Qua vùng khô hạn
(QT) - Vùng Lìa ở huyện vùng cao Hướng Hóa (Quảng Trị) chỉ cần nhắc tên cũng đã có cảm giác xa ngái, cách trở. Khí hậu ở vùng này rất khắc nghiệt, nhất là vào mùa khô. Cái hạn đến hẹn lại lên, phủ lên cả một vùng rừng núi rộng lớn một màu vàng úa khô khốc.Ruộng khô, sắn cháy Đường vào vùng Lìa từ ngã ba Tân Long, đoạn nối từ Quốc lộ 9 nay đã được tu sửa và mở rộng. Nhưng đi hết xã Thanh, xã Thuận đến địa phận xã A Xing thì gặp con đường cũ, đầy ổ voi, ổ gà như muốn “bẫy” khách đường xa. Nhưng ...

Qua vùng khô hạn

(QT) - Vùng Lìa ở huyện vùng cao Hướng Hóa (Quảng Trị) chỉ cần nhắc tên cũng đã có cảm giác xa ngái, cách trở. Khí hậu ở vùng này rất khắc nghiệt, nhất là vào mùa khô. Cái hạn đến hẹn lại lên, phủ lên cả một vùng rừng núi rộng lớn một màu vàng úa khô khốc. Ruộng khô, sắn cháy Đường vào vùng Lìa từ ngã ba Tân Long, đoạn nối từ Quốc lộ 9 nay đã được tu sửa và mở rộng. Nhưng đi hết xã Thanh, xã Thuận đến địa phận xã A Xing thì gặp con đường cũ, đầy ổ voi, ổ gà như muốn “bẫy” khách đường xa. Nhưng điều đó không làm khó chúng tôi bằng cái nắng, cái nóng như thiêu, như đốt trên cung đường biên viễn này. Nắng đến độ những cây cổ thụ to tướng bên đường phải rũ rượi. Những cây xoài, nhãn cũng phải héo khô. Còn những loài cây như sắn, ngô, lúa thì phải chống chọi từng ngày để... sinh tồn. Một ông lão bán nước bên đường (vốn là người Bắc, lên đây làm kinh tế mới) chép miệng với tôi rằng: “Đừng lạ, đây là cái chốn “trồng đậu đậu úa, trồng lúa lúa khô, trồng ngô thì ngô quắt lại”.

Bà Hồ Gia Kệt (thôn Cu Rông, xã A Xing, huyện Hướng Hóa) lấy nước từ những hàm ếch dọc suối Ca Đắp khô cạn

Công trình thủy lợi thôn A mo rơ (xã A Xing) những ngày này giống với những ao nước đọng hơn tên gọi chính. Nước cạn và bẩn đến nỗi sủi bọt, gợn váng xanh nhầy nhụa...Vậy mà cả chục hecta lúa nước của người dân thôn này đều trông chờ cả vào đó. “Vậy thì làm sao lúa không chết? Mà nếu không chết thì làm sao...thơm ngon? Giống như con người không có nước uống làm sao cao lớn, mạnh khỏe được?”, anh Hồ Văn Mon, 30 tuổi, một người dân của bản thốt lên những câu hỏi dồn dập, mà người có thể trả lời là... ông trời hay chí ít là các chuyên gia nông nghiệp chứ không phải tôi. Không chỉ ở A mo rơ mà tại hầu hết diện tích lúa hiếm hoi tại 2 thôn khác nữa là A Cha, Tăng Quan 1 cũng đang rơi vào cảnh điêu đứng vì hạn hán. Thông tin từ UBND xã A Xing cho hay cả xã chỉ có 27 ha lúa nhưng 5 ha đã chết khô, còn lại cũng đang “dở sống dở chết” vì thiếu nước. Đến cây sắn là một loài cây chịu hạn tốt và nhiều năm nay mang về cái ăn cái mặc cho người dân địa phương cũng đầu hàng trước nắng nóng. Nhiều người dân trồng sắn như đang “ngồi trên đống lửa” và ngày ngày vẫn cầu mong cho mưa xuống để vớt lại bao mồ hôi, công sức trên nương rẫy. Ông Hồ A Dược, Chủ tịch UBND xã A Xing, thông tin cho chúng tôi rằng chỉ mấy ngày trước tại địa phương đã có hơn 10 ha sắn tại 7 thôn chết khô trên rẫy vì hạn hán.

