(QT) - Hình ảnh những người phụ nữ trẻ tuổi miệt mài bên khung cửi lách cách theo từng đường chỉ thêu có sức cuốn hút kì lạ. Từ đôi bàn tay tài hoa của họ đã tạo nên những tấm thổ cẩm bền đẹp, với hoa văn sặc sỡ sắc màu. Đây cũng chính là sản phẩm mang “thương hiệu” của miền đất rẻo cao A Bung, huyện Đakrông…
![]() |
Xã A Bung nỗ lực quảng bá, giới thiệu sản phẩm thổ cẩm truyền thống của địa phương |
Món quà quý của bản làng
Tôi đã có nhiều giờ ngồi trong căn nhà sàn bạc phếch nắng mưa của chị Đoàn Thị Nga (45 tuổi) ở thôn Cu Tài 2, xã A Bung để chứng kiến đôi bàn tay tài hoa của chị lướt trên từng sợi len đủ sắc màu bên chiếc khung cửi đơn sơ. Chị Nga là người dân tộc Tà Ôi ở huyện A Lưới, Thừa Thiên-Huế ra làm dâu ở xã A Bung đã 15 năm nay. Chị kể mình đã biết dệt thổ cẩm từ thời con gái, được truyền lại từ mẹ và bà. Bởi vậy khi về làm dâu ở xã A Bung, chị được xem là một trong những người trẻ dệt thổ cẩm thạo nghề. “Tuổi nghề dệt thổ cẩm được xem sung nhất là đến dưới 60 tuổi, bởi khi lớn tuổi đôi mắt không còn tinh tường sẽ khó dệt ra sản phẩm sắc sảo. Nghề này trước đây nhiều người làm nhưng nay cũng chỉ còn lại khoảng hơn 20 người được gọi là lành nghề”, chị Nga nói. Vừa trò chuyện, chị Nga vừa se từng sợi chỉ nhiều màu sắc một cách chính xác ướm vào thước gạt của khung cửi đẩy mạnh, đồng thời đôi bàn chân đạp thẳng khung dứt khoát. Bình quân 4-5 ngày chị Nga làm xong 1 tấm thổ cẩm kích thước chuẩn dài 3,2 m, rộng 0,8 m. Tùy theo loại thổ cẩm trơn và thổ cẩm có đính hạt cườm mà bán được giá từ 350- 450.000 đồng/tấm. Nếu chịu khó làm cả ngày, tranh thủ thêm ban đêm thì khoảng 2 ngày xong 1 tấm. Nghề thổ cẩm đòi hỏi phải có niềm đam mê, sự chịu khó và tính kiên nhẫn mới theo được”.
Với người Pa Kô, thổ cẩm là món đồ quý không thể thiếu trong những dịp lễ trọng đại ở bản làng. Ví như lễ cưới của người Pa Kô thì dù đến nay đã có một số đổi thay trong nghi thức nhưng vẫn như tự xưa: lễ vật thổ cẩm nhất định không thể thiếu! Chị Nga cho hay, tùy theo gia đình giàu nghèo mà số tấm thổ cẩm có trong sính lễ nhiều hay ít. Chị giải thích: “Nhà giàu có thì mang sính lễ có 15-20 tấm thổ cẩm, ít nhất thì cũng phải 5 tấm thì lễ cưới mới gọi là thành công. Phong tục ở đây là trong sính lễ nhà gái trao nhà nam phải có thổ cẩm, ngược lại nhà trai trao lại nhà gái các lễ vật gồm chiêng, vòng tay, vòng cổ bằng bạc. Tục này vẫn duy trì từ xưa đến nay không hề thay đổi”.
