Đại tá Hồ Thanh Tự Chính uỷ Bộ CHQS Quảng Trị
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, để kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam, Đảng, Nhà nước ta đã mở nhiều con đường chiến lược cả trên không, trên bộ và trên biển để cơ động lực lượng, tiếp tế lương thực, vũ khí đạn dược cho chiến trường. Ngay 19/5/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký quyết định thành lập Binh đoàn Trường Sơn, gọi tắt là Đoàn 559, có nhiệm vụ xây dựng đường vận tải chiến lược cho các chiến trường trên toàn Đông Dương. Đường Hồ Chí Minh đã trở thành một huyền thoại, còn mãi âm vang khúc tráng ca của một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ mà lòng phơi phới dậy tương lai” (thơ Tố Hữu ). Nhận thức sâu sắc tính chất đặc biệt quan trọng của đường Trường Sơn. Đặc khu Vĩnh Linh đã cử cán bộ (trực tiếp là Ban chỉ huy Lữ đoàn phòng vệ giới tuyến 341) phối hợp cán bộ Ban cán sự Đoàn 559, tập kết tại Khe Hó, cải trang thành người đi khai thác gỗ, tổ chức khảo sát, cắm mốc, đưa một bộ phận tiền trạm xoi đường vào Nam. Đầu tháng 6/1959, Đoàn 559 cử đồng chí Võ Bẩm trực tiếp chỉ huy, Tỉnh uỷ Quảng Trị cử đồng chí Pả Cương, Thường vụ Huyện uỷ Hướng Hoá và một số cán bộ địa phương thông thạo địa hình Trường Sơn cùng phối hợp mở đường. Khe Hó - Vĩnh Linh được chọn làm điểm khởi đầu cho tuyến đường lịch sử này. Từ đó phát triển về hướng tây nam qua làng Mít vào đến Tà Riệp, điểm cuối là Pa Lin. Địa hình khu vực này rất hiểm trở, núi cao, vực thẳm, nhiều đoạn phải vượt qua lèn đá cheo leo nên việc khai thông đường là rất khó khăn. Thời điểm này địch tiến hành đánh phá ác liệt, cùng với máy bay trinh sát, lực lượng thám báo nắm tình hình. Nhưng được sự giúp đỡ của cấp uỷ, chính quyền khu vực Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, nhất là của đồng bào các dân tộc miền tây Vĩnh Linh, Hướng Hoá, nên việc khai thông và nguỵ trang đường có nhiều thuận lợi. Một số tuyến đường phía đông Trường Sơn bị địch nhòm ngó và tiến hành các hoạt động phong toả. Tháng 7/1959, Ban cán sự miền tây Trị - Thiên cùng Ban giao liên Đoàn 559 họp bàn mở thêm một số cung đường mới phía tây Trường Sơn.
Được sự giúp sức của nhân dân hai nước Việt - Lào, sau hơn một tháng các cung trạm đã hoàn thành. Hơn 100 thanh niên các địa phương Vĩnh Linh, Hướng Hoá nơi có tuyến đường đi qua đã tình nguyện tham gia mở đường và làm công tác bảo vệ. Cuối năm 1959, trên địa bàn Quảng Trị đã có nhiều tuyến đường liên hoàn, nhiều cung đường nối tuyến ra Bắc vào Nam và một số cung đường đi qua đất bạn Lào, tạo điều kiện thuận lợi cho việc liên lạc, cơ động, tiếp tế bảo đảm bí mật, bất ngờ. Quá trình khai thông cũng như bảo vệ các cung đường lực lượng vũ trang, nhân dân Quảng Trị đã dốc sức, dốc lòng, đóng góp hàng vạn ngày công để phục vụ nên tốc độ xây dựng diễn ra nhanh chóng. Ngày 20/8/1959, hơn 500 kg vũ khí đầu tiên do Đoàn 301 chuyển vào miền Nam qua địa bàn Quảng Trị đã được giao an toàn cho Liên khu 5 ở Tà Riệp.
