Thực trạng “ĐH đẳng cấp quốc tế”
Không thực tế

Thực trạng "ĐH đẳng cấp quốc tế"

(TNO) - Trường ĐH đẳng cấp quốc tế là mục tiêu tốt đẹp. Tuy nhiên, làm như thế nào để vừa hiệu quả mà lại không lãng phí trong hoàn cảnh nước ta không thừa tiền, lắm của. Ý kiến của những giáo sư có kinh nghiệm và tâm huyết về giáo dục đáng để lưu tâm.

Không thực tế

Ai cũng mong muốn nước ta có các trường ĐH chất lượng cao và là trung tâm khoa học mạnh, nhưng việc có trở thành ĐH đẳng cấp quốc tế hay không thì không quan trọng, bởi tiêu chí của mỗi tổ chức hay tạp chí xếp hạng các trường ĐH trên thế giới là khác nhau, không có giá trị khẳng định thống nhất.

Có 2 con đường để xây dựng những trường ĐH trở thành trường hàng đầu: một là xây mới như Chính phủ đang làm; hai là đầu tư cho những trường, những khoa, ngành đang có thế mạnh để nâng cấp lên.

Có lập luận rằng cần xây dựng các trường hoàn toàn mới để tránh theo lối mòn của quá khứ. Xét cho cùng lối mòn ấy do “cái khó bó cái khôn” và sự thụ động là do không được tự chủ. Trong khi mô hình trường mới thì không có gì mới trừ 2 điều kiện đặc biệt đó, tức được sự đầu tư lớn và cơ chế tự chủ cao. Nếu có 2 điều kiện đó, thì các trường VN hoàn toàn có thể làm được điều ta kỳ vọng, tại sao lại không được áp dụng? Thậm chí nếu được áp dụng thì số tiền đầu tư sẽ không tốn kém lớn đến như vậy vì các trường đã có cơ sở vật chất, có đội ngũ giảng viên. Chỉ cần đầu tư tốt hơn sẽ có năng lực tốt hơn. Nếu được tự chủ cao thì họ sẽ năng động, sáng tạo hơn.

Tôi không tán thành cách xây dựng trường ĐH đẳng cấp quốc tế như hiện nay. Đây là cách lựa chọn không hợp lý.

Thứ nhất, muốn trở thành ĐH đẳng cấp quốc tế thì không chỉ có đào tạo chất lượng mà phải nghiên cứu khoa học tốt. Xét về mặt khoa học cơ bản và công nghệ thì thế giới đã đi xa rồi, chúng ta phải có thời gian mới có thể theo kịp. Đồng thời rất tốn tiền. Với kinh phí đầu tư như hiện nay sẽ không đảm bảo nghiên cứu được. Riêng về khoa học xã hội và một số lĩnh vực có nét riêng của VN thì người nước ngoài không thể làm thay ta. Đây lại chính là mảnh đất khoa học ta có thể sớm vươn lên tầm quốc tế.

Thứ hai, việc đề ra mục tiêu xây dựng mới các trường ĐH đẳng cấp quốc tế để thúc đẩy và tạo động lực cho đổi mới hệ thống giáo dục ĐH (GDĐH) VN là không thực tế vì nó được ưu đãi đặc biệt, nó là đặc thù chứ không phải điển hình nên không thể nhân rộng được.

Tôi không tin là 10 hay 20 năm nữa những trường mô hình mới này lên được ĐH đẳng cấp quốc tế. Muốn vươn lên tầm cao trong giáo dục ĐH thì phải đi lên từ các trường ĐH của Việt Nam, không thể nhờ nước khác để đổi mới nền ĐH chúng ta.

GS Trần Hồng Quân (Nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT)

Chính sách quá khó khăn

Xây dựng các ĐH nghiên cứu hàng đầu luôn là một việc rất tốn kém, có chi phí đầu tư cho một sinh viên (SV) cao, Nhà nước lại luôn phải là nguồn tài trợ chính dài hạn, học phí phải thấp hơn nhiều so với chi phí, không vì lợi nhuận... Chính vì vậy, việc đảm bảo tài chính dài hạn cho trường luôn là một vấn đề gay cấn đối với các nước đang phát triển, đặc biệt là những nước còn nghèo như VN.

