Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực hiện Nghị quyết TƯ 4- những vấn đề cấp bách về xây dựng đảng hiện nay
(QT) - Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề xây dựng đảng, giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên để Đảng ta luôn trong sạch và vững mạnh, có tầm cao trí tuệ, sức chiến đấu, đủ năng lực lãnh đạo, đáp ứng tốt yêu cầu của mỗi giai đoạn cách mạng. Hiểu rất rõ vai trò của Đảng với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, trước lúc đi xa, Người căn dặn trong Di chúc: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân”. Thực tiễn 82 năm qua, từ ngày thành lập Đảng đến nay cho thấy, vận mệnh của dân tộc ta đã gắn liền với vận mệnh của Đảng. Xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh là điều kiện quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Cũng cần phải nói rằng, nguyên nhân trực tiếp, căn bản dẫn đến chính biến tại Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu là do đảng cầm quyền tại các nước này đã không làm tốt công tác xây dựng đảng, xa rời nguyên tắc tập trung dân chủ; buông lỏng sự lãnh đạo chính trị, tư tưởng của đảng; nội bộ đảng có sự thoái hoá, biến chất nghiêm trọng, một bộ phận tha hoá về đạo đức, lối sống; việc lựa chọn những người kế tục sự nghiệp cách mạng chủ quan, không chính xác...
 |
Phố mới Đông Hà - Ảnh: THÀNH DŨNG |
Để xây dựng Đảng vững mạnh, ngang tầm với đòi hỏi của dân tộc và thời đại, đặc biệt là trong điều kiện đảng cầm quyền, Đảng phải thật trong sạch. Những năm gần đây, Đảng ta đã 2 lần ra nghị quyết chuyên đề về xây dựng đảng. Lần trước là Nghị quyết Trung ương 6 (khóa VIII), tháng 2/1999 và nay BCH Trung ương Đảng (khóa XI) tại Hội nghị lần thứ 4 tiếp tục ra nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng đảng hiện nay”. Nghị quyết được sự quan tâm và hoan nghênh của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã chỉ rõ: “Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng... Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một bộ phận cán bộ cấp cao, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc... ”. Để tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng đảng, nghị quyết chỉ rõ, trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện tốt 8 nhiệm vụ trong công tác xây dựng đảng mà Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã đề ra, đồng thời tập trung cao độ để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt 3 vấn đề cấp bách, trong đó vấn đề: Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp là trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất. Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của người cán bộ, đảng viên là vấn đề “tư cách một người cách mệnh” mà ngay từ năm 1925 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa vào bài giảng đầu tiên cho những cán bộ cách mạng trẻ tuổi của Việt Nam. Sự giác ngộ lý tưởng cộng sản, lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của giai cấp công nhân, suốt đời hy sinh phấn đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là phẩm chất hàng đầu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra cho mỗi đảng viên cộng sản. Nghiên cứu những bài nói và viết của Người, chúng ta đều thấy mối quan tâm hàng đầu của Người là xây dựng một đội ngũ cán bộ đảng viên của Đảng thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Là “đầy tớ” của nhân dân, Người căn dặn: Mỗi cán bộ, đảng viên phải tận tụy phục vụ nhân dân, một lòng một dạ vì lợi ích của nhân dân. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguyên nhân sâu xa khiến người đảng viên mắc những căn bệnh nguy hiểm như kiêu ngạo, hống hách, tham ô, lãng phí chính là chủ nghĩa cá nhân: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Để trị bệnh chủ nghĩa cá nhân, trước hết là thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình (TPBVPB). Người xem TPBVPB là vũ khí nâng cao trình độ lãnh đạo của Đảng, để Đảng làm tròn sứ mệnh lãnh đạo cách mạng, làm tròn sứ mệnh trước giai cấp và dân tộc. Người nói: “Một đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó… là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. TPBVPB không những là vấn đề của khoa học cách mạng, mà còn là nghệ thuật. Người lưu ý cán bộ, đảng viên và các cấp bộ đảng từ trên xuống dưới phải “luôn luôn dùng và khéo dùng cách tự phê bình và phê bình”. Muốn thực hiện tốt nguyên