(QT) - Cùng với sự phát triển của các mặt hàng thời trang, nghề sửa chữa quần áo được nhiều người lựa chọn để mưu sinh. Tuy không cho thu nhập cao nhưng công việc này khá ổn định. Chỉ với một chiếc máy may, một chiếc máy vắt sổ cùng phấn, chỉ, cúc... các loại là những người thợ sửa quần áo bám trụ được với nghề qua năm tháng.
![]() |
Tiệm sửa chữa áo quần Thanh Bình là địa chỉ tin cậy của nhiều khách hàng |
Hơn 7 năm nay, chị L., đường Lý Thường Kiệt gắn bó với công việc sửa chữa áo quần. Khác với một số tiệm khác, khách phải đem áo quần đến tiệm sửa, chị L. có dịch vụ giao và nhận hàng tại nhà để phục vụ những người khách quá bận rộn. Trước đây chị L. là thợ may. Công việc này thời gian đầu mang lại thu nhập khá nhưng về sau, chị L. không cạnh tranh được với nhiều tiệm may thời trang khác nên tiệm của chị dần ế khách. Trong khi đó, nhiều khách hàng quen thỉnh thoảng đến nhờ chị sửa một số món đồ cho vừa ý, khi nhận hàng, ai cũng khen chị sửa khéo. Nhận thấy nhu cầu của khách ngày một nhiều, chị chuyển hẳn sang sửa chữa quần áo. Tính chị vốn kiên nhẫn, cẩn thận, lại có kinh nghiệm nhiều năm trong nghề may nên chỉ sau một thời gian ngắn làm nghề sửa quần áo, khách hàng tìm đến chị ngày một nhiều. Cứ người này giới thiệu cho người kia nên chưa có ngày nào chị L. hết việc. Chị L. cho biết: Nếu chỉ may lại các đường may ở quần áo mua sẵn hay thay khóa áo, quần, lên gấu quần bò...thì tiền công từ 15-20 ngàn đồng/cái. Còn nếu sửa các chi tiết khó và mất nhiều thời gian thì giá từ 20-30 ngàn đồng/ cái. Với những chiếc váy hàng hiệu đắt tiền, có khi cả ngày mới sửa được một cái, tiền công vì thế sẽ cao hơn. Nếu chịu khó thì cũng sống được với nghề bởi nhu cầu của khách rất cao. Có người trở thành khách hàng thường xuyên của tôi vì họ sửa quần áo theo cân nặng cơ thể, cứ lên cân là mang đồ đi nới rộng ra, giảm cân thì bóp lại…
Nói đến nghề sửa chữa quần áo, mọi người thường chỉ nghĩ đến việc sửa quần áo cũ. Nhưng thực ra, số lượng quần áo mới được khách hàng mang đi chỉnh sửa tại các tiệm sửa chữa quần áo có khi còn nhiều hơn đồ cũ. Nhất là đối với những người mua hàng online, vì thích kiểu dáng, màu sắc nên dù không thử được cũng mua về, nếu không vừa một điểm nào đó thì mang đến tiệm sửa. Quần áo mua sẵn bao giờ cũng có size chuẩn nhất định và dù mua đúng size thì nhiều người vẫn có nhu cầu điều chỉnh cho phù hợp vóc dáng của mình. Do đó, người sửa phải căn cứ vào dáng người mặc để chỉnh sửa cho phù hợp.
Ngoài các tiệm sửa chữa quần áo nằm ở mặt tiền các đường phố trung tâm thành phố, hiện nay ở khu vực các chợ lớn trên địa bàn như chợ Đông Hà, phường 5 đều có các tiệm sửa chữa quần áo tại chỗ. Những tiệm này thường sửa cho khách mua áo quần tại chợ mang đến sửa lấy liền. Hầu như ở những tiệm này không sửa những đồ kiểu và đồ đắt tiền. Cũng giống như người thợ may, thợ sửa quần áo mỗi người có một thế mạnh khác nhau và khách hàng thường căn cứ vào đó để lựa chọn khi có nhu cầu. Ví dụ, muốn sửa đồ jean, người ta thường tìm đến tiệm của ông Đ., nằm ở ngã tư giao nhau giữa đường Hùng Vương và Ngô Quyền; còn sửa áo dạ, váy và áo kiểu thì tìm về tiệm Thanh Bình ở đường Tôn Thất Thuyết.
