Triệu Vân (Triệu Phong) là xã vùng biển bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM) từ điểm xuất phát thấp, đời sống người dân còn khó khăn, cơ sở hạ tầng có nhiều hạn chế. Bằng nỗ lực vượt bậc, sau hơn 10 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, xã Triệu Vân đã thu được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Theo kế hoạch đến cuối năm 2022, địa phương sẽ về đích NTM.
![]() |
Bộ mặt nông thôn xã Triệu Vân khang trang hơn sau khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới - Ảnh: T.L |
Hiện nay, những con đường của xã Triệu Vân đã được rải nhựa, đổ bê tông thẳng tắp theo về từng ngõ xóm, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trên địa bàn xã mua bán, đi lại dễ dàng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Nhà cửa của người dân được xây dựng khang trang hơn, không còn nhà tạm, dột nát, tỉ lệ nhà ở đạt chuẩn theo quy định trên 80%.
Hệ thống điện thắp sáng phục vụ sinh hoạt, sản xuất được đầu tư xây dựng phủ khắp tất cả các khu dân cư… Để đạt được kết quả trong xây dựng NTM như hôm nay là sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và người dân địa phương khi biết khơi dậy tinh thần đoàn kết, phát huy tiềm năng, thế mạnh của một xã ven biển.
Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Vân Trần Khương Bảo cho biết: “Bắt đầu thực hiện chương trình xây dựng NTM vào năm 2012, xã Triệu Vân chỉ đạt 5/19 tiêu chí (theo bộ tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020), tỉ lệ hộ nghèo chiếm trên 19%, thu nhập của người dân chỉ đạt 12,4 triệu đồng/người/năm…
Xác định rõ xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị, thúc đẩy kinh tế- xã hội địa phương phát triển, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, nên ngay từ khi bắt tay thực hiện, Đảng bộ, chính quyền xã Triệu Vân đã tiến hành xây dựng các kế hoạch, lộ trình cụ thể. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực đóng góp sức người, sức của cùng tham gia xây dựng NTM. Nhờ vậy, sau hơn 10 năm xây dựng NTM, xã đã huy động nguồn lực để từng bước nâng cấp hạ tầng cơ sở như điện, đường, trường, trạm y tế…
Cùng với đó, nhiều chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện để chăm lo cho hộ nghèo, người yếu thế tại địa phương. Nhờ vậy đến nay, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 5,2%, thu nhập tăng lên 48 triệu đồng/người/năm”.
Để đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân, chính quyền địa phương đã ưu tiên các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn. Địa phương đã xây dựng được các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững như mô hình sản xuất ném, kiệu, đậu đen xanh lòng. Nhiều mô hình trang trại, gia trại được hình thành, bước đầu đem lại thu nhập khá cho người dân.
Toàn xã hiện có gần 30 mô hình cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm; 5 mô hình thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/năm. Phát huy lợi thế của địa phương, người dân đã mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản, đem lại thu nhập khá. Toàn xã hiện có 37,1 ha diện tích nuôi tôm; 7,9 ha nuôi ốc hương…
Theo bộ tiêu chí mới về xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, đến thời điểm này, xã Triệu Vân đạt 13/19 tiêu chí xây dựng NTM. Ví dụ như đối với tiêu chí trường học, sau khi sáp nhập, xã có 2 trường gồm 3 cấp học mầm non, tiểu học và THCS. Hệ thống trường học cả ba cấp học trên địa bàn chưa đạt về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học theo quy định. Hiện nay, địa phương đã được cấp trên bố trí vốn để xây dựng 6 phòng học tại trường mầm non.
Hay môi trường được xác định là một tiêu chí khó đạt và dễ rớt, việc thực hiện tiêu chí phụ thuộc nhiều vào ý thức cộng đồng dân cư, cách làm, cách triển khai. Do vậy, giải pháp mà địa phương đưa ra là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức, từ đó từng bước thay đổi hành vi của người dân, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống của người dân.
Đồng thời tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân thực hiện phân loại rác thải hữu cơ tại hộ gia đình… Cũng trong tiêu chí môi trường, địa phương gặp khó ở việc thực hiện chỉ tiêu tỉ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung, vì hiện tại xã chưa có nước sạch để sử dụng, người dân đang sử dụng nước hợp vệ sinh. Việc xử lý nước thải trong sản xuất và nuôi trồng thủy sản cũng gặp khó khăn do từ trước đến nay người dân chủ yếu nuôi theo hướng tự phát.
Phương án của địa phương đưa ra trong thời gian tới là bố trí xây dựng ở mỗi thôn một ao xử lý nước thải. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng gặp khó vì hiện nay xã không có quỹ đất để xây dựng các ao lắng xử lý nước thải nuôi trồng thủy sản. Đối với một số hạng mục công trình khác, cấp trên đã phân bổ vốn nhưng do vốn đối ứng của Nhân dân cao nên xã cũng đang gặp khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với sự động viên, hỗ trợ của cấp trên, xã Triệu Vân đặt quyết tâm cao sẽ về đích NTM trong năm 2022. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Khương Bảo thông tin thêm: “Trong thời gian tới, địa phương sẽ tích cực huy động, lồng ghép các nguồn vốn của cấp trên, ưu tiên bố trí các nguồn lực cho việc xây dựng NTM. Thực hiện đa dạng hóa các nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện chương trình.
Tranh thủ tối đa các nguồn vốn của nhà nước theo cơ chế hỗ trợ xây dựng NTM và nguồn vốn lồng ghép của các tổ chức, chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Huy động tối đa các nguồn lực tại địa phương, khai thác các nguồn thu hợp pháp cho ngân sách. huy động nguồn đóng góp, hỗ trợ, tài trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân tại địa phương, con em xa quê để tạo vốn đầu tư giữ vững, nâng cao chất lượng tiêu chí NTM.
Lồng ghép các nguồn vốn từ chương trình MTQG, các chương trình dự án hỗ trợ có mục tiêu đang triển khai trên địa bàn để cùng chung tay xây dựng NTM. Cùng với đó, địa phương cũng đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền sâu rộng về cơ chế, chính sách mới, các mô hình phát triển sản xuất, các chương trình dự án, nêu gương điển hình tiên tiến, truyền đạt những kinh nghiệm hay, cách làm tốt trong xây dựng NTM để đạt lộ trình về đích NTM đã đề ra…”.
Thanh Lê