngành chức năng như Nông nghiệp, Giao thông vận tải cũng có sự chuẩn bị đối phó với thiên tai với những phương án cụ thể để bảo vệ an toàn các công trình thủy lợi, các hồ chứa, hệ thống giao thông, nhất là ở vùng miền núi. Đối với lực lượng Quân đội, Công an, Chữ thập đỏ cũng đã có kế hoạch cứu hộ, cứu nạn, ứng cứu giúp đỡ người dân khi có thiên tai. Thượng tá Nguyễn Hồng Phong, Tham mưu trưởng, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết: Khi có mưa bão, các Đồn Biên phòng sẽ phối hợp với các đơn vị, địa phương kiểm tra, ngăn chặn tàu thuyền ra khơi và thông báo cho tàu thuyền đang hoạt động trên biển về nơi trú ẩn an toàn, phối hợp ứng cứu người và tài sản khi có tình huống xấu xảy ra. Là tỉnh hàng năm thường bị thiên tai nên hơn lúc nào hết khi mùa mưa bão đến việc chủ động phòng tránh luôn được các cấp, các ngành và cả mọi người dân chú trọng. Ông Nguyễn Đức Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban phòng chống lụt bão tỉnh nhấn mạnh: Nhận định năm nay thời tiết diễn biến phức tạp, khả năng số cơn bão, áp thấp nhiệt đới nhiều hơn, đỉnh lũ khả năng cao hơn các năm, do vậy tỉnh đang chỉ đạo các cấp, các ngành và các địa phương rút kinh nghiệm qua các năm, theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết để có sự đối phó thích hợp. Công tác phòng chống được triển khai ở cả 3 giai đoạn: trước, trong và sau lụt bão. Toàn tỉnh có 5 vùng trọng tâm cần được quan tâm nhất, đó là vùng trực tiếp bị bão, vùng thường bị ngập sâu, vùng lũ quét, vùng sụt lún đất và vùng ngập lụt cục bộ. Các xã có dân cư nằm trong diện di dời phải nắm chi tiết về số lượng hộ, số lượng người, nơi di dời đến. Các địa phương tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền cho người dân không được chủ quan, luôn có ý thức cảnh giác, chủ động phòng tránh, chuẩn bị đủ lực lượng để tham gia ứng phó khi có thiên tai xảy ra. Bá Thuần.