Chi phí trung bình cho một SV VN hiện nay chỉ khoảng 550 - 600 USD/năm. Trong khi đó, con số này vào những năm 2004 -2005 ở Đài Loan đã là khoảng 7.000 USD, châu Âu khoảng 12.000 USD và Mỹ khoảng 22.000 USD. Có thể cho rằng, muốn đảm bảo được khả năng cạnh tranh của nền GDĐH VN, con số này hiện nay cần phải đạt khoảng 1.200 USD/năm. Còn nếu muốn đạt được trường ĐH đẳng cấp quốc tế thì chi phí trên đầu SV phải đạt từ 15.000 - 40.000 USD/năm (là mức chi phí ở các trường ĐH thuộc diện này trên thế giới).

Như vậy, khi đã xây dựng, nhà nước sẽ phải cung cấp tài chính cho các trường ĐH đẳng cấp quốc tế trong mọi giai đoạn. Có thể cho rằng, đây là một điều hết sức cần thiết trong việc đảm bảo sự thành công của dự án. Tuy nhiên, nếu nhìn đến khả năng thực tế của VN, e rằng Nhà nước dù có quyết tâm rất cao và ưu tiên đặc biệt cho các trường ĐH này cũng khó kéo dài sự phân phối nguồn lực mất cân đối trong GDĐH như vậy.

Giả sử, số SV ở các trường ĐH này chỉ chiếm khoảng 1% trong tổng số khoảng 17.000 SV hiện nay. Với mức chi phí trên đầu SV ít nhất khoảng 15.000 USD/năm, trong đó Nhà nước cung cấp khoảng 10.000 USD/năm thì phần ngân sách nhà nước cấp hằng năm sẽ phải khoảng 170 triệu USD, chiếm khoảng 30% của toàn bộ ngân sách nhà nước dành GDĐH. Về lâu dài, đây là một lựa chọn chính sách quá khó khăn cho VN.

Trong điều kiện của VN, theo tôi, từ nay đến 2020, nên tập trung xây dựng vài ba trường ĐH định hướng nghiên cứu quy mô nhỏ, đặt ở vùng đỉnh của “tháp phân tầng” nền GDĐH, có vai trò cốt yếu trong việc đem những tiến bộ của tri thức toàn cầu ứng dụng vào đất nước mình. Trong đó, có lẽ chỉ nên tập trung lập mới một trường để có thể có được một cơ chế quản trị mới, bắt đầu với bậc ĐH. Ngoài ra cần có trường là “đỉnh cao” trong 2 ĐH quốc gia hiện có. Trước mắt cần tập trung vào những ngành đào tạo được dự báo là rất cần thiết cho sự phát triển kinh tế xã hội nói chung và nền GDĐH nói riêng, có thể đảm bảo được mức tự do học thuật cao.

Hiện nay, thiết nghĩ điều quan trọng hơn là, cần có một hệ thống GDĐH được tổ chức một cách “phân tầng” để đáp ứng nhu cầu đa dạng của sự phát triển nền kinh tế quốc gia.

Tôi muốn nhắc lại cảnh báo của một giáo sư người Mỹ khi nói về những thách thức trong việc xây dựng các trường ĐH đẳng cấp quốc tế rằng: “Đối với hầu hết các nước, theo đuổi việc gia nhập vào những vị trí đầu bảng trong các bảng xếp hạng các trường ĐH nghiên cứu toàn cầu là một điều không thực tế, thậm chí gây ra những thứ không mong muốn”.

