Vì sự nghiệp phát triển của cộng đồng các dân tộc thiểu số
* LÊ KHƯỚC - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị Ngày 14/10/2008, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định số 1491/QĐ-TTg quyết định lấy ngày 3/5 hàng năm là ngày truyền thống của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc.  Cách đây 65 năm, ngày 3/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 58 thành lập Bộ Nội vụ, bao gồm nhiều cơ quan, trong đó có Nha Dân tộc thiểu số - tiền thân của Uỷ ban Dân tộc ngày nay. Chức năng, nhiệm vụ của Nha Dân tộc thiểu số được xác định trong ...

Vì sự nghiệp phát triển của cộng đồng các dân tộc thiểu số

* LÊ KHƯỚC - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị

Ngày 14/10/2008, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định số 1491/QĐ-TTg quyết định lấy ngày 3/5 hàng năm là ngày truyền thống của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc. Cách đây 65 năm, ngày 3/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 58 thành lập Bộ Nội vụ, bao gồm nhiều cơ quan, trong đó có Nha Dân tộc thiểu số - tiền thân của Uỷ ban Dân tộc ngày nay. Chức năng, nhiệm vụ của Nha Dân tộc thiểu số được xác định trong Sắc lệnh đã ký là: “Xem xét các vấn đề chính trị và hành chính thuộc về các dân tộc thiểu số trong nước và thắt chặt tình thân thiện giữa các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam”. Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, 65 năm qua, với những mô hình tổ chức và tên gọi khác nhau, cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc càng được củng cố, kiện toàn về tổ chức bộ máy và chức năng nhiệm vụ nhằm thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng. Hệ thống cơ quan công tác dân tộc đã hình thành từ Trung ương đến địa phương (3 cấp) như một ngành quản lý lĩnh vực, mang tính “đa ngành, đa lĩnh vực”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cơ quan công tác dân tộc đã góp phần thực hiện tốt chính sách dân tộc, động viên đồng bào các dân tộc tham gia kháng chiến, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cơ quan công tác dân tộc đã thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ tham mưu, đề xuất các chủ trương, chính sách lớn về lĩnh vực dân tộc, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi. Qua đó góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển KT - XH , đảm bảo QP - AN vùng dân tộc miền núi; chứng minh sự đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Nhà nước ta trong hoạch định chủ trương, đường lối và lãnh đạo thực hiện chính sách dân tộc trong thời đổi mới, “góp phần rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng miền, các dân tộc trong cả nước, tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc, củng cố niềm tin của đồng bào vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước”. Kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc là dịp để cán bộ, công chức làm công tác dân tộc ở tỉnh Quảng Trị qua các thời kỳ nhìn lại chặng đường đã qua và tiếp tục đổi mới để tiến lên. Từ Ban chỉ đạo miền núi được thành lập tháng 8/1958 tại khu vực Vĩnh Linh đến Ban cán sự miền Tây, Ban Dân tộc trực thuộc Tỉnh uỷ Bình Trị Thiên hợp nhất, Ban Dân tộc thuộc UBMTTQVN tỉnh sau ngày tái lập tỉnh năm 1989 và Ban Dân tộc – cơ quan trực thuộc UBND tỉnh ngày nay là một quá trình phát triển không ngừng trong hơn 50 năm qua, đóng góp to lớn trong lịch sử xây dựng và phát triển của tỉnh Quảng Trị. Vượt qua bao khó khăn gian khổ trong những năm tháng chiến tranh, những thiếu thốn trong những ngày đầu sau giải phóng và tái lập tỉnh nhà, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức và thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực dân tộc theo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, như tham mưu cho Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh ban hành các nghị quyết, chỉ thị, các chương trình hành động thực hiện công tác dân tộc nhằm tăng cường đoàn kết dân tộc, đẩy mạnh nhịp độ phát triển kinh tế hàng hoá, thực hiện cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, kết hợp với giải quyết những vấn đề bức xúc về xã hội ở miền núi một cách kịp thời, đạt hiệu quả cao.