tắc này, đòi hỏi mỗi người phải trung thực, chân thành với bản thân mình cũng như với người khác, “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Trong thực hiện phê bình cần có kế hoạch, biện pháp thích hợp để quần chúng nhân dân tham gia phê bình cán bộ, đảng viên. Bác Hồ đã dạy: “Đồng chí, đồng sự phê bình chưa đủ. Phải hoan nghênh quần chúng phê bình nữa, thì sự phê bình mới hoàn toàn đúng”. Một trong những giải pháp để chỉnh đốn đảng theo Nghị quyết TƯ 4 là TPBVPB. Đây là khâu mở đầu, mấu chốt, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Phương châm, phương pháp tiến hành là phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nhất là những mặt còn yếu kém, không nể nang, né tránh; đề ra các biện pháp khắc phục, sửa chữa thiết thực, khả thi cho tập thể và mỗi cá nhân theo Chỉ thị số 15-CT/TW của Bộ Chính trị về việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI). Thực hiện TPBVPB đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải có dũng khí, sự trung thực và gương mẫu. Trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên phải rất tự giác, cầu thị, có lòng tự trọng, không vì động cơ cá nhân mà né tránh, nể nang, “dĩ hoà vi quý” (miễn là không động đến quyền lợi của mình). Cũng vì nhiều lý do mà người này không nói ra khuyết điểm của người khác, lợi ích cá nhân chi phối giữa việc phê bình hay không phê bình, tự phê bình hay không tự phê bình. Chính vì thế, khi nói về phê bình và sửa chữa, Bác đã nhấn mạnh đến chữ “DŨNG”, rất cần dũng khí trong đấu tranh tự phê bình và phê bình. Bác viết: “Dũng là dũng cảm, gan góc, gặp việc phải có gan làm. Thấy khuyết điểm có gan sửa chữa. Cực khổ khó khăn, có gan chịu đựng. Có gan chống lại những sự vinh hoa, phú quý, không chính đáng. Nếu cần, thì có gan hy sinh cả tính mệnh cho Đảng, cho Tổ quốc, không bao giờ rụt rè, nhút nhát”. Nêu cao tính đảng trong tự phê bình, bản thân mỗi đảng viên phải tự giác gợi lại, tự xét lại hành vi của mình gắn với vị trí, nhiệm vụ công tác được giao. Bên cạnh đó, việc được kiểm điểm, phê bình từ nhiều giác độ (tập thể cơ quan, quần chúng...) là điều kiện để bản thân mỗi cán bộ, đảng viên có cơ hội nhìn nhận lại mình một cách toàn diện. Cơ quan thanh tra, kiểm tra phải cung cấp, tích luỹ, thu thập tất cả các bằng chứng, để cung cấp cho các trọng điểm, trọng tâm để biết phê bình và kiểm điểm. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu là phải làm đi làm lại, chứ không phải làm qua loa cho xong. Phải thực hiện việc kiểm điểm, phê bình quyết liệt, triệt để, làm rõ cái đúng cái sai. Bản thân người làm công tác đó kiểm điểm, phê bình cũng phải làm rõ, hiểu rõ cái đúng cái sai. Theo tinh thần của Nghị quyết TƯ 4, việc TPBVPB phải bắt đầu từ tập thể lãnh đạo của mỗi cấp ủy đảng, của người đứng đầu và bản thân mỗi cán bộ, đảng viên. Trong đó nhấn mạnh sự gương mẫu của người đứng đầu, bắt đầu từ cấp cao nhất. Sự gương mẫu về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của người đứng đầu rất quan trọng. Bác Hồ và Đảng ta đã nhiều lần nhấn mạnh vai trò gương mẫu của đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu. Trong tổ chức thực hiện, nghị quyết nêu trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu: “Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị ở các cấp chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch thực hiện nghị quyết giải quyết từng vấn đề cấp bách, xác định rõ những việc cần làm ngay, làm quyết liệt, có hiệu quả, thời gian hoàn thành và phân công người chịu trách nhiệm cụ thể”. Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) đáp ứng đúng yêu cầu cuộc sống, đáp ứng mong muốn của cán bộ, đảng viên, nhân dân cả nước. Nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn đảng là vấn đề hết sức hệ trọng, phải được đặt ra nghiêm túc, kiên quyết để quyết tâm thực hiện, đạt được bước chuyển biến quan trọng, góp phần xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, qua đó làm tăng thêm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường phát triển của đất nước. Triển khai thực hiện nghị quyết phải bình tĩnh, tỉnh táo, không nóng vội cực đoan; đồng thời không để rơi vào trì trệ, hình thức, không chuyển biến được tình hình... Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Xây dựng, chỉnh đốn đảng là công việc rất khó, rất phức tạp”, “khó nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ”. TỪ QUANG HOÁ