Cần nước sinh hoạt, người dân địa phương không cần biết nguồn nước có sạch hay không

Dù không khốc liệt như ở A Xing nhưng tình hình tại các xã gần kề như A Dơi, Xy, Pa Tầng... cũng không khả quan hơn, đến đâu cũng nghe những lời than vãn về nắng hạn. Ông Hồ Quốc Trung, Phó Phòng Nông nghiệp huyện Hướng Hóa thở dài nhẩm tính: “Các xã vùng Lìa có trên 50 ha sắn bị cháy vì khô hạn. Chúng tôi đã cố gắng hết sức vì cây sắn là cây chủ lực ở địa phương nhưng do thời tiết tại khu vực này quá khắc nghiệt trong khi hệ thống tưới tiêu xuống cấp”. Nơi nước quý như...sâm Vào mấy xã vùng Lìa mới biết nước ở đây có giá trị như thế nào. Dọc tuyến đường liên xã, đâu cũng thấy người già, trẻ con tìm đủ mọi cách, dùng đủ mọi loại can, chai, lọ... “truy tìm” nước, mang về nhà. Suối Ca Đắp là nguồn nước duy nhất của thôn Cu Rông (xã A Xing) chỉ còn lại một dòng rất nhỏ, chảy không đủ lớn để nghe tiếng động róc rách nhưng vẫn còn hữu ích với dân bản. Ở đó, người ta đào những hàm ếch, chờ nước thấm qua để lấy về làm nước uống trong khi đó có người vẫn nhẫn nại hứng từng gàu nước hoặc nằm sát xuống lòng suối để ...tắm gội.

Bà Hồ Gia Kệt, chân thấp chân cao giữa lòng suối khô cạn, chỉ trơ đá cuội bảo rằng mỗi ngày bà vẫn ra đây lấy nước 3 lần mới đủ dùng cho việc ăn uống. “Cả bản đều vậy chứ đâu chỉ riêng mình mẹ. Nước đối với dân bản bây giờ quý như...sâm rừng. Nhưng sâm không có để ăn hoặc ngâm rượu thì không sao chứ không có nước thì... chết”, bà nói.

Những đứa trẻ ở thôn A mo rơ đi lấy nước giữa buổi trưa nắng

Còn tại thôn A mô rơ, chúng tôi bắt gặp 2 chị em Hồ Thị Cắt và Hồ Thị Cay đang nghiến răng đẩy cả xe rùa chở nước giữa trưa nắng. “Hồi trước, khi chưa nghỉ hè, em còn phải dậy sớm để lấy nước rồi mới đi học”, Cắt thật thà nói, trong khi Cay kiệm lời hơn vì mệt lử khi khuân hai can nước 5 lít/can lên nhà sàn. “Mẹ nói 2 chị em phải xách 4, 5 lượt như thế này mới được đi chơi”, Cay hổn hển nói. Xót xa thay số nước mà 2 đứa trẻ đang hí hửng đẩy về nhà ấy được lấy từ một vũng trâu đằm, dọc mương thủy lợi, hết sức bẩn. Ông Dược nói như tìm sự chia sẻ: “Chúng tôi cố gắng xoay xở làm sao để cho dân có nước sử dụng đã là quá sức rồi. Còn chất lượng nước như thế nào, hợp vệ sinh hay không thì chính quyền không đủ sức làm giữa lúc khát khô này”. Cũng theo ông Chủ tịch xã vùng cao này, trên địa bàn có đến 37 công trình cấp nước do Nhà nước và các tổ chức phi chính phủ đầu tư tiền tỉ trước đó lại bị hư hỏng, không sử dụng được. Nhiều hoài nghi về chất lượng của những công trình này cũng như ý thức sử dụng của người dân được đặt ra. Tranh cãi chưa ngã ngũ thì người dân đã khát cháy họng. Hôm chúng tôi đến, UBND xã A Xing đang tiến hành nghiệm thu 4 giếng khoan do UBND huyện đầu tư với trị giá 25 triệu đồng/ giếng. Dòng nước mát được bơm lên trước sự mừng rỡ của đám trẻ sống sát đó, chúng lao vào tranh nhau tắm giữa trưa nắng. Nhưng chỉ riêng xã A Xing đã có tới 470 hộ dân/ 2.295 nhân khẩu thì 4 giếng nước tẻo teo đó phục vụ được mấy người? Thấy nước đó rồi mà cái hạn vẫn như khô khốc trong cuống họng người viết… Bài, ảnh: NGUYỄN PHÚC