Huy động tối đa mọi nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo
QTO - Từ trước đến nay, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ về nhà ở, đặc biệt là hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo. Những kết quả đạt được từ việc triển khai các chính sách hỗ trợ này đã có sức lan tỏa rộng rãi trong xã hội, tạo động lực để hộ nghèo yên tâm phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Từ thực tế triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo thời gian qua cho thấy, trong khi kinh phí hỗ trợ của Nhà nước có hạn thì việc huy động tối đa các nguồn lực xã hội có ý nghĩa rất quan trọng, cần được tiếp tục phát huy dưới nhiều hình thức và có sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Huy động tối đa mọi nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo

Từ trước đến nay, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ về nhà ở, đặc biệt là hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo. Những kết quả đạt được từ việc triển khai các chính sách hỗ trợ này đã có sức lan tỏa rộng rãi trong xã hội, tạo động lực để hộ nghèo yên tâm phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Từ thực tế triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo thời gian qua cho thấy, trong khi kinh phí hỗ trợ của Nhà nước có hạn thì việc huy động tối đa các nguồn lực xã hội có ý nghĩa rất quan trọng, cần được tiếp tục phát huy dưới nhiều hình thức và có sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Huy động tối đa mọi nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo

Cùng với cả nước, những năm qua, Quảng Trị luôn thực hiện tốt các chương trình, chính sách chăm lo, hỗ trợ cho người nghèo. Từ năm 2004 đến nay, thông qua nguồn kinh phí của Nhà nước và các nguồn hỗ trợ khác, tỉnh đã xây dựng trên 22.000 nhà ở cho hộ nghèo và các đối tượng khó khăn; xây mới và sửa chữa 12.835 nhà ở cho người có công với cách mạng. Nhiều cơ quan, doanh nghiệp, cán bộ, công chức và người dân trên địa bàn tích cực hưởng ứng, đóng góp ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” do MTTQ các cấp triển khai.

Thông qua nguồn quỹ này, hàng ngàn hộ nghèo ở các địa phương trong tỉnh được tạo điều kiện “an cư lạc nghiệp” và sinh kế để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có trên 4.000 hộ nghèo thiếu hụt về chất lượng nhà ở; hơn 4.500 hộ nghèo thiếu hụt về diện tích nhà ở; 3.152 hộ nghèo thiếu hụt gay gắt về nhà ở và 1.186 hộ cận nghèo có nhà ở tạm bợ, hư hỏng, dột nát cần hỗ trợ.

Mới đây, UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị đã ban hành đề án Huy động nguồn lực thực hiện chính sách hỗ trợ xây mới nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2022-2026 (Đề án số 197/ĐA-UBND-MTTQ). Trong giai đoạn này, Quảng Trị đặt mục tiêu xây dựng 3.152 nhà ở cho hộ nghèo, với tổng kinh phí hỗ trợ trên 217 tỉ đồng; phấn đấu đến 2026, toàn tỉnh không còn hộ nghèo ở nhà tạm bợ.

Định mức hỗ trợ cho một ngôi nhà xây mới ở miền núi là 70 triệu đồng, ở đồng bằng là 60 triệu đồng. Nhà được hỗ trợ phải đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu là 30 m2 và tiêu chuẩn “3 cứng” (nền cứng, khung, tường cứng và mái cứng); tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên. Người dân được hỗ trợ kinh phí trực tiếp để tự thực hiện việc xây dựng nhà ở dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của MTTQ và UBND cấp xã… Nguồn vốn thực hiện hỗ trợ xây nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh theo đề án này được sử dụng từ nguồn ngân sách nhà nước, vận động xã hội hóa; vốn vay (nếu có); vốn tự có của gia đình và nhân công của cộng đồng.

Thực tế cho thấy, mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng việc triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh thời gian qua gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân là do điều kiện kinh phí của tỉnh còn hạn hẹp; giá vật liệu tăng cao ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng; đối tượng hỗ trợ chủ yếu là hộ nghèo, neo đơn nên khó huy động thêm kinh phí xây dựng. Ở một số địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, do điều kiện đi lại khó khăn nên chi phí vận chuyển vật liệu cao, gần bằng kinh phí được hỗ trợ, vì thế người dân khó có thể xây dựng nhà ở với mức được hỗ trợ. Do đó, để đạt được mục tiêu đặt ra trong đề án đòi hỏi sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để huy động tối đa các nguồn lực xã hội thực hiện chính sách hỗ trợ xây nhà mới cho hộ nghèo.

Tháng cao điểm “Vì người nghèo” (diễn ra từ 17/10- 18/11) hằng năm được xem là điểm nhấn trong việc tuyên truyền, vận động các tập thể, cá nhân tích cực tham gia đóng góp ủng hộ và giúp đỡ người nghèo, hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Từ công tác tuyên truyền, vận động này sẽ tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, cùng với Nhà nước, các cấp, ngành chăm lo, giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có điều kiện vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, ban, ngành, đoàn thể cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc huy động nguồn lực cũng như triển khai thực hiện đề án. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với các lực lượng vũ trang trong tỉnh xây dựng, thống nhất kế hoạch để làm tốt công tác dân vận và hỗ trợ ngày công lao động giúp hộ nghèo xây dựng nhà ở.

Đối với các hộ khó khăn (già cả, neo đơn, khuyết tật…) không thể tự xây nhà ở, UBMT phối hợp với UBND cấp xã chỉ đạo các lực lượng ở địa phương hỗ trợ vật liệu, ngày công giúp hộ nghèo hoàn thiện công trình. Công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức chính trị-xã hội, cán bộ, công chức, viên chức, các doanh nghiệp, đoàn viên, hội viên và Nhân dân trên địa bàn tích cực tham gia ủng hộ, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo và các đối tượng khó khăn bằng nhiều hình thức phù hợp (hỗ trợ tiền, góp sức lao động) cần được đẩy mạnh nhằm tạo sự lan tỏa, đồng thời huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị phấn đấu hoàn thành mục tiêu đặt ra của đề án. Đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cần xem việc hỗ trợ người nghèo xây dựng nhà ở là nhiệm vụ của bản thân trong việc sẻ chia trách nhiệm với cộng đồng, trên tinh thần “lá lành đùm lá rách”.

Có thể nói, chăm lo, giúp đỡ cho hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, thể hiện tình thương và trách nhiệm của toàn xã hội để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Sự đầu tư, hỗ trợ bằng vật chất của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong xây dựng nhà ở cho hộ nghèo là điểm tựa, đòn bẩy để những người nghèo có đủ năng lực, điều kiện thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, để “không bị bỏ lại phía sau” thì bản thân người nghèo cũng phải nêu cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Nhà nước, sự hỗ trợ, giúp đỡ của xã hội.

Hoài Nam

Hoài Nam