(QT) - Vụ đông xuân năm nay huyện Hải Lăng xuống giống hơn 6.850 ha lúa. Nhờ thời tiết thuận lợi nên toàn bộ diện tích lúa đông xuân phát triển tốt, lúa đang ở giai đoạn đẻ nhánh. Mặc dù các loại sâu bệnh chưa xuất hiện và gây hại nhưng tại nhiều địa phương, nông dân đang phải đối mặt với hiện tượng chuột phá hoại lúa.
![]() |
Mặc dù đã có các biện pháp phòng trừ nhưng nhiều thửa ruộng ở Hải Lăng vẫn bị chuột cắn nham nhở |
Có mặt tại cánh đồng lúa HTX Phước Điền (xã Hải Thành), chúng tôi chứng kiến nhiều thửa ruộng bị chuột cắn nham nhở, đứt cây. Gia đình bà Nguyễn Thị Hoa gieo cấy được hơn 8 sào lúa, nhưng ngay từ khi xuống giống, bà Hoa đã phải đối mặt với nạn chuột phá hoại. Mặc dù đã tìm mọi cách diệt chuột như đặt bẫy, đặt bả và dựng các hình nộm để xua đuổi chuột nhưng một số mảnh ruộng của bà vẫn phải gieo lại lần 2, 3. “Năm nay lụt ít nên chuột nhiều, ruộng nhà nào trong HTX cũng bị chuột phá. Ngay từ đầu vụ, tôi đã rải thuốc diệt chuột, đặt bẫy thủ công nhưng không hiệu quả. Gia đình đang có dự định mua nilon quây quanh ruộng để hạn chế chuột phá hoại nhưng không biết có hiệu quả hay không khi chuột đang nhiều như thế này”, bà Hoa cho biết.
Giám đốc HTX Phước Điền Nguyễn Quyền chia sẻ, hầu hết các thửa ruộng đều bị chuột cắn phá từng chòm, từng đám khiến cho ruộng nào cũng nham nhở. Mặc dù HTX đã có nhiều biện pháp phòng trừ, nhưng vẫn có gần 50 ha trong tổng số 130 ha lúa đông xuân của HTX ảnh hưởng do chuột phá hoại. Nhiều thửa ruộng người dân phải gieo dặm đến lần thứ 2, 3. Những mảnh ruộng sát làng, vùng cồn cao bị cắn phá nhiều nhất do chuột tập trung làm hang tại đây. Đang là mùa sinh sản nên chuột sinh sôi rất nhanh. Để bảo vệ lúa, HTX đang phát động xã viên ra quân diệt chuột bằng các hình thức như đặt bẫy, đánh bả, đào hang. HTX cũng trích ngân sách hỗ trợ thêm kinh phí để người dân tích cực phòng trừ chuột gây hại trên đồng ruộng.
Chủ tịch UBND xã Hải Thành Hoàng Xuân Hùng cho biết, vụ đông xuân năm nay, toàn xã Hải Thành đưa vào gieo cấy gần 350 ha lúa, với các bộ giống chất lượng cao như Khang dân, HT1, Thiên ưu 8… Hiện cây lúa đang phát triển tốt, chưa có dịch bệnh, sâu rầy gì lớn, chỉ có hiện tượng chuột cắn phá cây lúa xảy ra khá nhiều. Theo thống kê của UBND xã, toàn xã Hải Thành có hơn 80 ha lúa có hiện tượng chuột phá hoại, trong đó tập trung nhiều ở các chân ruộng cao, khô nước, các vùng có kênh rạch, gò đồi, bờ bụi… Ngoài một số diện tích lúa bị chuột phá hoại lúc mới gieo sạ, thì hiện tượng chuột cắn ngang thân cây lúa đang đẻ nhánh là khá phổ biến… “Do năm 2018 lũ lụt ít, không có các đợt rét đậm, rét hại, hơn nữa ở xã chúng tôi có nhiều đê bao, gò đồi và kênh rạch nên thuận lợi cho sự phát triển của chuột. Mặc dù trước khi gieo sạ UBND xã đã vận động nông dân tiến hành nhiều biện pháp phòng trừ chuột bằng cách đào bắt, đặt bẫy, bỏ thuốc sinh học... nhưng chuột vẫn tiếp tục phá lúa. Do vậy bên cạnh trích ngân sách để hỗ trợ nông dân trong việc mua các loại bả chuột sinh học, UBND xã còn phát động các thôn, các HTX tổ chức ra quân phát quang bờ bụi, đào hang ổ trú ẩn quanh bờ ruộng, trong các đường làng ngõ xóm và thu mua đuôi chuột trên địa bàn toàn xã để đảm bảo cho cây lúa phát triển và đạt năng suất đúng theo kế hoạch đề ra”, ông Hùng nói.
Theo thống kê của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV), hiện tại toàn huyện Hải Lăng có hơn 180 ha lúa đông xuân bị chuột phá hoại. Ông Dương Văn Tuấn, Trạm trưởng Trạm TT&BVTV cho biết, nguyên nhân chuột phát sinh mạnh là do năm 2018 lũ lụt ít, các cánh đồng ít bị ngập lụt. Chuột từ các hang, bụi rậm không bị nước lũ cuốn trôi, tiêu diệt. Đồng thời từ đầu vụ đông xuân đến nay thời tiết nắng ấm rất thuận lợi cho chuột phát triển. Để chủ động diệt chuột, Trạm TT&BVTV đã khuyến cáo các địa phương phát động toàn dân diệt chuột bằng nhiều biện pháp như đặt bẫy miệng hang bằng bẫy sập, bẫy bán nguyệt; xông khói, bơm nước; đánh bả sinh học Biorat, bã hoá học; đào bắt thủ công. Đồng thời, phát quang bụi rậm, làm sạch cỏ ven bờ để triệt tiêu nơi cư trú của chuột.
Cây lúa trên địa bàn huyện Hải Lăng đang ở giai đoạn đẻ nhánh, chuẩn bị làm đòng. Với thời tiết ấm áp như hiện nay thì dự báo chuột sẽ tiếp tục sinh sản và tăng nhanh về số lượng. Do vậy, theo ông Tuấn, cần tập trung diệt chuột ở giai đoạn cây lúa đẻ nhánh vì nếu khi cây lúa chuyển sang giai đoạn làm đòng mà bị chuột cắn phá sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất. Cùng với đó, nông dân cũng cần chủ động trong việc thăm đồng, thường xuyên kiểm tra sự sinh trưởng của cây lúa cũng như phát sinh của các loại sâu bệnh hại để kịp thời phòng ngừa và xử lí những diện tích lúa bị nhiễm bệnh, thực hiện đúng hướng dẫn, khuyến cáo của cán bộ kĩ thuật nhằm tránh các loại bệnh bùng phát, gây hại trên diện rộng. “Chúng tôi đã tăng cường cán bộ trực tiếp về cơ sở làm tốt công tác điều tra, phát hiện, nắm chắc tình hình phát sinh, phát triển gây hại của chuột để cùng với các xã khắc phục kịp thời. Trạm TT&BVTV cũng đang tập trung theo dõi sự phát sinh và gây hại của bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 - 3 vào đầu tháng 3, rầy các loại… để có biện pháp phòng trừ kịp thời, tránh ảnh hưởng đến năng suất lúa vụ đông xuân”, ông Tuấn cho hay.
Thục Quyên