![]() |
Từ tuyến đường Trường Sơn các phương tiện vật chất đạn dược được chuyển nhanh chóng an toàn cho chiến trường miền Nam. Ảnh: Đoàn Công Tính |
Nhiều thanh niên Vân Kiều đã đưa năng suất gùi thồ lên 90 đến 100 kg mỗi chuyến. Nhân dân các dân tộc vùng núi Hướng Hoá, nhân dân các bộ tộc Lào anh em đã không quản mưa rừng, thác lũ ngày đêm sát cánh cùng với bộ đội, thanh niên xung phong bạt núi mở đường, đào đắp, vận chuyển hàng vạn m3 đất đá. Đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô nghe theo tiếng gọi của Đảng, Bác Hồ đã dốc lòng, dốc sức cho cách mạng. Từ tháng 2/1961, quân đội Mỹ cấu kết với bọn Phuminôxavẳn mở nhiều cuộc càn quét vào khu căn cứ của ta, tiến hành dồn dân, bắt lính, phá hoại kinh tế, ngăn chặn sự chi viện của ta trên các tuyến đường Đông - Tây Trường Sơn. Tỉnh uỷ Quảng Trị chủ trương đẩy mạnh diệt ác trừ gian ở đồng bằng và tổ chức hoạt động vũ trang kết hợp đấu tranh chính trị ở miền tây và phía bắc đường 9. Bám sát chủ trương đó, khắp nơi trên địa bàn Quảng Trị đã dấy lên phong trào đấu tranh mạnh mẽ. Nhân dân vùng căn địa cách mạng thực hiện vườn không, nhà trống, kết hợp nhiều loại vũ khí đánh địch khắp nơi, làm cho chúng đi đến đâu thiệt hại đến đó. Vì vậy, không những ta giành được thế chủ động trên chiến trường mà các cung trạm trên tuyến đường Trường Sơn được giữ vững, tạo điều kiện cho việc tiếp tế, vận chuyển vũ khí, khí tài trang bị vào chiến trường miền Nam. Đầu năm 1964, tình hình chiến trường hết sức căng thẳng, Mỹ - nguỵ với tham vọng "lấp sông Bến Hải" đã tập trung một lực lượng lớn trên địa bàn Quảng Trị với mục đích tiến công ra Bắc và đối phó với phong trào cách mạng đang lan rộng trên địa bàn Quảng Trị. Từ 14 đến 25/4/1964, địch mở trận càn mang tên “Chiến dịch Lam Sơn 115 A” vào miền tây Quảng Trị. Chúng huy động hơn 3 tiểu đoàn gồm các binh chủng, với chiến thuật “trực thăng vận” ồ ạt bao vây, nhằm tiêu diệt lực lượng của ta nhưng đã bị ta đánh tiêu diệt, làm thất bại trận càn của chúng. Tiêu biểu là ở Mai Lộc, Mai Đàn, đêm mồng 4 ngày mồng 5/7/1964, kết hợp từ trong đánh ra, ngoài đánh vào chúng ta đã giành được thắng lợi. Cùng thời điểm đó, Đội 10 đặc công của tỉnh Quảng Trị phối hợp với Đại đội 1 Phân khu tiến công tiêu diệt Đầu Mầu... Năm 1967, Mỹ tăng cường xây dựng tuyến phòng thủ tại khu vực giới tuyến nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc đối với chiến trường miền Nam. Hàng rào điện tử Mc.Namara được hình thành, án ngữ một vùng rộng lớn từ Cửa Việt lên đến Hướng Hoá. Địch tăng cường nhiều sư đoàn, trung đoàn thiện chiến, hoàn thiện bộ máy cai trị từ tỉnh xuống các xã, phường, thị trấn, đồn bốt mọc lên dày đặc. Tuyến đường Trường Sơn đi qua địa bàn Quảng Trị bị địch ra sức càn quét, đánh phá. Trên các cung đường Trường Sơn không ngày nào ngớt tiếng