Tháo gỡ vướng mắc trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Bài 1)
Bài 1: Cần có giải pháp mang tính đột phá (QT) - Nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) nông nghiệp, nông thôn, ngày 27/11/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1956/ QĐ-TTg phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Sau khi có Quyết định 1956, tỉnh Quảng Trị đã xây dựng nhiều kế hoạch, chương trình hành động nhằm triển khai có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn như Chỉ thị số ...

Tháo gỡ vướng mắc trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Bài 1)

Bài 1: Cần có giải pháp mang tính đột phá (QT) - Nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) nông nghiệp, nông thôn, ngày 27/11/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1956/ QĐ-TTg phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Sau khi có Quyết định 1956, tỉnh Quảng Trị đã xây dựng nhiều kế hoạch, chương trình hành động nhằm triển khai có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn như Chỉ thị số 04-CT/TU ngày 17/8/2011 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1080 ngày 11/5/2011 phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2011-2020. Tuy nhiên, qua gần 4 năm tổ chức thực hiện, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đang bộc lộ những bất cập, hạn chế nhất định cần được tháo gỡ kịp thời, đáp ứng mục tiêu đề ra của đề án.

Dạy nghề cho thanh niên nông thôn

Trước khi có đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn thì công tác đào tạo nghề cho người dân ở khu vực nông thôn rất được tỉnh quan tâm. Tỉnh uỷ và HĐND tỉnh đã thông qua các Nghị quyết về xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực từ năm 2005-2015, trọng tâm là đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trên cơ sở của Nghị quyết của Tỉnh uỷ và của HĐND tỉnh, các địa phương đã hình thành một mạng lưới trung tâm dạy nghề ở các huyện, thị xã như các Trung tâm dạy nghề tổng hợp, các trung tâm hướng nghiệp dạy nghề trực thuộc ngành giáo dục và đã góp phần không nhỏ trong công tác đào tạo nghề cho người dân. Đến khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1956, phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn thì hoạt động này càng được tiếp sức và ngày càng đi vào nền nếp, hiệu quả nâng lên rõ rệt. Về hệ thống mạng lưới cơ sở dạy nghề, đến nay đã phát triển rộng khắp ở 9 huyện, thị xã, thành phố với 28 cơ sở dạy nghề gồm 3 trường trung cấp nghề, 13 trung tâm dạy nghề và 12 cơ sở dạy nghề khác thuộc các đơn vị hành chính sự nghiệp nhà nước và các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp. Đội ngũ cán bộ, giáo viên dạy nghề có 147 người, trong đó có 98 giáo viên cơ hữu. Các trường dạy nghề và các trung tâm dạy nghề cấp huyện được đầu tư trang thiết bị dạy học. Về chương trình, giáo trình, đã xây dựng, ban hành và đưa vào sử dụng 8 bộ chương trình, giáo trình trung cấp nghề và 40 bộ chương trình, giáo trình trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng. Từ đó, công tác đào tạo nghề đã có những chuyển biến tích cực, góp phần không nhỏ trong việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xoá đói giảm nghèo cho nhiều lao động nông thôn. Trong 3 năm từ 2010-2012, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 17.018 người, đạt 113,45% kế hoạch, dự kiến trong năm 2013, sẽ đào tạo thêm 5.000 người và tỷ lệ có việc làm sau học nghề đạt trên 70%. Tổng kinh phí thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ 2010 đến nay gần 150 tỷ đồng. Bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đang gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định, ảnh hưởng không nhỏ đến các mục tiêu đặt ra của đề án. Theo đề án, mục tiêu đến năm 2020, nước ta phấn đấu cơ cấu lao động làm nông nghiệp chỉ chiếm 30% và tại tỉnh Quảng Trị phấn đấu lao động trong nông nghiệp chỉ còn 45%. Để đạt được chỉ tiêu trên đòi hỏi công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải chú trọng đào tạo các nghề phi nông nghiệp và nhiệm vụ này đang gặp phải nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong