Phát huy vai trò của nhân dân để xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch vững mạnh
(QT) - Triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XI, Đảng ta ban hành Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”- một trong những nghị quyết chuyên đề mở đầu cho một nhiệm kỳ. Nghị quyết Trung ương số 12-NQ/TW (khoá XI) lần này tập trung giải quyết ba vấn đề đang thực sự cấp bách, cần làm ngay, đó là: Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là ở cấp trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế; xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Ba vấn đề này có mối quan hệ biện chứng với nhau. Trong đó vấn đề thứ nhất là cốt lõi, xuyên suốt và cấp bách nhất. Giải quyết 3 vấn đề này, chúng ta hy vọng sẽ có chuyển biến thật sự, Đảng ta sẽ vững mạnh hơn, các tiêu cực và tệ nạn sẽ được ngăn chặn, đẩy lùi từng bước. Những vấn đề không phải lần đầu tiên mà đã có nhiều cuộc vận động, nhiều chủ trương, nghị quyết của Đảng trong nhiều năm, nhiều kỳ đại hội đảng đặt ra. Song kết quả vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, thậm chí có những vấn đề trở nên trầm trọng hơn. Sở dĩ như vậy không phải chúng ta không bắt trúng mạch, không chọn đúng và trúng vấn đề mà cơ bản chúng ta còn làm chưa tới tầm, tiến hành không đồng bộ, riêng rẽ từng vấn đề, thiếu sự chỉ đạo tập trung. Chính vì vậy, Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” là một nghị quyết có tầm quan trọng đặc biệt, nhất là khâu tổ chức triển khai với quyết tâm khó mấy cũng phải thực hiện.
 |
Nguồn nhân lực cho tương lai -Ảnh: CAO VĂN TỈNH |
Để quyết tâm chính trị đó trở thành hiện thực, các cấp ủy đảng, nhất là tổ chức cơ sở đảng và chi bộ trực thuộc đảng ủy cùng với việc thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp đã nêu một cách đồng bộ, trong đó cần phải thực sự phát huy vai tròcủa nhân dân, bởi hai lý do sau đây: 1. Để thực hiện Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Đảng ta đề ra 4 nhóm giải pháp, mỗi nhóm có từ 3-7 nội dung thì ít nhất mỗi nhóm đều có một nội dung nói về vai trò, trách nhiệm của nhân dân. Chẳng hạn như, nhóm giải pháp đầu tiên có 3 nội dung, nhưng để thực hiện 3 nội dung đó Trung ương xác định “Trước khi kiểm điểm, cần có hình thức phùhợp lấy ý kiến góp ý, gợi ý kiểm điểm”. Điều này, khi tiếp nhận các văn bản hướng dẫn kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Ban Tổ chức Trung ương chúng ta thấy rất rõ vai trò của quần chúng trong đóng góp ý kiến phê bình cán bộ, đảng viên. Nhóm giải pháp thứ hai về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt đảng, có 7 nội dung thì một trong số đó là “Định kỳ tổ chức để nhân dân góp ý kiến xây dựng Đảng thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội”. Tiếp đến 1 trong 5 nội dung của nhóm giải pháp thứ ba về cơ chế, chính sách đã ghi rõ “Trong năm 2012 ban hành quy chế giám sát (trực tiếp và gián tiếp) của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng và chính quyền các cấp; trong đó có cơ chế giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học; cơ chế để Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền”. Còn nhóm giải pháp thứ tư về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cũng đã chỉ rõ “Cán bộ chủ chốt và cán bộ dân cử các cấp phải thường xuyên tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, chủ động nắm bắt tâm tư, đánh giá, dự báo diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và có biện pháp giải quyết kịp thời...”. Dẫn ra như vậy để khẳng định một điều tại Nghị quyết Trung ương 4 đã xác định rất rõ vai trò của nhân dân. Và nhiệm vụ của các cấp uỷ đảng, nhất là tổ chức cơ sở đảng và chi bộ trực thuộc đảng uỷ, đảng viên trong quá trình thực hiện nghị quyết là phải phát huy vai tròcủa nhân dân. 2. Xét cho cùng nghị quyết của Đảng cũng là nghị quyết của dân. Đảng ta từ ngày ra đời cho đến nay và mãi mãi về sau luôn lấy lợi ích của nhân dân, của dân tộc làm mục tiêu phấn đấu của mình. Ngoài việc phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác. Cho nên “dân giàu, nước mạnh”, “Đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”, “đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị - xã hội ổn định, dân chủ, kỷ cương, đồng thuận; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau”, đó là kết quả cao nhất mà nghị quyết của Đảng hướng tới và đó là tâm nguyện của nhân dân. Chính từ quan điểm đó, trong mọi thời kỳ cách mạng, Đảng ta luôn coi “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. Một trong những bài học quý báu Đảng ta rút ra trong quá trình lãnh đạo xã hội đó là khi chủ trương, chính sách của Đảng được nhân dân đồng tình, ủng hộ thì không khó khăn nào có thể cản trở để đến đích thắng lợi. Nhắc lại bài học này khi Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” ngay sau khi ban hành, đã được đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, nhất trí cao, cho rằng nghị quyết đã lựa chọn đúng vấn đề, đánh giá đúng thực trạng và đề ra đúng các giải pháp để tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn đảng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và nguyện vọng của nhân dân. Với hai lý do nêu trên có thể khẳng định rằng vai tròquan trọng của nhân dân trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Tuy nhiên, để nhân dân phát huy vai trò của mình trong xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch vững mạnh, thiết nghĩ cần phải tiến hành một số việc: - Các cấp uỷ đảng, nhất là chi bộ cần tổ chức, tạo điều kiện để nhân dân nắm nội dung cơ bản của 3 vấn đề cấp bách và 4 nhóm giải pháp, đặc biệt là trách nhiệm của nhân dân trong quá trình cùng Đảng khắc phục những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm đối với 3 vấn đề cấp bách theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4. -Tuyên truyền, giáo dục để nhân dân nhận thức đầy đủ, sâu sắc mục đích, ý nghĩa, nội dung của nghị quyết, nắm vững những kiến thức cần thiết, những tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm, trên cơ sở đó, tạo sự thống nhất cao về ý chí, quyết tâm, thấy đầy đủ trách nhiệm của mình để cùng Đảng, mà trước hết là chi bộ nơi mình sinh sống thực hiện nghị quyết có hiệu quả. - Củng cố, xây dựng Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, nhất là cấp cơ sở vững mạnh, để thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội mỗi đoàn viên, hội viên và người dân phát huy quyền làm chủ, trong đó có việc góp ý kiến xây dựng đảng. Tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung uơng 4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “...Với truyền thống và bản chất tốt đẹp của Đảng ta, với quyết tâm chính trị rất cao của toàn Đảng, lại được nhân dân đồng tình, ủng hộ, nhất định chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4, tạo bước chuyển biến mới trong công tác xây dựng đảng, làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”. NGUYỄN TRÍ ÁNH