Nghiệm thu đề tài phát triển chăn nuôi bò ở vùng gò đồi Bắc Trung bộ
(QT) - Ngày 27/9/2014, tại thôn Bắc Bình, xã Cam Tuyền (Cam Lộ, Quảng Trị), Đại học Huế tổ chức nghiệm thu, đánh giá đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp bộ: “Lựa chọn các giải pháp kỹ thuật để phát triển chăn nuôi bò đáp ứng yêu cầu phát triển nông thôn mới (NTM) ở vùng gò đồi Bắc Trung bộ” của nhóm tác giả Trường Đại học Nông lâm Huế do PGS- TS Nguyễn Tiến Vởn làm chủ nhiệm. Tham gia nghiệm thu đề tài có đại diện lãnh đạo các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ; đại diện lãnh đạo UBND huyện Cam Lộ, UBND xã Cam Tuyền cùng đông đảo nông dân chăn nuôi bò trên địa bàn thôn Bắc Bình.
 |
Hội đồng thẩm định và đại biểu tham quan mô hình trồng cỏ chăn nuôi bò thâm canh ở thôn Bắc Bình, xã Cam Tuyền. |
Qua khảo sát sinh học, hiệu quả kinh tế, phương thức chăn nuôi bò ở vùng gò đồi Quảng Trị, nhóm tác giả đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ Trường Đại học Nông lâm Huế đã đưa ra những đánh giá, đề xuất áp dụng các giải pháp kỹ thuật và thử nghiệm một số mô hình chăn nuôi bò theo hướng thâm canh đáp ứng yêu cầu phát triển NTM. Nghiên cứu của đề tài cho thấy, chăn nuôi bò ở Quảng Trị chủ yếu theo lối tận dụng, phương thức kết hợp giữa chăn thả và nuôi nhốt chiếm 86,7%. Tình trạng thiếu hụt thức ăn diễn ra trung bình khoảng 3 tháng/năm. Khẩu phần ăn trung bình mới thỏa mãn khoảng 50% năng lượng cho bò thịt và 70% năng lượng cho bò cái sinh sản. Vì vậy, tăng trọng của đàn bò ở các vùng điều tra trên địa bàn tỉnh đều thấp hơn mức bình quân cả nước. Tuy nhiên, ưu điểm ở Quảng Trị là tỉ lệ hộ chăn nuôi bò lai chiếm 1/3 số hộ nuôi bò. Chăn nuôi bò lai mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với nuôi bò nội nên Quảng Trị có điều kiện ban đầu về con giống để phát triển ngành chăn nuôi bò thâm canh theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng cao. Trồng cỏ cao sản để giải quyết căn bản nhu cầu thức ăn thô xanh cho bò là giải pháp để chuyển hướng chăn nuôi bò từ quảng canh sang thâm canh. Qua các mô hình trồng cỏ thí điểm ở một số vùng gò đồi trên địa bàn tỉnh, nhóm tác giả đề tài đã đưa ra nhận định, trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt ở Quảng Trị, các giống cỏ cao sản (VA06, TD58, Mulato II...) vẫn cho năng suất cao, từ 15 đến 30 tấn/ha/ năm. Ngoài trồng cỏ, nhóm tác giả đề tài còn thí điểm sử dụng cỏ trồng và nguồn tinh tại chỗ để vỗ béo bò nuôi nhốt; bổ sung thức ăn tinh cho mẹ và con đến sinh trưởng phát triển của bê trong giai đoạn 0 - 4 tháng tuổi; chăn nuôi bê bú sữa thâm canh… Từ đó, nhóm tác giả đã đưa ra bộ giải pháp bao gồm: trồng cỏ cao sản tập trung trên cánh đồng lớn, cải tiến nuôi bò sinh sản, vỗ béo thâm canh và tổ chức sản xuất dưới hình thức Câu lạc bộ chăn nuôi là phương thức hiệu quả mà các tỉnh trong khu vực Bắc Trung bộ có thể áp dụng để chuyển đổi nghề nuôi bò thịt từ quảng canh/tận dụng sang thâm canh/chuyên canh. Tuy nhiên, để phát triển mô hình bền vững, nhóm nghiên cứu đã đưa ra đề xuất khi xây dựng mô hình cần có sự liên kết giữa nhà khoa học với nông dân, chính quyền địa phương và doanh nghiệp. Sau khi kiểm tra thực tế, nghe báo cáo trình bày và luận giải đề tài của nhóm tác giả Trường Đại học Nông lâm Huế, các thành viên hội đồng thẩm định đánh giá cao kết quả đề tài khoa học công nghệ về phát triển chăn nuôi bò đáp ứng yêu cầu phát triển NTM ở Bắc Trung bộ. Đề tài nghiên cứu đã thể hiện tính vượt trội về kết quả khi xây dựng thành công mô hình trồng cỏ chăn nuôi bò thâm canh ở thôn Bắc Bình, xã Cam Tuyền. Hội đồng thẩm định xếp loại tốt cho đề tài. Tuy nhiên, một số thành viên hội đồng cho rằng đề tài cần có những nghiên cứu rộng hơn, đưa ra những giải pháp về giống bò, giống cỏ và thị trường đầu ra của sản phẩm để nông dân yên tâm sản xuất. Tin, ảnh: LÂM THANH