Bình vốn là người ngoài Bắc, học nghề ở Huế và ra lập nghiệp ở Quảng Trị. Tiệm của cô được nhiều người trẻ, nhất là những người chuộng thời trang “chọn mặt gửi vàng” để sửa những món đồ đắt tiền. Nhiều chủ shop thời trang trên địa bàn thành phố cũng thường xuyên đến đây để sửa đồ cho khách hàng của mình. Vì khách hàng đông nên Bình phải thuê thêm hai người thợ. Công việc chính của thợ là tháo rời các phần cần sửa và may lại theo hướng dẫn của Bình, còn những sản phẩm đòi hỏi phải chỉnh sửa phức tạp thì cô tự tay làm. Theo Bình, dù đã làm lâu năm và có nhiều kinh nghiệm nhưng vẫn không thể tránh khỏi sai sót. Có khách hàng dễ tính thì thông cảm và đề nghị sửa lại theo ý nhưng không ít khách hàng kĩ tính, đến mặc thử không như ý là bắt đền cho bằng được hay có người đến ngày hẹn lấy đồ mà thợ chưa kịp làm xong là mang đồ đi quán khác.
Tiệm sửa quần áo nào mà chủ khéo tay, có sáng tạo thì đông khách. Bởi vậy, những người làm nghề hiểu rằng cách cạnh tranh tốt nhất vẫn là sửa đẹp, trả đúng hẹn, giá cả phải chăng. Nhưng sửa áo quần không đơn giản là làm cho nó đang rộng hay hẹp, dài hay ngắn trở nên vừa vặn với vóc người mà phải sửa làm sao cho không mất đi kiểu dáng ban đầu. Một món đồ thời trang chỉ đẹp nếu nó được khoác lên vừa vặn với cơ thể người mang, đó là nhu cầu của khách, cũng là mục đích mà những người thợ sửa quần áo hướng tới. Với những món đồ đắt tiền, từng đường kim mũi chỉ và các chi tiết trên đó rất tinh xảo. Người thợ nếu không khéo quan sát, tay nghề không cao có thể biến một cái đầm tiền triệu thành đồ bỏ đi. Nhiều năm trong nghề, Bình chưa bao giờ gặp phải tình huống như vậy, một phần vì cô tự nhận mình có kinh nghiệm trong nghề, một phần có khả năng quan sát và có tính tỉ mẩn, nếu thấy các chi tiết khách yêu cầu sửa mình không làm được, cô sẽ không nhận. Ngược lại đã nhận hàng thì dù vất vả bao nhiêu cũng cố gắng hoàn thiện để giao hàng theo đúng yêu cầu của khách. Bình cho biết: Làm nghề gì cũng phải tận tâm, chu đáo và giữ được uy tín mới lâu bền được. May đồ cho đẹp đã khó, sửa đồ cho vừa ý khách còn khó hơn. Để cái áo, cái quần sau khi sửa được đẹp, người thợ cần có cả kiến thức về thời trang, may mặc để tư vấn thêm cho khách hàng. Bình kể, có khách hàng mang đến một chiếc đầm hàng hiệu, yêu cầu nới vòng eo và cắt ngắn bớt vì chị không thích dáng dài. Đó là một chiếc váy bút chì, eo cao nên nếu chỉnh sửa theo yêu cầu của khách thì sẽ phá dáng, mang vào không đẹp. Tư vấn kiểu gì khách cũng giữ nguyên ý định của mình nên mang đến tiệm khác sửa. Cứ tưởng khách hàng đó sẽ không bao giờ quay lại nhưng sau đó chị đến sửa món đồ khác, không quên “khoe” chiếc váy hôm đó đã được một tiệm nhận sửa nhưng sửa xong lại không mang được vì xấu. Hay có trường hợp khách mua quần áo giá rẻ, nhưng yêu cầu sửa quá nhiều chi tiết dẫn đến tiền sửa đắt hơn tiền mua, mà sửa lại thì đồ cũng không đẹp nên Bình tư vấn khách không nên sửa vì tốn tiền.
Nghề sửa áo quần không lạc hậu theo thời gian vì hàng mua ngoài thị trường không phải lúc nào cũng vừa khít với từng người. Nhưng thường vào những tháng cuối năm là thời điểm làm ăn của các tiệm sửa chữa áo quần khi nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng ngày một tăng. Hình ảnh những người thợ may lặng lẽ cặm cụi bên chiếc máy khâu, chăm chút, tỉ mỉ sửa cho khách hàng từng đường kim mũi chỉ, để làm đẹp cho từng chiếc áo, chiếc quần tuy bình dị nhưng lại rất gần gũi, đời thường. Với Bình cũng như nhiều người khác gắn bó với nghề luôn quan niệm rằng, kiếm sống bằng nghề nhưng không phải cứ lấy được tiền là xong mà quan trọng là phải để khách hàng trở lại lần sau.
Hoài Nam