tổng số 17.018 lao động được đào tạo nghề từ năm 2010-2012 thì có đến 14.486 người học nghề nông nghiệp, chỉ có 2.532 người được đào tạo nghề phi nông nghiệp. Các ngành nghề đào tạo phi nông nghiệp chỉ mang tính chất truyền nghề hơn là đào tạo nghề như nghề cạo mủ cao su, nhựa thông, kỹ thuật, chăm sóc lúa, trồng ném, trồng chuối, trồng dứa, sắn, ngô, trồng rau an toàn…; kỹ thuật nuôi và phòng trừ bệnh cho bò, lợn, kỹ thuật sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi, nữ công gia chánh… Các nghề này được đào tạo ngắn hạn dưới 3 tháng nên sau khi được đào tạo, người học nghề chỉ áp dụng vào quá trình sản xuất nông nghiệp vốn trước đây đã gắn bó với họ. Các ngành nghề phi nông nghiệp như kỹ thuật chế biến món ăn, kỹ thuật xây dựng, điện tử, điện lạnh, gò hàn, sửa chữa máy nổ, xe máy được đào tạo thời gian ngắn, một số ngành nghề chỉ dừng lại ở mức độ đào tạo sơ cấp. Trong 3 năm từ 2010-2012, hệ trung cấp nghề chỉ tuyển sinh đào tạo được 683 người, chiếm tỷ lệ 2,82% so với tổng số tuyển sinh đào tạo, trong khi đó đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng chiếm gần 97,18%. Với thời gian và cấp độ đào tạo nên hầu hết số lao động được đào tạo nghề phi nông nghiệp chưa sống được với nghề đào tạo. Chính vì vậy, câu hỏi đặt ra là có bao nhiêu người được đào tạo nghề tìm được việc làm mới, có thu nhập thêm từ nghề được đào tạo, số hộ gia đình thoát nghèo nhờ đào tạo nghề vẫn đang còn bỏ ngỏ. Nguyên nhân của tình trạng trên là do các cấp, ngành chưa đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo nghề nói chung và đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói riêng. Theo quy định mỗi huyện có 1 cán bộ chuyên trách công tác đào tạo nghề lao động nông thôn nhưng đến nay chỉ có 2 địa phương triển khai là Gio Linh và thị xã Quảng Trị, còn lại đều kiêm nhiệm. Một số địa phương, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn nặng tính hình thức, công tác khảo sát và lập kế hoạch dạy nghề có nơi còn chưa sát thực tế. Nhận thức của người dân về học nghề chưa cao. Chương trình, giáo trình đào tạo nghề xây dựng quá đơn giản, chưa phù hợp với mục tiêu đào tạo của nghề và trình độ, khả năng tiếp thu của người học. Giáo viên dạy nghề vừa thiếu vừa không có kinh nghiệm sư phạm dạy nghề. Công tác tổ chức lớp học đôi lúc còn bị buông lỏng nên chất lượng đào tạo nghề còn thấp. Nguồn lực đào tạo nghề đang bị phân tán với nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức cùng tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn khiến hiệu quả đào tạo giảm sút. Việc nguồn lực đào tạo bị phân tán, không tập trung là nguyên nhân dẫn đến tình trạng có trung tâm được đầu tư, trang bị hệ thống thiết bị dạy nghề nhưng lại thiếu người dạy và ngược lại. Hiện tại, các trung tâm hướng nghiệp dạy nghề trực thuộc ngành giáo dục tại các huyện thừa giáo viên nhưng lại không có trang thiết bị máy móc, còn các trung tâm dạy nghề tổng hợp có máy móc nhưng thiếu các giáo viên cơ hữu đứng lớp. Việc thiếu giáo viên cơ hữu tại các trung tâm dạy nghề tổng hợp cấp huyện dẫn đến tình trạng không hội đủ điều kiện để cấp phép hoạt động dạy nghề. Hiện tại hầu hết các trung tâm đào tạo nghề cấp huyện vẫn chưa được cấp phép đào tạo nghề. Tuy nhiên, do yêu cầu bức thiết về đào tạo nghề, các trung tâm này vẫn tiến hành hoạt động đào tạo nghề nhưng các học viên sau khi được đào tạo lại không được cấp chứng chỉ nghề. Đây là một thực trạng đáng quan tâm về đào tạo nghề cho lao động nông thôn hiện nay. Mặt khác, trang thiết bị được đầu tư khá đồng bộ nhưng lại “đắp chiếu” nằm chờ do thiếu giáo viên giảng dạy gây xuống cấp, hư hỏng. Một số thiết bị được đầu tư nhưng không thể sử dụng do đã lỗi thời, không phù hợp với thực tiễn đào tạo nghề, gây lãng phí. Từ thực trạng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn hiện nay cần phải có những giải pháp mang tính đột phá nhằm tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại để đạt được các mục tiêu, lộ trình mà Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã đặt ra. (Còn nữa) Bài, ảnh: LÊ MINH