Ngoài lễ cưới thì thổ cẩm còn hiện diện bằng những bộ trang phục từ người già đến trẻ con trong các dịp lễ trọng của bản làng như: Lễ ARiêuping (bốc mã), lễ mừng lúa mới và các lễ quan trọng của các dòng họ, gia đình… Mỗi người Pa Kô ở xã A Bung hầu hết đều có riêng cho mình ít nhất 1 bộ trang phục bằng thổ cẩm, người có điều kiện kinh tế thì có thể may nhiều bộ. Điều đặc biệt, hầu hết trang phục bằng thổ cẩm của người dân ở xã A Bung hiện nay đều chỉ được may bởi một người thợ ở huyện A Lưới. Ở xã A Bung đến nay vẫn chưa có một thợ may nào thực hiện được việc may trang phục bằng thổ cẩm.
Đưa thổ cẩm vào... nghị quyết
Tại Đại hội Đảng bộ xã A Bung nhiệm kỳ 2015-2020, xã đã đưa thổ cẩm vào nghị quyết với quyết tâm giữ gìn và phát huy nghề truyền thống đặc sắc này. Phó Chủ tịch UBND xã A Bung Hồ Văn Hiền cho biết, cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng bộ xã, thời gian qua xã đã kiện toàn và thành lập 3 tổ dệt thổ cẩm ở các thôn Cu Tài 1, Cu Tài 2 và Ti Nê với tổng số 25 chị em người dân tộc Pa Kô tuổi đời từ 30-50. Họ là nòng cốt thường xuyên dệt thổ cẩm đồng thời có trách nhiệm chỉ dạy lại cho lớp trẻ. Ngoài ra, địa phương cũng nỗ lực tăng cường quảng bá sản phẩm thổ cẩm bằng việc đưa sản phẩm đi giới thiệu, trưng bày tại các hội chợ thương mại của huyện, tỉnh. Mặt khác, sản phẩm thổ cẩm cũng được địa phương trưng bày giới thiệu tại 2 địa điểm ở xã là: Ngã ba đường lên Cửa khẩu La Lay và thôn Cu Tài 1. Mục đích trưng bày sản phẩm thổ cẩm cố định ngay tại địa phương là để quảng bá đến với khách du lịch gần xa khi có dịp ghé ngang qua địa phương.
Để “kích cầu” đầu ra cho sản phẩm thổ cẩm, mới đây UBND xã đã xây dựng kế hoạch vận động toàn thể cán bộ xã, giáo viên, học sinh và các dòng họ ở các thôn trong xã may trang phục bằng thổ cẩm. Được biết, đến nay đa số cán bộ, giáo viên, gia đình các em học sinh đã đồng ý, ủng hộ việc may trang phục bằng chất liệu truyền thống này. Tháng 11/2018, 30 bộ trang phục bằng thổ cẩm của toàn thể cán bộ xã A Bung đã được dệt xong. Dự kiến vào tháng 6/2019, các nhà trường trên địa bàn xã sẽ tiến hành may trang phục cho giáo viên và học sinh. Sau cùng là các dòng họ sẽ tiến hành may trang phục thổ cẩm. Việc may thổ cẩm để một mặt bảo tồn nghề, mặt khác để mọi người mặc vào những dịp lễ quan trọng của bản làng, lễ khai giảng hoặc chào cờ trong các nhà trường. “Về kinh phí thì tùy điều kiện của mỗi đơn vị mà có sự hỗ trợ khác nhau, nhưng đa số mọi người đều tự nguyện bỏ tiền may trang phục thổ cẩm để ủng hộ nghề truyền thống của địa phương. Tuy sản phẩm thổ cẩm A Bung hiện nay làm ra đều được tiêu thụ hết, nhưng chủ yếu là ở địa phương và trong vùng phụ cận chứ thật sự chưa thể vươn xa. Cũng bởi vì vậy mà giá sản phẩm bán ra vẫn còn thấp, chưa tương xứng với công sức và giá trị vốn có của thổ cẩm. Chúng tôi mong muốn thời gian tới các cấp, ngành giúp đỡ địa phương trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm để một ngày nào đó thổ cẩm A Bung sẽ được tiêu thụ rộng rãi hơn ngoài địa phương, nhất là đối với khách du lịch trong và ngoài nước”, anh Hiền bày tỏ.
Đức Việt