Đakrông quan tâm đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nữ
(QTO) - “Thời gian qua, các cấp hội phụ nữ huyện Đakrông luôn coi trọng công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn. Qua đó giúp chị em có thêm điều kiện phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, đồng thời tạo cơ hội cho chị em nâng cao vị thế trong xã hội”, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đakrông Lê Thị Lệ Huyền cho biết.

Đakrông quan tâm đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nữ

(QTO) - “Thời gian qua, các cấp hội phụ nữ huyện Đakrông luôn coi trọng công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn. Qua đó giúp chị em có thêm điều kiện phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, đồng thời tạo cơ hội cho chị em nâng cao vị thế trong xã hội”, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đakrông Lê Thị Lệ Huyền cho biết.

Phụ nữ xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông có thêm nguồn vốn để phát triển sản xuất từ nhóm tiết kiệm và vốn vay thôn, bản - Ảnh: T.L​

Trên cơ sở các chủ trương, chính sách của trung ương, của tỉnh về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn nói chung, phụ nữ nói riêng, Hội LHPN huyện Đakrông đã chỉ đạo các cơ sở hội phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với chính quyền địa phương trong việc xây dựng ngành nghề đào tạo dựa trên nhu cầu của đối tượng học nghề và kế hoạch, quy hoạch phát triển nghề của địa phương. Đặc biệt, hội luôn chú ý đến đối tượng phụ nữ chưa có việc làm hoặc việc làm thiếu ổn định để hỗ trợ vốn, trang bị kiến thức giúp chị em chủ động thực hiện nhu cầu về sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh để có việc làm ổn định. Các cấp hội tổ chức tuyên truyền, vận động phụ nữ trong độ tuổi tham gia học nghề thông qua các chương trình, đề án. Đồng thời đưa chỉ tiêu, vận động học nghề và giới thiệu việc làm vào chỉ tiêu thi đua của phong trào phụ nữ và hoạt động hội các cấp.

Trong giai đoạn 2010 - 2020, thông qua các chương trình, hoạt động, các cấp hội phụ nữ huyện Đakrông đã tuyên truyền về dạy nghề, học nghề cho trên 14.600 lượt chị em trong độ tuổi lao động. Phối hợp với các chương trình, dự án tổ chức 58 lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi và trồng trọt, thu hút 1.794 hội viên, phụ nữ tham gia; tổ chức 66 lớp đào tạo nghề cho hội viên. Ngoài công tác dạy nghề, các cấp hội chú trọng xây dựng mô hình hỗ trợ tạo việc làm cho phụ nữ học nghề. Tiêu biểu như tổ hợp tác (THT) chăn nuôi lợn ở thôn Phú An, xã Hướng Hiệp với 19 thành viên; THT phục hồi giống chuối lùn bản địa ở thôn A Đăng, xã Tà Rụt với 15 thành viên; THT trồng dưa hấu tại thôn Phú Thành, xã Mò Ó với 25 thành viên; tổ liên kết sản xuất chổi đót ở thôn Cu Pua, xã Đakrông với 22 thành viên; tổ liên kết nuôi dê quay vòng tại 3 thôn (A Đăng, Ka Hẹp và A Pul) xã Tà Rụt với 45 thành viên… Quy trình và các nội dung để xây dựng mô hình được tổ chức chặt chẽ, vì vậy đến nay đa số mô hình duy trì hoạt động tốt, tạo việc làm, nâng cao đời sống cho các thành viên.

Ngoài việc phối hợp với các đơn vị, tổ chức để dạy nghề, tập huấn, giới thiệu việc làm và xây dựng các mô hình, hội phụ nữ các cấp còn chú trọng khai thác các nguồn vốn cho phụ nữ vay để phát triển kinh tế. Đến năm 2020, tổng dư nợ các nguồn vốn vay do hội phụ nữ trực tiếp quản lý, điều hành đạt trên 112 tỉ đồng, đặc biệt có 76/76 chi hội có nhóm tiết kiệm và vốn vay thôn bản với 284 nhóm/ 4.447 thành viên, dư nợ 1,8 tỉ đồng. Bên cạnh đó, hội cũng luôn quan tâm tìm kiếm, khai thác các nguồn vốn cho hội viên phụ nữ vay xây dựng mô hình. Đơn cử như đã vận động chương trình “Hạnh phúc Quảng Trị” hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho 3 mô hình sản xuất với tổng kinh phí gần 1,9 tỉ đồng…

Nhằm nâng cao nhận thức, năng lực giúp phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển kinh tế, Hội LHPN huyện đã tham mưu cho UBND huyện phê duyệt kế hoạch về thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2019 - 2025” của huyện Đakrông. Để đề án đi vào thực tiễn, Hội LHPN huyện đã tổ chức hội nghị triển khai cho 123 cán bộ hội; truyền thông tại 13/13 xã, thị trấn về vấn đề khởi nghiệp trong phụ nữ; tổ chức diễn đàn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp tại thị trấn Krông Klang; tổ chức cho cán bộ hội tham quan các mô hình chăn nuôi hiệu quả ở trong và ngoài địa phương cũng như tham gia các sự kiện chia sẻ thông tin về khởi nghiệp, kết nối, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm do Hội LHPN tỉnh tổ chức… Với những cách làm trên, các cấp hội đã khuyến khích, hỗ trợ hiệu quả hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm ổn định, cải thiện thu nhập. Tỉ lệ hội viên có việc làm sau học nghề đạt trên 70%, trong đó số chị em tự tạo việc làm tại chỗ từ nghề trồng trọt, chăn nuôi đạt tỉ lệ trên 95%, góp phần giúp trên 700 hội viên thoát nghèo.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Đakrông Lê Thị Lệ Huyền thông tin thêm: “Để đảm bảo công tác đào tạo nghề cho lao động nữ nông thôn tiếp tục phát huy hiệu quả, thời gian tới Hội LHPN huyện huy động tốt các nguồn lực, đồng thời tích cực phối hợp với ngành, đơn vị mở rộng đào tạo các ngành nghề mới phù hợp với đặc thù của lao động nữ địa phương và nhu cầu thị trường. Tăng cường liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã để đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Bên cạnh nỗ lực của hội phụ nữ, các ngành chức năng, các doanh nghiệp cần tổ chức thường xuyên các phiên giao dịch việc làm lưu động đến các xã, thị trấn, qua đó góp phần tăng cơ hội tiếp cận thông tin việc làm phù hợp với trình độ và khả năng cho lao động nữ trên địa bàn. Cùng với đó, có cơ chế, chính sách tốt hơn để giải quyết đầu ra cho sản phẩm của hội viên”.

Thanh Lê