Tích cực phòng chống HIV/AIDS
(QT) - Hiện nay, đại dịch HIV/AIDS đang là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người dân, tác động rất lớn đến sự phát triển của đất nước và tương lai của giống nòi. Do đó, công tác phòng, chống HIV/AIDS tiếp tục được khẳng định là một trong những nhiệm vụ quan trọng, phải được thực hiện thường xuyên và lâu dài.

Tích cực phòng chống HIV/AIDS

(QT) - Hiện nay, đại dịch HIV/AIDS đang là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người dân, tác động rất lớn đến sự phát triển của đất nước và tương lai của giống nòi. Do đó, công tác phòng, chống HIV/AIDS tiếp tục được khẳng định là một trong những nhiệm vụ quan trọng, phải được thực hiện thường xuyên và lâu dài.

Trong suốt hơn 20 năm đương đầu với đại dịch, công tác phòng, chống HIV/AIDS ở tỉnh ta đã thu được những kết quả quan trọng. Tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,035%, thấp hơn mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược quốc gia phòng, chống AIDS (0,3%). Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức công tác phòng, chống HIV/AIDS; hệ thống phòng chống HIV/AIDS không ngừng được kiện toàn, tăng cường về số lượng và chất lượng; công tác phối hợp liên ngành tiếp tục được đẩy mạnh. Hoạt động can thiệp giảm tác hại được triển khai với nhiều hình thức như cung cấp, giới thiệu bao cao su, bơm kim tiêm cho đối tượng có hành vi nguy cơ cao, công tác điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone được thực hiện thường xuyên.

Học sinh hưởng ứng Tháng hành động phòng chống HIV/AIDS

Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 249 bệnh nhân đăng ký tham gia điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện thay thế bằng Methadone, góp phần cải thiện tình trạng sức khỏe cho người nghiện, giảm lây nhiễm HIV do tiêm chích chung bơm kim tiêm, giảm tổn thất kinh tế cho bản thân, gia đình, hạn chế tội phạm... Tuy nhiên, đại dịch HIV/AIDS tại Quảng Trị vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca nhiễm mới vẫn tăng, đại dịch vẫn có xu hướng tiếp tục lan rộng trong cộng đồng dân cư thông qua con đường tình dục không an toàn. Theo thống kê của các ngành chức năng, tính đến 31/10/2017, trên địa bàn tỉnh có số người nhiễm HIV lũy tích 306, trong đó 160 người chuyển sang AIDS, còn sống 211 người.

Trong 10 tháng đầu năm 2017 đã có thêm 15 ca nhiễm HIV mới được phát hiện, con số này gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2016. Địa bàn có người nhiễm HIV/AIDS bao phủ 9/10 huyện thị, thành phố và 80/141 xã, phường, thị trấn. Đối tượng lây nhiễm HIV có xu hướng trẻ hóa, chiếm 70% tổng số người nhiễm của tỉnh trong độ tuổi 20-39. Người nhiễm HIV được phát hiện khá muộn và có sự chuyển đổi về hình thái lây nhiễm: qua giám sát trọng điểm 200 phụ nữ bán dâm năm 2017 chưa phát hiện người nhiễm mới; nhiễm HIV qua tiêm chích ma túy có chiều hướng giảm rõ rệt và xuất hiện nhóm mới nhiễm HIV đó là vợ, bạn tình người nhiễm HIV và đặc biệt năm 2017 đã phát hiện nhiễm HIV nhóm nam quan hệ tình dục với nam (hay gọi là đồng tính luyến ái) và vẫn có những người vừa có quan hệ tình dục với nam, vừa có quan hệ tình dục với nữ.

Đặc biệt, các trường hợp phát hiện dương tính với HIV thường muộn, số phụ nữ tự nguyện xét nghiệm HIV trước và trong thai kỳ còn hạn chế, đa số xét nghiệm HIV lúc chuyển dạ nên điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con muộn. Hơn nữa, người dân chưa có kiến thức chung về HIV/ AIDS và việc thực hiện hành vi an toàn phòng lây nhiễm HIV của mọi người vẫn chưa đạt yêu cầu, số người tự nguyện tham gia xét nghiệm HIV chưa nhiều do sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS; mạng lưới cung cấp dịch vụ ở một số địa bàn, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế...

Với chủ đề “Xét nghiệm HIV sớm - Hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020”, Ban chỉ đạo Phòng chống tội phạm, ma túy, mại dâm, HIV/ AIDS và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng Tháng hành động phòng chống HIV/AIDS như tăng cường giới thiệu, quảng bá về lợi ích của xét nghiệm HIV, tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS. Tích cực giới thiệu các cơ sở cung cấp dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS sẵn có trên địa bàn tỉnh, bao gồm các dịch vụ chuyển tiếp, chuyển tuyến để mọi người dân, đặc biệt là những người dễ tổn thương, người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS dễ dàng tiếp cận và sử dụng.

Tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư và cùng các phong trào quần chúng khác, từ đó tạo sự đồng tâm hợp lực của cả hệ thống chính trị và của toàn dân tham gia vào công cuộc phòng, chống HIV/ AIDS. Kiện toàn hệ thống các phòng tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện trên địa bàn toàn tỉnh, các phòng xét nghiệm sàng lọc HIV tại các Trung tâm Y tế huyện, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, Bệnh viện Đa khoa khu vực Triệu Hải, các phòng khám, phòng xét nghiệm tư nhân có thực hiện xét nghiệm sàng lọc HIV... Đối với người nhiễm HIV cần phải tuân thủ điều trị nhằm đảm bảo chất lượng điều trị, khống chế vi rút trong máu ở mức thấp nhất có thể. Người nhiễm không nên tự kỳ thị với bản thân, hãy cùng toàn xã hội phòng, chống kỳ thị và phân biệt đối xử.

Để thực hiện tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS, thiết nghĩ các ngành chức năng cần phải nỗ lực tăng cường công tác tuyên truyền từ đó giúp mọi người hiểu về tầm quan trọng của việc xét nghiệm HIV sớm để phát hiện sớm tình trạng nhiễm HIV và được tiếp cận dịch vụ tư vấn, chăm sóc, điều trị đúng, giúp nâng cao tình trạng sức khỏe của người nhiễm HIV/AIDS. Đồng thời, việc phát hiện sớm cũng góp phần quan trọng hạn chế sự lây lan HIV trong cộng đồng, đảm bảo cho sự phát triển an toàn của xã hội.

Phan Thanh Hải