máy bay oanh tạc, bom rơi, đạn réo rung chuyển cả núi rừng cùng với pháo kích từ biển bắn vào, B52 rải thảm. Một số cánh rừng cháy rụi vì bom Napan, nhiều nơi rừng chỉ còn lại những thân cây xác xơ vì phốt pho và chất độc hoá học. Trước tình đó, quân dân Quảng Trị quyết tâm phá thế kìm kẹp của địch, tổ chức khởi nghĩa giành đất, giành dân. Phối hợp với bộ đội chủ lực mở nhiều trận đánh lớn nhỏ trên khắp chiến trường không cho địch thực hiện âm mưu của chúng, nhất là các trận tiến công vào Đầu Mầu, Tân Lâm, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Đông Hà... Nhân dân, lực lượng vũ trang Vĩnh Linh vừa xây dựng vừa chiến đấu, tổ chức bố phòng chặt chẽ, xây dựng trận địa tiêu diệt không quân địch, phối hợp với bộ đội chủ lực bí mật vượt sông Bến Hải đánh vào cứ điểm Dốc Miếu. Đẩy mạnh hoạt động bảo vệ các tuyến đường trên khu vực phía tây của Vĩnh Linh, từ Khe Hó vào đến sông Bến Hải. Tổ chức nắm địch, đánh bắt lực lượng thám báo, biệt kích, ngăn chặn sự phá hoại của không quân Mỹ - nguỵ bảo vệ vững chắc các cung đường qua địa phận Vĩnh Linh. Từ năm 1967 đến 1972, các căn cứ hoả lực mạnh trên tuyến hàng rào điện tử, nhất là căn cứ Dốc Miếu - "con mắt thần" "bất khả xâm phạm" lên tục bị ta pháo kích, làm cho hàng ngàn lính Mỹ- nguỵ rơi vào thế tuyệt vọng. Ngày 1/4/1972, căn cứ Dốc Miếu đã bị phá nát, kết thúc 5 năm tồn tại của hệ thống phòng thủ được coi là mạnh nhất của quân đội Mỹ trên chiến trường Việt Nam. "Chiến lược chia cắt" đường mòn Hồ Chí Minh, ngăn chặn sự tiếp tế của miền Bắc của địch đã bị phá sản hoàn toàn. Đường Hồ Chí Minh vẫn được bảo vệ an toàn. Chính giới báo chí Mỹ đã thừa nhận: "Trong cuộc chiến tranh ở phía Nam khu phi quân sự, lính thuỷ đánh bộ Mỹ bị thương vong hơn bất kỳ lực lượng nào đóng ở nước này. Các máy bay ném bom của Mỹ không thể nào bịt miệng các khẩu đại bác hạng nặng, rốc két và súng cối của cộng sản - các loại vũ khí gây ra phần lớn trong tổng số 8.000 quân Mỹ thương vong vùng này. Sự huy động đến mức tối đa khả năng chiến tranh hiện đại của Hoa Kỳ vẫn không ngăn được làn sóng xâm nhập của đối phương, con đường vận tải Trường Sơn vẫn hàng ngày vận chuyển vũ khí cho chiến trường miền Nam mà không bị hàng rào điện tử của Mỹ cản trở”. Để bảo vệ tuyến vận tải Trường Sơn, quân dân Quảng Trị đã không quản gian lao thử thách, với một tinh thần "tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả để giải phóng quê hương". Trong cuộc chiến đấu ác liệt ấy đã có hàng vạn cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong Quảng Trị tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, nhân dân đã anh dũng hy sinh bảo đảm cho đường luôn được thông suốt. Quân dân Quảng Trị tự hào đã đóng góp xứng đáng công sức và trí tuệ của mình vào bảo vệ con đường Trường Sơn, con đường Hồ Chí Minh vĩ đại.