Nhức nhối nạn tảo hôn
(Tiếp theo kỳ trước)

Nhức nhối nạn tảo hôn

(Tiếp theo kỳ trước)

Đẩy lùi nạn tảo hôn

Theo số liệu khảo sát của Ban Dân tộc tỉnh tại 8 xã và báo cáo của 23 xã gửi về, giai đoạn 2011-2015 và 6 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị có 1.339 trường hợp tảo hôn và 16 trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Đây là số liệu chưa đầy đủ do còn 10/41 xã, thị trấn vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa có số liệu báo cáo thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Mặt khác, số liệu báo cáo thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết của các đơn vị thấp hơn nhiều so với thực tế.

Hội thảo giới thiệu và triển khai dự án “Phòng chống kết hôn trẻ em” tại tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016-2019

Tại huyện Đakrông, báo cáo của UBND huyện giai đoạn 2011-2015 có 254 trường hợp tảo hôn và 1 trường hợp hôn nhân cận huyết thống, trong khi số liệu khảo sát thực tế của Ban Dân tộc tỉnh tại 4/13 xã, thị trấn (Ba Nang, Tà Long, Tà Rụt, A Vao) tảo hôn 269 trường hợp và hôn nhân cận huyết thống 8 trường hợp. Tương tự, số liệu thống kê của Phòng Dân tộc huyện Hướng Hóa giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn huyện có 444 trường hợp tảo hôn và 12 trường hợp hôn nhân cận huyết thống, trong khi số liệu khảo sát thực tế của Ban Dân tộc tỉnh tại 4/22 xã, thị trấn (Ba Tầng, A Túc, Hướng Lập, Hướng Linh) thì con số tảo hôn 263 trường hợp và 8 trường hợp hôn nhân cận huyết thống…Đặc biệt, tình trạng tảo hôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng rất đáng quan ngại. Năm 2011 toàn tỉnh có 116 trường hợp tảo hôn, đến năm 2012 số lượng tảo hôn là 131 trường hợp, năm 2013 có 201 trường hợp, năm 2014 có 257 trường hợp, năm 2015 có 310 trường hợp và 6 tháng đầu năm 2016 có 226 trường hợp tảo hôn. Một số xã tỉ lệ tảo hôn tăng rất nhanh qua các năm như xã Thuận (Hướng Hóa) năm 2012 có 5 trường hợp tảo hôn, năm 2013 có 12 trường hợp, năm 2014 có 16 trường hợp, năm 2015 có 34 trường hợp và 6 tháng đầu năm 2016 có 19 trường hợp tảo hôn…

Thực hiện Quyết định 498/QĐ-TTg, ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025”, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 103/KH-UBND, ngày 11/1/2016 về triển khai thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số” giai đoạn 2015-2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Qua một năm thực hiện đề án, mặc dù cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội đã tăng cường lãnh đạo và nâng cao trách nhiệm trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hôn nhân và gia đình, nhưng hiệu quả mang lại rất thấp, tình trạng tảo hôn ở các địa phương vẫn phổ biến và có chiều hướng gia tăng. “Hiện nay, hầu hết các xã chưa có mô hình truyền thông nào phù hợp để tuyên truyền nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, mà chỉ là các hoạt động mang tính lồng ghép ở thôn, bản, nhà trường khi thấy học sinh bỏ học để lấy vợ, lấy chồng hoặc có những trường hợp con cô, con cậu lấy nhau. Mặt khác, phương pháp tuyên truyền tại địa phương chưa có hiệu quả, do không có tài liệu tuyên truyền; những cán bộ tuyên truyền chưa được tập huấn về công tác tuyên truyền nói chung và những kiến thức về hôn nhân gia đình nói riêng. Ở địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số đời sống kinh tế khó khăn, chính quyền địa phương tập trung cho công việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, chưa xem việc đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết là nhiệm vụ chính trị xã hội quan trọng, nên tảo hôn mặc nhiên phát triển và có chiều hướng gia tăng”, ông Lê Văn Quyền, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh lý giải nguyên nhân tình trạng tảo hôn chưa mang lại hiệu quả.

Ông Quyền cho hay, về nhận thức, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số vẫn có quan niệm sai lầm rằng, quan hệ hôn nhân cận huyết thống thắt chặt tình cảm giữa những người thân trong gia đình, dòng họ và việc lấy vợ, lấy chồng sớm để có thêm lao động cho gia đình và tránh tình trạng không kết hôn được do lớn tuổi. Họ chưa nhận thức được việc kết hôn trẻ em và hôn nhân cận huyết thống ảnh hưởng lớn đến chất lượng giống nòi- chất lượng cuộc sống, là nguyên nhân chính dẫn đến vòng luẩn quẩn: đói nghèo- tảo hôn- sinh con bệnh tật, đau ốm- thiếu kiến thức và kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình- sinh nhiều- thất học- đói nghèo. Khó khăn hiện nay là chưa có nguồn kinh phí cho hoạt động tuyên truyền thực hiện đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, nên hiệu quả mang lại chưa cao.

Để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống thì vấn đề mấu chốt là cần phải nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các địa phương cần đưa nhiệm vụ giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vào trong chương trình công tác của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng các mô hình điểm ở thôn bản và trường học gây hiệu ứng lan tỏa đối với các địa bàn xung quanh…Công tác tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn cần được tổ chức thiết thực hơn như: Tập huấn xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở có năng lực, có kiến thức, am hiểu phong tục tập quán của đồng bào để phục vụ tốt cho công tác vận động; lồng ghép công tác tuyên truyền vào các chương trình lễ hội của đồng bào, các buổi biểu diễn văn nghệ, hội thi kiến thức chủ đề về bình đẳng giới, hôn nhân gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản… giữa các thôn bản để thu hút số lượng người tham gia. Việc cấp phát tài liệu tuyên truyền phải đa dạng hóa loại hình, có hình ảnh và nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, có các tình huống trắc nghiệm hỏi đáp hoặc chiếu phim tuyên truyền. Thay đổi nhận thức và tập quán kết hôn sớm của đồng bào dân tộc thiểu số không thể một sớm, một chiều mà làm được. Do đó, cần có sự chung tay vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò quan trọng của cán bộ làm công tác dân tộc, công tác chính quyền, đoàn thể ở cơ sở nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật cho đồng bào. Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước cần đầu tư mạnh hơn nữa xây dựng kết cấu hạ tầng; triển khai thực hiệu có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống cho nhân dân. Khi kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên, đồng bào dân tộc thiểu số nhận thức đầy đủ kiến thức pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình… thì tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống sẽ được đẩy lùi.

AN PHONG - KHÁNH NGỌC