Mang rừng về gần bản
(QT) - Trong thẳm sâu kí ức của các già làng thì ngày xưa, bản làng đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô nằm ẩn mình dưới tán rừng già nguyên sinh. Bây giờ, những cánh rừng nguyên sinh đang lùi xa bản, xa làng, chỉ còn lại những khoảng đồi xạm đen qua mấy mùa làm nương, đốt rẫy… Để “mang rừng” về gần bản, có hai người con của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô đã âm thầm trồng lại cánh rừng cây gỗ quý, cây trẩu nở hoa trắng để trả lại màu xanh cho rừng...

Mang rừng về gần bản

(QT) - Trong thẳm sâu kí ức của các già làng thì ngày xưa, bản làng đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô nằm ẩn mình dưới tán rừng già nguyên sinh. Bây giờ, những cánh rừng nguyên sinh đang lùi xa bản, xa làng, chỉ còn lại những khoảng đồi xạm đen qua mấy mùa làm nương, đốt rẫy… Để “mang rừng” về gần bản, có hai người con của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô đã âm thầm trồng lại cánh rừng cây gỗ quý, cây trẩu nở hoa trắng để trả lại màu xanh cho rừng...

Vợ chồng già làng Hồ Văn Lăng làm đất để chuẩn bị ươm cây trẩu giống trong vườn nhà​

Trong suốt buổi sáng, tôi theo chân anh Hồ Ra Ơi ở bản Khe Van, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông chỉ để lang thang ngắm cánh rừng gần 1.000 cây gỗ quý như huỷnh (huệng), lát hoa, sao đen, sưa…mà chính anh đã lặn lội vào tận rừng sâu tìm cây giống mang về ươm trồng, rồi đợi đến mùa mưa mang cây lên trồng ở những khoảng đồi trọc quanh bản Khe Van trong suốt 19 năm qua. Đó là khoảng năm 2000, anh Hồ Ra Ơi cùng với nhiều trai tráng trong bản Khe Van cũng bởi đói nghèo nên phải lặn lội vào tận rừng xanh, núi thẳm của đại ngàn Trường Sơn để rà đào phế liệu chiến tranh. Một lần ngồi nghỉ chân bên bờ suối, dưới tán rừng rậm mát, anh Hồ Ra Ơi thấy các loại cây giống gỗ quý như huỷnh, lát hoa, sưa… mọc lên xanh tốt. Anh Hồ Ra Ơi liền bới mấy cây bỏ vào a chói mang về ươm thử trong vườn nhà. Sau một thời gian ươm cây giống, đến mùa mưa năm đó anh Hồ Ra Ơi mang lên khoảng đồi trọc trước bản Khe Van để trồng. Lúc đầu, anh cũng không dám tin là cây sẽ sống bởi đất đồi quá nhiều đá sỏi lại bạc màu. Nhưng rồi, cây không những sống được mà còn phát triển xanh tốt. Từ đó, anh Hồ Ra Ơi bắt đầu những chuyến vào rừng bới cây giống gỗ quý mang về để ươm trồng.

“Hồi đó, mỗi chuyến tôi vào rừng phải mất khoảng 3 - 4 ngày mới đào bới được khoảng vài chục cây giống gỗ quý mang về. Nhiều người khi nghe tôi kể chuyện tìm cây giống gỗ quý nhưng chỉ bới vài cây rồi đi tìm cây nơi khác nghĩ tôi là “dở hơi”, tìm được thì đào bới cho hết mang về, chứ rừng thì thiếu gì cây gỗ giống mà phải lặn lội vậy cho cực. Tôi chỉ cười trừ. Bởi làm theo cách của họ thì khi cây lớn chết đi lấy đâu ra cây con để thay thế vào chỗ trống. Đào bới bằng hết có khác gì là gián tiếp phá rừng. Bây giờ cứ rảnh rỗi là tôi lại vào khu rừng mà tôi tự tay trồng. Cứ nhìn các loại cây gỗ quý lớn lên từng ngày mà tôi vui cái bụng lắm. Bà con thấy tôi làm được nên nhiều người đã bắt đầu trồng rừng trên chính diện tích làm nương rẫy bị bỏ hoang hóa lâu năm gần bản Khe Van”, anh Hồ Ra Ơi phấn khởi cho biết thêm.

