Xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân
(QT) - Xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần người dân được Đảng và Nhà nước đặc biệt chú trọng. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, ngày 24/4/2009, HĐND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Nghị quyết 05/NQ-HĐND “Về phát triển sự nghiệp văn hóa, thể dục, thể thao; xây dựng thiết chế văn hóa, thể dục, thể thao cơ sở và phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020”. Nghị quyết trên đã tạo điều kiện thuận lợi để các cấp, các ngành trong tỉnh huy động nhiều nguồn lực, tập trung đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ cho việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở ngày càng đi vào chiều sâu. Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh, đến nay việc đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đạt được kết quả quan trọng, một số công trình văn hóa, thể thao quan trọng cấp tỉnh đã được đầu tư xây dựng như Quảng trường và Nhà văn hóa trung tâm tỉnh, hạng mục khán đài B, C sân vận động Đông Hà, Nhà thi đấu đa năng thuộc Khu thi đấu Liên hợp thể thao tỉnh, Thư viện tỉnh, Nhà văn hóa thiếu nhi tỉnh, Bể bơi tổng hợp... Các thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện cũng được đầu tư đưa vào sử dụng như Nhà tập luyện và thi đấu các huyện Vĩnh Linh, Hướng Hóa, Cam Lộ, Triệu Phong; Thư viện và sân vận động thị xã Quảng Trị, Nhà thiếu nhi huyện Cam Lộ...
 |
Quảng trường và Nhà văn hóa trung tâm tỉnh được đầu tư xây dựng nhằm phục vụ các hoạt động sinh hoạt chính trị, văn hóa địa phương |
Toàn tỉnh có 10 trung tâm văn hóa - thể thao cấp huyện, 12 khu vui chơi giải trí, 9 nhà văn hóa thiếu nhi, 5 nhà thi đấu theo môn thể thao, 7 nhà thi đấu đa năng, 4 sân vận động, 25 bể bơi... Có 77/141 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa, sân thể thao, có 909/1.060 làng, bản, khu phố có nhà văn hóa, khu thể thao, đạt tỷ lệ 85,7%. Hơn 500 cổng chào được xây kiên cố. Gần 1.000 cụm bảng thông tin cổ động, 2.500 panô các loại, 9.227 hộp đèn panô tuyên truyền, 5.000 tấm áp phích, 75 cụm panô cỡ lớn, 1.348 sân thể thao các loại, 810 đội văn nghệ, 450 câu lạc bộ trong các làng văn hóa duy trì, hoạt động thường xuyên, có 245 thư viện và 250 tủ sách với nguồn kinh phí trị giá hơn 309 tỷ đồng. Bên cạnh đó, sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết số 05 của HĐND tỉnh, các cấp ủy đảng, chính quyền đã chú trọng đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa ở các địa bàn, khu dân cư vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng biên giới, hải đảo như đầu tư, trang cấp hệ thống âm thanh, loa máy, xây dựng nhà văn hóa cho các bản, làng. Toàn tỉnh đã đầu tư xây mới 32 cơ sở văn hóa, thể thao cấp xã, phường, thị trấn; 110 cơ sở văn hóa làng, bản, khu phố. Cùng với các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng, đội ngũ cán bộ văn hóa ngày càng được đào tạo có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng động, sáng tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng các thiết chế văn hóa, góp phần thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân sinh hoạt văn hóa cộng đồng, làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc và của địa phương. Đồng thời, đã tạo ra môi trường thuận lợi để nhân dân tự khai thác tiềm năng văn hóa của mình ngay tại cơ sở, đoàn kết, đóng góp công sức, tiền của để xây dựng, cải tạo, nâng cấp, xây dựng đường giao thông nông thôn, các thiết chế văn hóa, thể thao, làm đẹp cảnh quan môi trường, góp phần làm phong phú và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống ở cơ sở. Đặc biệt, các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phát triển sổi nổi, ngày càng thu hút đông đảo nhân dân tham gia, đặc biệt là các hoạt động hướng về cơ sở như các đội chiếu bóng lưu động duy trì việc chiếu phim lưu động cho đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa; các CLB dân ca, CLB văn nghệ trên toàn tỉnh hoạt động thường xuyên, nhất là vào các dịp liên hoan, hội thi, hội diễn như ngày hội văn hóa huyện Hải Lăng, Vĩnh Linh, Triệu Phong, lễ hội Ariêuping, lễ hội cồng chiêng... Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” được triển khai thực hiện; phong trào thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Đến nay có 137.719 người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên; gia đình thể thao đạt 15,8%; hơn 360.000 người tham gia các hoạt động văn hóa quần chúng; 17.000 người tham gia các câu lạc bộ sở thích. Thông qua việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa đã tạo điều kiện để phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển, ngày càng đi vào chiều sâu; nhiều khu dân cư, đơn vị, gia đình đạt danh hiệu văn hóa. Đến nay, toàn tỉnh có 129.403/151.150 gia đình được công nhận gia đình văn hóa các cấp, đạt tỷ lệ 85,6%; 907/1.060 làng, bản, khu phố được công nhận làng, bản, khu phố văn hóa, đạt tỷ lệ 85,5%; 905/1.014 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận đạt chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 89,2%, góp phần thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội ở địa phương. Bài, ảnh: THẢO UYÊN