Cục Thuế Quảng Trị phấn đấu hoàn thành tốt chỉ tiêu thu nợ thuế
QTO - Quản lý nợ thuế có vai trò rất quan trọng trong việc hạn chế các hành vi trốn thuế, đảm bảo người nộp thuế nộp các khoản thuế đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước, từng bước thực hiện công bằng xã hội trong lĩnh vực nộp ngân sách nhà nước.

Cục Thuế Quảng Trị phấn đấu hoàn thành tốt chỉ tiêu thu nợ thuế

Quản lý nợ thuế có vai trò rất quan trọng trong việc hạn chế các hành vi trốn thuế, đảm bảo người nộp thuế nộp các khoản thuế đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước, từng bước thực hiện công bằng xã hội trong lĩnh vực nộp ngân sách nhà nước.

Phòng Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế triển khai công tác thu hồi nợ thuế năm 2021 - Ảnh: N.T.B

Cục Thuế tỉnh Quảng Trị xác định công tác quản lý nợ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021. Do đó ngay từ đầu năm, Cục Thuế tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai đôn đốc thu, xử lý nợ thuế, giao chỉ tiêu thu tiền thuế nợ cụ thể đến các chi cục thuế, các phòng liên quan và từng cán bộ phụ trách công tác quản lý nợ.

Phối hợp tích cực với các ngành, các thành viên trong ban chỉ đạo các cấp để đôn đốc thu nộp ngân sách thu hồi nợ thuế của UBND tỉnh và các địa phương để xử lý các trường hợp chây ỳ nợ đọng tiền thuế. Đồng thời duy trì việc thực hiện công khai thông tin người nợ thuế trên Đài PT - TH tỉnh, Báo Quảng Trị, Trang thông tin điện tử Cục Thuế, phấn đấu đạt mục tiêu giảm số tiền nợ đọng thuế xuống dưới chỉ tiêu của Tổng cục Thuế.

Hiện nay, tình hình COVID-19 kéo dài từ năm 2020 đã tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn, doanh thu đạt thấp, hoạt động cầm chừng hoặc không ít đơn vị lâm vào cảnh nợ nần phải dừng hoạt động và công bố phá sản. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp còn chây ỳ nộp thuế nên hiệu quả thu hồi nợ thuế đạt thấp.

Việc triển khai chính sách gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất trong năm 2021 theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ đọng tiền thuế và tiền chậm nộp có xu hướng tăng.

Trước những khó khăn trên, Phòng Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế phối hợp với các phòng chức năng thực hiện phân loại các khoản nợ thuế, đánh giá năng lực của doanh nghiệp, người nộp thuế để có giải pháp quản lý, đôn đốc thu phù hợp và hiệu quả. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan trong việc thu hồi nợ đọng thuế, đặc biệt là xử lý thu hồi các khoản tiền nợ đọng liên quan đến đất đai, tài nguyên, cấp quyền khai thác khoáng sản.

Tổng số nợ thuế đến ngày 31/6/2021 là 331.933 triệu đồng, số tuyệt đối tăng so với thời điểm 31/12/2021 là 138.635 triệu đồng. Trong đó nợ khó thu tính đến ngày 30/6/2021 là 60.443 triệu đồng, số tuyệt đối tăng so với ngày 31/12/2020 là 5.620 triệu đồng. Số nợ có khả năng thu là 271.488 triệu đồng, số tuyệt đối tăng so với thời điểm 31/12/2020 là 134.586 triệu đồng.

Nhờ sự phối hợp tích cực của các cơ quan, các ngân hàng thương mại trên địa bàn nên đến ngày 30/6/2021, số nợ chờ xử lý là 0 đồng số tuyệt đối so với 31/12/2020 giảm 3.891 triệu đồng. Đây là kết quả từ sự nỗ lực, cố gắng của CBCC Cục Thuế trong 6 tháng đầu năm quản lý và thu nợ đúng quy trình thu số nợ thuế phát sinh trong kỳ, hạn chế tối đa tình trạng nợ thuế. Tính đến thời điểm 30/6/2021, Cục Thuế đã thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế, đã thu được 64.704 triệu đồng từ số nợ thuế của năm trước chuyển sang năm 2021.