Còn nhớ, cách đây chưa lâu tôi phải bỏ cuộc giữa chừng bởi không đủ sức leo lên đến đỉnh đồi Kô la doong nằm cạnh bản Húc Nghì, xã Húc Nghì, huyện Đakrông để tìm gặp già làng Hồ Văn Lăng (79 tuổi). Đợi gần nửa giờ đồng hồ mới thấy cái dáng dong dỏng cao của già làng từ trên đỉnh đồi Kô la doong trở xuống. Ngồi ở lưng chừng đồi Kô la doong, già làng Hồ Văn Lăng buông ánh nhìn xuống bản Húc Nghì rồi trầm ngâm nói: “Ngày xưa, xung quanh bản Húc Nghì là thâm u rừng nguyên sinh. Nhưng rồi bom đạn chiến tranh tàn phá và khi hòa bình lập lại, dân bản vì cuộc sống đói nghèo lạc hậu nên phá rừng làm nương, làm rẫy kiếm cái ăn làm cho rừng nguyên sinh mất dần. Mãi đến năm 2001, khi thành lập Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông thì mới hết tình trạng phá rừng làm nương rẫy, chặt gỗ rừng về làm nhà cửa… Phải trả lại màu xanh cho rừng là trăn trở, nghĩ suy luôn thường trực trong lòng tôi”.

Khoảng năm 2001, già làng Hồ Văn Lăng bắt đầu xây dựng trang trại trên đỉnh đồi Kô la doong để vừa làm kinh tế, vừa thực hiện ước mơ trồng thêm rừng. Và điều bất ngờ là trong diện tích 8 ha dành để trồng rừng trên đỉnh đồi Kô la doong, già làng Hồ Văn Lăng đã dành 2 ha để trồng cây trẩu. Theo lí giải của già làng Hồ Văn Lăng thì lâu nay dân bản chỉ thấy cây trẩu được trồng dọc hàng rào hoặc mọc hoang trên núi đồi, khe suối chứ chưa thấy ai trồng trẩu thành rừng, còn giá trị kinh tế mà cây trẩu mang lại thì hầu như không ai biết. Cây trẩu là loài cây thân gỗ, thuộc họ thầu dầu. Một cây trẩu trưởng thành có thể cao 15-16 m. Lá trẩu to tầm bàn tay, nguyên bản hoặc chia nhiều thùy. Cây trẩu có rất nhiều công dụng như thân dùng làm gỗ trong xây dựng và tiểu thủ công nghiệp, đặc biệt gỗ trẩu là nguyên liệu rất tốt để sản xuất nấm ăn; quả dùng ép lấy dầu để làm sơn công nghiệp, da, chất dẻo nhân tạo; vỏ trẩu được dùng trong y học cổ truyền làm thuốc chữa nhức răng… Sau nhiều năm dày công chăm sóc, đến nay rừng trẩu trên đỉnh đồi Kô la doong đã mang lại nguồn thu 10 triệu đồng/vụ (chủ yếu là bán quả trẩu) cho gia đình già làng Hồ Văn Lăng.

Trên đường trở về căn nhà sàn khang trang ở bản Húc Nghì, già làng Hồ Văn Lăng nói với tôi rằng, đối với đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô, cây trẩu nở hoa với sắc trắng tinh khôi, bung nở bừng sáng khắp khoảnh đồi, sườn núi khô cằn, tượng trưng cho sức sống mãnh liệt của núi rừng. Sắp tới, già làng Hồ Văn Lăng sẽ trồng thêm nhiều cánh rừng trẩu khắp sườn đồi Kô la doong để thực hiện ước mơ bình dị là mang rừng về gần hơn với bản làng.

An Phong