Mở đường lên vùng cao. Ảnh: HỒ CẦU

Xây dựng và quản lý chỉ đạo trong tổ chức thực hiện một số chương trình, đề án, dự án trọng điểm như Chương trình 135 giai đoạn I và II, đề án “Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số theo Nghị quyết 9g/NQ-HĐND tỉnh; chính sách hỗ trợ theo Quyết định 134, hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu của Nghị quyết 39/NQ-TƯ. Phân định các khu vực vùng dân tộc thiểu số theo trình độ phát triển làm cơ sở cho đầu tư, hỗ trợ. Rà soát, tổng kết đánh giá việc tổ chức thực hiện các chính sách hiện hành, bổ sung, sửa đổi một số chính sách theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền ban hành để giúp đỡ, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, phấn đấu vươn lên hòa nhập với sự phát triển chung, tập trung vào các lĩnh vực: Phát triển giáo dục, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo cán bộ cho hệ thống chính trị cơ sở, phát triển văn hóa vùng dân tộc thiểu số… Kết quả công tác của Ban Dân tộc đã góp phần cùng các ngành, các địa phương mà chủ yếu là của đảng bộ và nhân dân các huyện miền núi tạo ra sức mạnh tổng hợp để thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ đầu tư của Chính phủ, làm đổi thay về mọi mặt ở vùng dân tộc thiểu số, khẳng định chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước thực sự đi vào lòng dân, các dân tộc trong tỉnh đoàn kết, gắn bó với nhau. Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ổn định và phát triển. Tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng dân tộc thiểu số cuối năm 2010 là 21,3% (giảm 4,8% so với năm 2009); tỷ lệ hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 là 29,57% (giảm 6,8% so với năm 2009). Lương thực bình quân đầu người/năm đạt 325 kg. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 4,5 triệu đồng/người/năm. Kết cấu hạ tầng được xây dựng phục vụ tốt đời sống sản xuất và dân sinh xã hội, các xã đều đã có đường ô tô đến trung tâm xã, điện lưới, điện thoại, trạm y tế, trường học, nước sinh hoạt, công trình thuỷ lợi; hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà ở, được khám chữa bệnh miễn phí. Tỷ lệ số hộ sử dụng điện lưới 90%. Tỷ lệ số hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh 78%. Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi bậc tiểu học đến trường đạt 96%. Tỷ lệ làng bản đạt tiêu chuẩn văn hoá 30,5%, tỷ lệ hộ gia đình đạt chuẩn văn hoá 40,8%. Xuất hiện ngày càng nhiều mô hình làm ăn giỏi, nhiều cá nhân đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc. Ban Dân tộc tỉnh vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc và cờ thi đua của UBND tỉnh. Chặng đường 65 năm xây dựng và trưởng thành của cơ quan công tác dân tộc cũng để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, đó là: Quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức về chủ trương chính sách dân tộc của Đảng, xác định đúng đắn về vị trí, vai trò công tác dân tộc là yếu tố quan trọng có tính quyết định trong xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc. Phải cụ thể hoá một cách đồng bộ và toàn diện về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thành hệ thống chính sách phù hợp với đặc điểm kinh tế -xã hội của từng vùng, miền, từng dân tộc, phát huy được tiềm năng, lợi thế của từng vùng, miền trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách. Phối hợp chặt chẽ trong toàn bộ hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể và các cấp, các ngành ở địa phương trong xây dựng và triển khai thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Chăm lo xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số. Xây dựng, củng cố hệ thống cơ quan công tác dân tộc làm lực lượng nòng cốt tham mưu với cấp uỷ và chính quyền các cấp trong triển khai tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Mở rộng mối quan hệ đối ngoại, tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực; tranh thủ nguồn vốn, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, các chính phủ để đầu tư cho vùng dân tộc và miền núi. Quá trình 65 năm hình thành và phát triển gắn liền với những kết quả hoạt động của các cơ quan công tác dân tộc, với những đóng góp cả về lý luận và thực tiễn trong thực hiện chính sách dân tộc. Trong thời gian tới, “cơ quan làm công tác dân tộc cần nâng lên ngang tầm nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, nâng cao hiểu biết toàn diện về tình hình các dân tộc, công tác dân tộc với chất lượng tham mưu, thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao, đáp ứng nguyện vọng và niềm tin yêu của nhân dân các dân tộc thiểu số” góp phần vào thực tiễn sinh động: “Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẵng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển”.