Đạt được kết quả trên, trong 6 tháng đầu năm, ngành Thuế tỉnh đã thực hiện quyết liệt các biện pháp đôn đốc nợ thuế tới 100% người nộp thuế nợ thuế. Cán bộ của phòng đã trực tiếp gọi điện thoại đôn đốc người nộp thuế nộp tiền thuế nợ đọng và phát sinh 3.000 lượt; ban hành thông báo nộp thuế cho 118.441 lượt người nộp thuế; ban hành 312 lượt quyết định cưỡng chế, số tiền thuế cưỡng chế 122.436 triệu đồng, trong đó 276 lượt quyết định cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản ngân hàng, số tiền cưỡng chế là 103.976 triệu đồng, thu nợ được 5.931 triệu đồng. 36 lượt quyết định cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, số tiền cưỡng chế 18.460 triệu đồng, thu nợ được 5.771 triệu đồng.

Trưởng Phòng Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế Hồ Thị Kim Huế cho biết: Công tác quản lý thu hồi nợ thuế trong 6 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh và các chính sách tài khóa của Chính phủ nên số nợ này ngày càng tăng. Bên cạnh đó, hiện nay một số doanh nghiệp không mở tài khoản tại ngân hàng, kho bạc và các tổ chức tín dụng hoặc có mở tài khoản nhưng trong tài khoản không còn số dư hoặc không đăng ký với cơ quan thuế số tài khoản theo quy định. Điều đáng nói là một số doanh nghiệp lại mở nhiều tài khoản ở các ngân hàng trong và ngoài tỉnh. Bởi vậy, khi thực hiện được biện pháp trích tiền hoặc phong tỏa tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế tại kho bạc nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác thì cơ quan thuế gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Ở Quảng Trị chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ nên nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh, khó khăn về tài chính dẫn đến tình trạng sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, nguồn tài chính hạn hẹp. Một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nhưng năng lực cạnh tranh trên thị trường còn hạn chế, chi phí đầu vào lớn, do ảnh hưởng dịch bệnh nên sản phẩm sản xuất ra gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ dẫn đến tình trạng không có tiền để nộp ngân sách nhà nước.

Với mục tiêu phấn đấu số nợ thuế đến thời điểm 31/12/2021 không vượt quá 5% so với số thực hiện thu trong năm 2021, trong 6 tháng cuối năm Cục Thuế tỉnh sẽ triển khai đồng bộ, linh hoạt và hiệu quả các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy định. Trong đó, đơn vị tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp trong việc quản lý, thu hồi nợ đọng thuế. Rà soát, phân tích và phân loại nợ thuế, từ đó triển khai đồng bộ các biện pháp đôn đốc, xử lý nợ. Đặc biệt cơ quan thuế chú ý phân tích rõ đối tượng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 nhằm động viên và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời theo dõi sát số tiền thuế được gia hạn để đôn đốc kịp thời số tiền đã hết thời hạn gia hạn nộp thuế.

Để giảm áp lực về nợ thuế, ngành thực hiện đầy đủ, kịp thời Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu của công tác quản lý nợ và cưỡng chế thuế. Công khai danh sách doanh nghiệp thuộc loại rủi ro cao về thuế thực hiện mua hóa đơn của cơ quan thuế phát hành, các doanh nghiệp chây ỳ không nộp tiền thuế đúng hạn lên các cơ quan thông tin đại chúng và trang tin điện tử của ngành.

Ngoài nỗ lực của cơ quan thuế cần có sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp tích cực của các ngành liên quan để công tác thu hồi nợ thuế hiệu quả, phấn đấu số thuế nợ đọng không vượt quá 5% so với tổng thu ngân sách năm 2021 như mục tiêu đã đề ra.

Nguyễn Trí Bật