Gs Phạm Phụ (ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM)

Chưa đáp ứng đủ điều kiện trường đẳng cấp Điều kiện để những trường có tham vọng lọt vào các trường tốt nhất thế giới là có mục tiêu, chương trình đào tạo hàng đầu (điều này thí sinh có vẻ chưa tìm thấy ở hai trường liên kết với Đức và Pháp, mặc dù đây là hai quốc gia cũng nổi tiếng trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật lẫn GDĐH); Đội ngũ giảng dạy phải giỏi, có người nổi tiếng trên thế giới; Cơ sở vật chất cũng thuộc hàng đầu, ít ra là so với các trường nổi tiếng ở VN; Phải có bề dày truyền thống, có nhiều cựu SV thành người nổi danh; Thu hút được nhiều thí sinh thực sự giỏi, thực sự đam mê với ngành mà trường đào tạo. Xem ra các điều kiện cần nêu trên thì cả ĐH Việt - Đức và ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội đều chưa đáp ứng được nên người học, nhất là số giỏi, chưa mạnh dạn vào đây. Việc “chỉ định” các trường mới thành lập trên thành trường đẳng cấp quốc tế trong vòng mươi năm, thậm chí hai mươi năm tới chỉ là duy ý chí.

TS Hồ Thiệu Hùng

Cần tạo môi trường cạnh tranh chất lượng ĐH Việc đầu tư 4 ĐH mới bên cạnh các ĐH hiện hữu như thế vừa phân tán vừa không hiệu quả. Khuôn viên ĐH mới, nhân sự quản lý và giảng dạy của các ĐH mới hầu như chia sẻ từ các ĐH hiện hữu. Mô hình các ĐH này cũng không rõ ràng mà lại khác nhau tùy vào từng nước hợp tác với từng trường ĐH mới. Thật khó mà hy vọng các ĐH mới này có chất lượng cao hơn các ĐH hiện hữu bên cạnh. ĐH chất lượng cao thể hiện ở sức thu hút SV giỏi, mà có đội ngũ giảng viên giỏi mới thu hút SV giỏi, và có lãnh đạo giỏi mới thu hút giảng viên giỏi. Nhưng hiện nay ít ai biết rõ những nhà lãnh đạo các ĐH mới này như thế nào. Hiệu quả nhất là Chính phủ nên sử dụng biện pháp tổ chức quản lý, đặc biệt bằng đòn bẩy ngân sách giáo dục và nghiên cứu để thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh giữa các viện ĐH, nâng cao chất lượng GDĐH trên quy mô toàn quốc.

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống (Phó hiệu trưởng trường ĐH Cửu Long)

Sự trưởng thành cần phải có thời gian Chủ trương của Nhà nước trong việc đầu tư mạnh cho giáo dục bậc cao, và đầu tư có trọng điểm thông qua một số ít trường để tạo ra bước đột phá trong chất lượng, tôi nghĩ là đúng. Câu hỏi đặt ra là có khả thi hay không so với mục tiêu đặt ra, và nếu có, thì bằng cách nào? Đã có nhiều người cho rằng mục tiêu vào tốp 200 trước năm 2020 của những trường đang được xây dựng theo mô hình này là không thực tế. Tất nhiên các trường ĐH kiểu mới này sẽ có thể thành công nếu họ tìm được điểm tựa. Đó là một cơ chế đặc biệt cho phép chọn lựa nhân sự chỉ dựa trên tài năng và phẩm chất, và một mức độ cao về tự chủ và tự do học thuật. Những khoản đầu tư gần đây cho GDĐH ở VN, cũng như những quốc gia châu Á khác, đã tập trung nhiều vào cơ sở vật chất, hạ tầng, phần cứng, mà chưa chú trọng đầy đủ đến “phần mềm”, tức con người và những nguyên tắc tương tác giữa con người trong hệ thống tổ chức và hoạt động của trường đại học. Không có những “nhân tố vô hình” tạo nên sự ưu tú ấy, tôi nghĩ bất kỳ mô hình nào cũng sẽ không thành công. Tất nhiên, ngoài những điều kiện cần như con người, tài chính và cơ chế, thì điều kiện đủ sẽ là thời gian.

TS Phạm Thị Ly